Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

CHƯƠNG I, II_PHO TƯỢNG RỒNG VÀNG

I


KHÁM PHÁ MỘT BÍ MẬT


Tôi tên là Hương, hiện ở tại Bàn Cờ, một khu phố đông dân nhất của đô thành Saigon. Tôi chỉ mặc áo dài, không bao giờ mặc mini duýp, và lẽ dĩ nhiên tôi cũng sẽ không bao giờ mặc mini áo dài, một mốt kỳ cục vừa xuất hiện ở Saigon độ vài tháng nay. Nhưng điều trên không phải là điểm đặc biệt của tôi vì đó là điều tự nhiên quá đi, bất cứ một người con gái Việt Nam nào nếu có giòng máu tự hào con cháu Hai bà Trưng Triệu trong người cũng đều có cả. Điểm đặc biệt của tôi : tôi chính là một nhà thám tử. Xin các bạn chớ vội nghi ngờ : Con gái tuổi lại còn nhỏ mới mười sáu như tôi làm sao đủ sức dám xen vào các chuyện bí mật nguy hiểm của người lớn được ?! Khi tôi thuật lại cho các bạn nghe những cuộc hành trình bí mật của tôi với người chỉ huy tôi và những giây phút kinh sợ mà tôi đã trải qua, lúc bấy giờ các bạn sẽ rõ.

Một buổi sáng mát rượi gió thổi hiu hiu, những giọt mưa dìu dịu đầu mùa lất phất bay, tôi thức dậy hơi trễ vội sửa soạn ăn sáng và đi học sau một đêm ngủ ngon đầy mộng đẹp. Trong lúc tôi đang sửa soạn thì chuông điện thoại nhà tôi bỗng reo vang dồn dập. Tôi thấy ba tôi chạy ra bàn nhấc điện thoại lên. Tôi cố lắng tai nghe xem có phải... của tôi không ?

Ba tôi nói :

- A lô !

Rồi ba tôi im lặng. Một lúc sau, tôi lại nghe ông nói với một giọng giận dữ bất mãn :

- Cái gì ? Thế nào ? Ông nói gì vậy ? Ông là ai ? A lô ! A lô !

Tôi thấy ông ngó điện thoại với vẻ hết sức lạ lùng. Ông đặt điện thoại xuống bàn một cái cụp rồi nói với má tôi :

- Này bà ! Có lẽ một thằng điên nào mới gọi điện thoại cho tôi đấy !

Má tôi hỏi :

- Nó nói gì vậy ?

- Nó nói với giọng hết sức nhẹ nhàng là Thần Kim Quy đã xuất hiện và sẽ lần lượt đi đánh đòn những người Việt Nam vong bản. Vừa nói xong nó cúp máy ngay.

Nói xong, ba tôi khẽ nhún vai và bỏ vào nhà trong.

Thần Kim Quy đã xuất hiện và sẽ lần lượt đi đánh đòn những người Việt Nam vong bản.

Hai tay tôi bỗng run lên. Đúng là mật hiệu của A rồi. Tim tôi đập thình thịch. Khi nào A gửi cho tôi mật lệnh này thì nhất định thế nào cũng có chuyện lạ. Tôi vội ăn sáng thật nhanh, nhanh hơn thường lệ rồi xin phép ba má tôi đi học.

Má tôi cười:

- Sao hôm nay con đi sớm vậy con? Chắc con đi sớm để tìm người mua báo dài hạn chớ gì? Rán lên nghe con!

Má tôi muốn ám chỉ đến cuộc thi do bán nguyệt san Tuổi Hoa tổ chức hằng năm để tìm độc giả dài hạn mới. Theo thể lệ cuộc thi này trong thời hạn một tháng, ai tìm được nhiều độc giả dài hạn nhất sẽ được một giải thưởng và được trở thành độc giả số một của gia đình Tuổi Hoa trong năm đó. Giải thưởng này rất giá trị và tôi ước mơ từ lâu đoạt được giải thưởng này. Hiện tại chỉ có tôi và một người nữa ở Tân Địnhlà tìm được số độc giả nhiều nhất. Nếu tôi cố gắng và gặp may mắn, năm nay tôi sẽ thắng cuộc.

Nhưng lúc này, tôi chả nghĩ gì đến cuộc thi đó cả. Tôi cố rồ xe Honda thật nhanh về hướng nhà A. Tôi chỉ nghĩ đến mật lệnh của A. Nhà A không cách nhà tôi bao xa. Tôi lái xe xuyên qua nhiều ngõ hẻm đến phía sau nhà A. Sau nhà A là nhà để xe. Tôi dẫn xe Honda giấu vào một bụi rậm. Với sự cẩn thận phải có của một thám tử, tôi ngó trước, ngó sau, ngó trái, ngó phải xem có ai theo dõi không rồi bấm một cái nút bí mật ở cửa. Một tiếng động rè rè nổi to lên nhờ một cái máy khuếch đại giấu trong nhà. Liền lúc đó, một giọng thì thầm phát ra :

- Ai đó ? Tên gì ? Muốn gì ?

Tôi trả lời :

- Nhân viên 09. Lý do công tác.

Tôi chờ một lúc.

- Đọc mật khẩu.

Tuân lệnh, tôi đọc nho nhỏ :

- Tiếng sáo vi vu... rừng núi âm u... buồn khóc hu hu...

- Mặc áo gì ?

- Áo dài.

- Tốt !

Lúc bấy giờ, một phần tường nhà xe bỗng chuyển động để lộ ra một khoảng trống. Tôi đi nhanh vào. Bức tường ấy liền khép ngay ở sau lưng tôi. Bên trong tối om.

Nhưng nhờ một ngọn đèn nhỏ phát ra ánh sáng xanh, tôi thấy một cầu thang bằng sắt. Tôi tiến tới cầu thang và leo lên. Khi tôi vừa leo lên hết, cầu thang liền bị rút lên và một tấm vỉ sắt liền lấp ngay lỗ cầu thang. Tôi lọt vào một gian phòng lớn. Tôi đã đến phòng này nhiều lần và lần nào cũng qua các giai đoạn trên. Tôi đã đứng trước mặt A. A đang ngồi trên ghế ngó tôi đăm đăm. A nói với tôi :

- 09 ! Anh nhận thấy em đến đây hết sức vội vã, phải không ? Em đã dậy trễ và đã ăn sáng thật nhanh. Nhưng may mắn, hôm nay trứng luộc rất ngon và dễ tiêu nên dù ăn nhanh vẫn không hại bao tử.

Trời ! Làm sao A biết hết vậy ? Tôi hỏi ngay :

- Anh nói đúng ! Em dậy trễ nên rất vội nhưng làm sao anh biết được ? Và nhất là làm sao anh biết được hôm nay em đã ăn một quả trứng luộc ?

Nghe tôi hỏi, A mỉm cười, từ từ lấy kính đeo mắt ra lau và nói :

- Có gì khó khăn đâu ! Anh nhận thấy tóc em không được chải kỹ lưỡng như mọi ngày. Quần áo em mặc có vẻ xốc xếch không được chăm sóc. Hơn nữa, em đã không đích thân trả lời điện thoại ở giờ anh định trước. Còn về trứng luộc, anh nhận thấy có một vết vàng dính ở mép môi em. Lẽ dĩ nhiên có thể đó là vết trứng ốp-la hay trứng chiên. Nhưng nếu nhận xét kỹ, ta cũng có thể phân biệt được sự khác màu giữa các loại trứng đó.

A đã nhận xét thật đúng. Tôi không thể chối cãi được. Nhớ lời nói của A, tôi hơi mắc cỡ, khẽ quay mặt chỗ khác liếm nhẹ môi... Lúc nào A cũng vậy, cũng chứng tỏ cho mọi người thấy A đúng là người số một về suy diễn và một thám tử tài ba.

A chỉ lớn hơn tôi có mấy tháng, nhưng trông A có vẻ già dặn hơn tôi nhiều, nhất là cặp kính cận trên mặt càng tăng thêm vẻ đạo mạo của A nữa. Thực ra, tên thật của A là Đông và A chính là anh họ của tôi. Tôi và A học chung một lớp. Ba A tức là bác tôi hiện làm giáo sư ở trung học Lý tưởng. A là con một nên được bác tôi cưng chiều không thể nào tưởng tượng nổi. Bác tôi đã để A tự do làm theo ý muốn của mình. Bác tôi đã dành riêng cho A gian phòng lớn phía trên nhà để xe để A muốn làm gì thì làm. Nhờ thông minh và tháo vát, A đã tạo gian phòng này thành một phòng nghiên cứu các vấn đề phạm pháp và bác tôi cho đó là chuyện thường, không có gì đáng ngạc nhiên cả. A đã tự tay trang bị trong gian phòng này một hệ thống an ninh : nào là ngõ vô bí mật, nào là thang rút. Ngoài ra A còn có một máy ghi âm và đồng thời sáng chế một hệ thống báo động bởi tế bào quang điện.

Tới đây, chắc các bạn tưởng anh Đông của tôi có nhiều tiền lắm. Thực ra, anh rất ít tiền, anh đã dùng các động cơ cũ bị phế thải để chế tạo các dụng cụ trang bị gian phòng bí mật. Anh kiếm tiền riêng bằng cách đi sửa chữa điện cho các nhà hàng xóm.

Trước kia, tôi và anh Đông lâu lâu chỉ liên lạc nhau bởi liên hệ gia đình mà thôi. Chúng tôi chỉ liên lạc mật thiết từ khi chúng tôi khám phá ra ý thích chung : sự mê say các vấn đề phạm pháp bí mật. Lẽ dĩ nhiên, sự liên kết của anh em chúng tôi hoàn toàn bí mật, không ai biết hết kể cả anh chị em trong gia đình Tuổi Hoa, một gia đình của một tạp chí viết cho tuổi học trò mà tôi đã gia nhập làm đoàn viên từ hồi còn bé tí ti. Vì thế, chúng tôi đã chọn các tên bí mật A và nhân viên 09. A là đầu não chỉ huy và 09 là nhân viên thừa hành. Chính tôi đã theo dõi để tìm dấu vết (A và 09 đã giữ bí mật dấu vết của tất cả các bạn trong trường mà các bạn đó không hay biết gì hết). Người ta nói một thám tử phải là người muốn đi đâu thì đi, muốn vào đâu thì vào không ai có thể biết được. Tôi cũng vậy. Tuy là thám tử, tôi không có cái gì khác hẳn với các người con gái trạc tuổi tôi cả, như trên tôi đã nói, tôi luôn mặc áo dài, tôi có một mái tóc dài với vài sợi tóc mây lõa xõa trước trán, tôi có khuôn mặt trái xoan và tôi cười có má lúm đồng tiền. Còn về phần anh Đông, anh cao lênh khênh, ốm nhom, tôi chỉ đứng đến vai anh. Mặt anh càng tăng thêm vẻ thám tử bởi cặp kính cận đeo trên mắt. Anh rất hoạt bát, nhiều lúc nói như sách vậy. Anh là một người khá lạ kỳ, lúc thì hết sức đứng đắn trang nghiêm đến độ khó chịu và độc đoán, lúc thì dễ dãi vui đùa. Tuy nhiên anh là một người bình thường không có vẻ gì mất thăng bằng cả.

Anh ngó tôi đăm đăm làm tôi phát sợ. Chắc có biến cố gì quan trọng lắm ?

Tôi hỏi :

- Có gì quan trọng không anh ? Em đã nhận được mật lệnh của anh...

- Gà ! Gà ! Người ta đã tìm được gà rồi !

Buồn quá, chả có gì quan trọng cả. Từ mấy tháng nay, không có gì bí mật xảy ra ở Bàn Cờ, nhưng thình lình sáng hôm qua, các báo loan tin một bà tai mắt có một đàn gà mập béo và bà ấy đã nói là bà bị mất cắp.

Tôi hỏi :

- Ai là thủ phạm ăn cắp gà vậy anh ?

- Không có ai là thủ phạm cả. Đàn gà đã đi lạc vào các nhà lân cận. Bà ấy đã tìm được đầy đủ hồi sáng nay.

Tôi ngồi phịch xuống ghế, chán nản :

- Có vậy mà anh cũng gọi em !

- Phải gọi chứ ! Cho em biết là đừng nên dính vào một vụ không có gì hết, uổng công, phí sức… Ngoài ra anh muốn dặn em một điều...

Mắt tôi sáng lên. Có lẽ A đã tìm ra được một bí mật ?

- 09 ! Sáng nay em phải khám phá ra một bí mật vì anh vừa hoàn thành công tác nghiên cứu làm khuôn bằng thạch cao các dấu vết chân in lún xuống đất mềm.

Tôi ngạc nhiên :

- Anh đùa em phải không ? Làm thế nào mà em khám phá ra một bí mật được ? Hiện giờ em chỉ có một bí mật là làm sao tìm được một số độc giả dài hạn mới cho tạp chí Tuổi Hoa để đoạt giải thưởng mà thôi.

A ra lệnh :

- Em phải tìm cho được ! Nếu em chú ý, có thể em sẽ khám phá ra một điều gì. Em nên nhớ một nhà thám tử luôn luôn phải mở to mắt để quan sát khắp nơi.

Tìm một bí mật ! Còn khó hơn là tìm một độc giả dài hạn mới cho tạp chí Tuổi Hoa nữa ! Để cãi lại lệnh của A, tôi chỉ còn có cách là làm bộ hờn dỗi nhõng nhẽo. Tuy khó, nhưng mỗi lần tôi dỗi, nhõng nhẽo là anh chiều tôi ngay vì anh cưng em gái của anh lắm. Anh nào mà lại không cưng em, nhất là em gái, phải không các bạn ?

Tôi phụng phịu nói :

- Anh luôn luôn ăn hiếp em hoài ! Em không chịu đâu ! Em giận anh rồi !

Vừa nói xong, tôi làm bộ đi ngoe nguẩy đến chỗ cầu thang. Anh Đông bèn nắm tay tôi kéo lại. Anh nói ngọt xớt :

- Có vậy mà em cũng giận à ? Cho anh xin ! Anh nói thế chứ anh cũng đi tìm bí mật với em mà ! Anh đâu có bắt em đi tìm một mình.

Được thể, tôi càng làm già :

- Chút là ra lệnh ! Chút là ra lệnh ! Anh tìm một mình đi, em không tìm đâu !

Anh Đông cười chịu thua :

- Thôi ! Đi học ! Sắp tới giờ rồi… Sáng nay anh đền cho một tô phở chua, chịu không ?

Nghe phở chua, một món ăn khoái khẩu đặc biệt ở Bàn Cờ, tôi thích mê đi dù đã ăn quà sáng ở nhà. Tôi im lặng không nói gì hết, con gái mà im lặng tức là bằng lòng. Anh Đông biết ý, anh mỉm cười, bấm nút cho tấm vỉ sắt lách ra một bên rồi bấm một nút nữa cho cầu thang hiện ra. Anh em chúng tôi xách cặp bước xuống.

Khi anh em chúng tôi ra khỏi nhà, anh Đông thòng thêm một câu :

- Ôi chao ! Nhân viên 09 gì mà hơi chút là dỗi, hơi chút là nhõng nhẽo. Lêu lêu mắc cỡ !

Nhớ đến tô phở chua ngon ơi là ngon, tôi cười lỏn lẻn.


II

NGƯỜI MANG KÍNH ĐEN



Người tài xế lạ mặt đang lái chiếc xe Toyota trông có vẻ như một tên tướng cướp. Đôi kính đen thật to che lấp gần hết khuôn mặt chỉ chừa cái miệng với đôi môi thâm sì đã làm người lạ mặt có vẻ bí mật kỳ quái dễ sợ. Anh Đông lái xe Suzuki chầm chậm đến cạnh xe Toyota. Người lạ mặt hỏi với giọng khàn khàn :

- Em có biết có học trò người Tàu nào mới đến học trường kia không ?

Anh Đông điềm tĩnh trả lời :

- Tôi học ở trường đó nhưng tôi chưa thấy có người Tàu nào đến học cả.

Người mang kính đen không nói gì hết cho xe phóng thật nhanh tới trước. Anh Đông khẽ nhăn trán. Anh lẩm bẩm :

- Thật là lạ ! Kỳ cục...

Sau khi đã ăn hai tô phở chua, tôi và anh Đông lái xe thật nhanh đến trường cho kịp giờ học. Khi chỉ còn cách trường độ trăm thước, anh Đôngthấy người lạ mặt đeo kính đen đang lái xe Toyota vẫy anh lại và hỏi thăm một người học trò Tàu với thái độ lạ lùng. Phải chăng anh em chúng tôi đã tìm được một bí mật ? A và 09 sắp có công tác ? Chúng tôi theo dõi chiếc xe Toyota đó. Chiếc xe chầm chậm đến cạnh một nhóm học trò đang tụ tập trước cổng trường. Nhưng, khi chiếc Toyota có vẻ muốn ngừng lại thì một chiếc xe díp cảnh sát từ đâu trờ tới. Vừa thấy chiếc xe cảnh sát chiếc xe Toyota vội quay ngược trở lại và phóng nhanh mất hút.

Anh Đông nói với tôi :

- Hương à ! Anh nhận thấy có cái gì là lạ khả nghi lắm.

Tôi cười :

- Anh thật đa nghi ! Người ấy chỉ mới hỏi anh có một câu mà đã bị anh nghi ngờ rồi !

Anh Đông ngạc nhiên nhìn tôi :

- Nếu người ấy chỉ muốn hỏi học trò chúng mình về điều ấy thì có gì phải sợ khi gặp cảnh sát ? Em có nhận thấy người ấy có vẻ muốn ngừng trước trường không ?

Tôi đáp :

- Có !

Anh Đông nói thêm :

- Nhưng khi xe cảnh sát vừa tới thì người ấy liền quay xe phóng đi mất hút, em có thấy thế không?

Tôi gật đầu :

- Có ! Người ấy có vẻ sợ nhân viên công lực.

- Đúng ! Điều người ấy hỏi anh có vẻ mờ ám… Ngoài ra, cặp kính đen…

- Đeo kính đen có gì đâu mà lạ ?! Có thể người ấy đeo để giữ mắt chống lại ánh sáng mặt trời.

Nghe tôi nói, anh Đông mỉm cười châm biếm :

- Phải ! Đeo kính đen để cho mát mắt giữa thời tiết như thế này !

Tôi ngó chung quanh. Sáng nay trời mưa lâm râm. Dù đã 7 giờ rưỡi mà trông như có vẻ mới 6 giờ.

Tôi nói :

- Đúng ! Thời tiết như thế này thì có ai đeo kính làm chi ! Nhưng tại sao lại kính đen ?

- Để mọi người khỏi nhận diện được.

- Như thế, người học trò Tàu đó đã bị lâm nguy ?

Anh Đông trả lời :

- Có thể lắm ! Nhất là… tự nhiên anh liên tưởng đến tai nạn của vợ chồng thầy Quách Xu Hào mà báo chí lúc đó nghi ngờ là án mạng.

Thầy Quách Xu Hào ! Cách đây mấy tháng, thầy Xu Hào là giáo sư dạy vẽ ở trường tôi, ông rất vui tính. Mọi người đều mến ông. Tuy là người Tàu, nhưng ông bà chả có vẻ gì Tàu cả, rất là Việt Nam. Vì thế, mọi người đều bàng hoàng thương tiếc khi hay tin ông bà bị chết bởi một tai nạn xe hơi.

Anh Đông lại tiếp tục lý luận :

- Nhưng câu hỏi người mang kính đen chả có liên quan gì đến thầy Quách Xu Hào vì theo anh biết, thầy cô Quách Xu Hào không có một người con nào cả.

Tôi hỏi :

- Vậy, bây giờ chúng ta phải làm gì ? Khởi đầu ở chỗ nào, hả anh ?

Anh Đông ngó đồng hồ tay và nói :

- Vào lớp đã ! Nhưng còn năm phút nữa mới đến giờ, anh em mình ghé qua công trường xem người ta làm việc đi.

Trường của chúng tôi đang được xây cất thêm để thỏa mãn nhu cầu học hỏi của học trò vì học trò càng ngày càng đông mà tình trạng hiện tại của trường không đủ chỗ chứa.

Vừa tới công trường, chúng tôi thấy thầy hiệu trưởng Tường, đứng quan sát thợ làm việc. Hôm nay, thầy mặc một bộ đồ vét thật đẹp, đầu chải láng bóng.

Tôi cười nói lén với anh Đông :

- Này anh ! Thầy Tường bữa nay diện ghê... Chắc chút nữa thầy đi chơi với cô...

Anh Đông nói :

- Bộ em không biết sao ? Hôm nay có thanh tra đến viếng trường.

Chợt ngó đồng hồ, anh Đông quýnh lên :

- Vào lớp nhanh ! Tới giờ rồi.

Chưa đầy một phút sau, chúng tôi đã vào trong lớp học chúng tôi ở lầu một.

Tôi ngồi bên dãy bàn con gái, cạnh cửa sổ ngó ra đường, còn anh Đông ngồi sát tường bên kia.

Nhớ đến thái độ kỳ lạ của người mang kính đen, tôi bứt rứt không yên. Người ấy là ai ? Người học trò Tàu mà người ấy hỏi là ai ? Người ấy muốn gì ? Tại sao người ấy có vẻ trốn tránh cảnh sát ? Thình lình, giáo sư gọi tôi. Tôi đứng dậy, ấp úng vì chả nghe thấy giáo sư muốn hỏi gì. Tôi ngó ra cửa sổ như muốn tìm câu trả lời. Lúc này, tôi có vẻ quê lạ ! Bỗng tôi trông thấy chiếc xe Toyota lúc nãy đang lướt chầm chậm trước cổng trường. Tôi thấy rõ người tài xế. Dường như, người tài xế cũng thấy tôi. Qua đôi kính đen, người ấy ngó tôi chầm chập như là đang muốn tìm tôi. Chân tay tôi run lên. Tôi ngó mất hồn về phía cửa sổ không nói được một lời nào.

- Hương ! Bữa nay sao em kỳ vậy ? Em ngó gì ở cửa sổ vậy ? Lần này thầy tha, lần sau tái phạm thầy phạt đó nghe !

Lời mắng của thầy làm tôi trở về thực tại. Thầy lúc nào cũng khoan hồng, cũng thương học trò thế mà học trò có hiểu thầy đâu, nhiều khi còn lợi dụng sự khoan hồng và tình thương của thầy để ỷ lại đồng thời lười biếng không chịu học hành phụ lòng kỳ vọng của thầy nữa.

Tôi mắc cỡ ngồi xuống. Tuy nhiên, tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh người mang kính đen đang lái xe Toyota lượn quanh trường.

Chuông vừa reo báo giờ ra chơi, tôi mừng rỡ chạy như bay qua anh Đông.

Anh Đông nói :

- Bình tĩnh, 09 ! Em thấy gì lạ ở ngoài đường ?

Anh Đông chỉ gọi tôi là 09 khi nào có chuyện quan trọng.

Tôi nói cho anh nghe điều tôi thấy. Nghe xong, anh Đông chạy ra cửa sổ ngó xuống đường. Anh nói :

- Nếu người ấy ở đây lúc nãy thì bây giờ nhất định người ấy đã đi rồi, không còn ở đây nữa.

Tôi hơi tức vì câu nói của anh :

- Bộ anh không tin em sao ? Chính em thấy người ấy rõ ràng mà.

Anh Đông rầy :

- Em nói nhỏ nhỏ chứ ! Bộ em muốn mọi người biết hết chuyện bí mật của anh em mình à ?

Thật vậy, lúc đó tôi không để ý đến các bạn đang tràn ngập chung quanh anh em chúng tôi.

Anh Đông nói nho nhỏ :

- Em hãy để ý xem có người học trò Tàu nào mới nhập học hôm nay không ?

Dù đôi mắt chúng tôi có mở to cách mấy đi nữa, anh em chúng tôi vẫn không thấy người học trò Tàu nào mới nhập học cả.

Anh em chúng tôi đến đứng cạnh lan can lầu ngó ra đường. Để mọi người khỏi để ý, anh Đông mở một quyển sách để trên lan can như có vẻ anh đang đọc sách.

Anh Đông vẫn chưa hết nghi ngờ :

- Em có chắc là chiếc xe Toyota đó không ? Phải chi anh thấy...

Tôi chưa kịp trả lời thì...

- Chà ! Hai anh em làm gì đó ? Sao không đi chơi.

Chúng tôi quay lại... Thầy hiệu trưởng Tường ngó chúng tôi mỉm cười. Thầy biết chúng tôi là hai anh em học cùng một lớp.

Anh Đông liền trả lời :

- Chúng em đang xem thời tiết hôm nay. Đám mây đen to kia báo hiệu sắp có mưa to… và trận mưa này sẽ kéo dài suốt cả ngày.

Tôi thấy thầy hiệu trưởng có vẻ sửng sốt nhưng khi ngó lên trời chốc lát, thầy gật đầu :

- Chắc có lẽ hai em đoán đúng ! Giỏi lắm !

Nói xong, thầy đi thẳng. Tôi nói với anh Đông :

- Anh thật là tài !

Nghe lời khen của tôi, anh Đông khẽ nhún vai, trông anh phớt tỉnh như "ăng lê":

- Đó chỉ là may mắn mà thôi !

Tôi trở lại vấn đề :

- Nhất định người mang kính đen vẫn đang tìm người học trò Tàu.

Anh Đông có vẻ suy nghĩ nói :

- Người học trò Tàu ! Anh đã cố tìm, ngó từng người một nhưng chả thấy người nào có vẻ Tàu cả!

- Có thể người đó có mục đích khác mờ ám hơn, việc tìm người học trò Tàu chỉ là một cớ…

Anh Đông khẽ nhăn trán khi nghe câu nói của tôi. Thình lình, một chiếc xe Toyota tiến nhanh vào sân trường. Chưa kịp ngó kỹ người tài xế, tôi la lên :

- Kìa ! Người mang kính đen ! Anh Đông ơi ! Đúng rồi ! Đúng rồi !

- Đúng gì vậy, em ?

Thầy hiệu trưởng Tường vừa quay trở lại và nghe được tiếng la của tôi.

Tôi vừa nói vừa run :

- Thầy ơi ! Người lái xe Toyota kia đã đi vòng quanh trường từ sáng đến giờ. Bây giờ bỗng nhiên lại vào trường. Thưa thầy, có vẻ mờ ám nguy hiểm lắm !

Thấy vẻ mặt thất vọng của anh Đông, tôi hối hận đã lỡ lời nhưng quá muộn rồi. Anh Đông nói gỡ :

- Thưa thầy ! Theo em chả có gì cả, em Hương tưởng tượng đó thầy !

- Không có tưởng tượng đâu ! Kìa ! Chiếc xe hơi đó trở lại kìa ! 


- Các em theo thầy, thầy hỏi xem người đó muốn gì ?

Tôi và anh Đông theo thầy Tường đi xuống sân trường.

Chiếc xe hơi vừa đậu cạnh bực thềm vào văn phòng. Anh Đông ngó tôi có vẻ giận không bằng lòng. Tôi bình tĩnh coi như không có vì tôi tin tôi có lý và đã hành động đúng.

Thầy Tường tiến đến xe. Người tài xế vừa mở cửa bước ra. Thày Tường hỏi :

- Tại sao từ sáng đến giờ ông cứ lượn xe quanh trường tôi mãi vậy ? Ông đã làm học sinh của tôi sợ... Xin ông giải thích rõ… nếu không tôi sẽ…

Vừa nghe thầy Tường nói xong, người tài xế đóng cửa xe một cái rầm. Trời ! Tôi ngó kỹ người đó. Không phải người mang kính đen mà là một người khác. Người này to lớn, sắc diện hồng hào.

Thầy Tường la lên :

- Ông là thanh tra...

Người ấy nói giận dữ :

- Phải ! Tôi là thanh tra Trần Kỳ... Ông tiếp đón thanh tra của bộ như vậy hả ?

Thầy Tường hoảng hốt :

- Xin lỗi ! Tôi lầm...

Thầy Tường quay sang anh em chúng tôi :

- Hai em đi chỗ khác l Tôi sẽ xử các em sau.

Không chờ thầy Tường lập lại lần thứ hai, tôi và anh Đông chạy ngay... Anh Đông cú đầu tôi cái cốp.

- Em thật là ngốc quá ! Bộ em không thể phân biệt được hai xe khác nhau sao ?

Biết lỗi, tôi nói dịu :

- Không biết tại sao em lầm kỳ như vậy ?

Tuy thế, tôi vẫn cố gỡ lỗi của mình :

- Nhưng, ai cũng phải có lúc lầm chớ !

- Thôi đừng cãi nữa ! Vào lớp mau ! Trễ rồi ! Kẻo thầy rầy chết !

Chúng tôi vào lớp trễ thật. Thầy Sử Địa đang giảng phải ngừng lại chờ chúng tôi về chỗ ngồi. Chờ chúng tối ngồi yên xong thầy giảng tiếp. Biết lỗi chúng tôi ngồi im thin thít.

Thầy hỏi cả lớp :

- Ai có thể trình bày một cách gọn gàng và rõ ràng về Đông Kinh Nghĩa Thục ?

Hầu hết cả lớp đều giơ tay. Nhưng thầy chỉ ngay người nổi tiếng số một về lười và không thuộc bài :

- Lãm !

Lãm là người học sinh lười và du đãng nhất ở lớp tôi. Nhờ to con và có sức mạnh, Lãm thường hay đánh lộn và ăn hiếp kẻ yếu. Chả học hành gì hết, Lãm làm sao trả lời được câu hỏi này. Lãm đứng yên lặng há hốc mồm trông tức cười.

Biết ý, thầy nói :

- Được ! Em Lãm ngồi xuống ! Thầy hỏi thử chớ thầy biết em không thuộc bài rồi ! Em năm nay ở lại lớp đó nghe ! Nào, em khác ! Ai trả lời được ? À ! Em mới nhập học lúc nãy trả lời được không ?

Thầy coi lại sổ rồi nói tiếp :

- Xu Xu ! Em trả lời được không ?

Người học sinh mới đứng dậy. Thầy hỏi :

- Em là người Trung Hoa nhập Việt tịch ?

- Dạ !

Chúng tôi đã tìm ra rồi. Người học sinh này là người mà kẻ mang kính đen tìm từ sáng đến giờ. Vậy mà vì mải theo dõi hắn, chúng tôi đã không biết đến chuyện xảy ra ngay tại lớp mình. Tôi và anh Đông ngó nhau thông cảm.


______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG III, IV


Nguồn : http://tuoihoa.hatnang.com
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>