Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

CHƯƠNG VI_KHÁCH LẠ ĐÊM KHUYA


CHƯƠNG VI


Cuộc khởi hành của ông Huy thật là nhộn nhịp. Mấy đứa con đua nhau khuân hành lý ra xe. Thằng Nhựt thấy sắp phải xa ba thì thút thít khóc, còn bé Thanh chẳng hiểu gì cũng khóc theo.

Sau khi ông đi rồi, Khải để bà mẹ dỗ các đứa bé, còn cậu sắp sửa mang phong thư cho bà Mỹ Lệ. Cậu hy vọng sẽ thấy con bé kỳ dị, ban ngày lẩn trốn thật kỹ, ban đêm mới hiện ra một lát như bóng ma.

Kim Chi dặn anh :

- Anh đề nghị với họ mời chúng mình qua chơi nhé.

- Chẳng nên tin tưởng vào điều đó, vì coi bộ họ không muốn giao du với ai cả.

Kim Chi bước theo anh ra tận ngoài đường rồi đứng ngó xem họ tiếp đãi Khải ra sao.

Sau tiếng chuông thứ nhất, cửa mở ra, nhưng chú tài xế to lớn đã đứng trấn ngay lối vào.

- Tôi có thể gặp bà Mỹ Lệ được không chú ? Khải hỏi.

Tuy trước kia đã có một đôi lần gặp Khải rồi, chú tài xế vẫn đứng nguyên nhìn cậu từ đầu đến chân, không đáp.

- Việc quan hệ lắm, tôi phải đưa cho bà một phong thư khẩn cấp.

Khải giơ phong thư để chứng minh rồi lại bỏ ngay vào túi. Chú tài xế nói một cách khó khăn : “Đưa – cho – tôi” và chực cầm lấy phong thư.

- Không, không đưa được cho chú đâu, tôi rất tiếc, nhưng người ta dặn tôi phải đưa tận tay cho bà Mỹ Lệ. Đưa tận tay, tức là không thể đưa cho bất cứ ai ra mở cửa.

Chú tài xế do dự, lầu bầu vài tiếng trong cổ rồi đóng cửa lại, để Khải đứng trơ ra đó. Cậu ấm ức nghĩ thầm :

- Gớm, sao mà lịch sự thế ? Mình đã cất công giúp việc cho họ mà họ đối xử như vậy đó !

Kim Chi đã chạy tới. Bất mãn về cách tiếp đãi vừa rồi, cô vội ngăn :

- Thôi về đi anh, chứ còn đứng làm gì nữa. Họ bất nhã quá.

- Nhưng còn phong thư ?

- Thì liệng nó vào trong vườn ấy. Em cầu cho có trận mưa trút xuống để nó thành miếng giấy lộn không đọc được nữa.

- Làm thế sao tiện em ?

- Làm chứ, nếu không anh sẽ mất hết thể diện, còn gì.

Khải sắp làm theo lời khuyên hiếu thắng của em thì bỗng cánh cổng mở ra :

- Cậu – vào – đi…

Trong khi Kim Chi vội vã bỏ về, anh cô bước vào, băng qua vườn để tiến vào toà nhà u ám. Chú tài xế dẫn cậu vào phòng đợi, có trải những tấm thảm rất êm. Một chiếc tủ khảm, vài cái ghế chạm trổ có lẽ mua sắm từ khi toà nhà mới xây cất. Căn phòng chìm trong bóng tối vì các cửa sổ chỉ mở hé.

- Ta mà ở đây thì buồn chết, Khải nghĩ thầm và nhớ đến các cửa sổ ở nhà cậu mở rộng thênh thang cho ánh sáng và không khí tự do lùa vào.

Chú tài xế đưa Khải vào phòng khách cũng tối như phòng ngoài. Đồ đạc gồm có một chiếc bàn nhỏ chứa đầy sách, một máy truyền hình, một máy thâu thanh, chứng tỏ các người ở đây chỉ tiêu khiển trong bốn bức tường chứ không ra đến ngoài.

Một bà đang viết trên một bàn giấy nhỏ đáp lời chào của Khải, bà không mỉm cười và nhìn cậu bé với đôi mắt dò hỏi. Khuôn mặt bà xanh xao, tóc vấn tròn trên đầu như một chiếc khăn.

Khải tóm tắt cuộc viếng thăm. Nỗi lo âu bỗng hiện trên nét mặt nữ chủ nhân. Bà giơ tay run run đỡ lấy phong thư, vừa xé phong bì vừa hỏi :

- Cậu nói rằng cậu không quen biết cái ông đã nhờ cậu mang phong thư này ?

- Thưa bà, anh em cháu gặp ông ta trên con đường đi tới nông trại đàng kia.

- Trông vóc dáng ông ta thế nào hở cậu ?

- Thưa bà, ông ta người cao, mặt xương xương.

Bà Mỹ Lệ càng đọc bức thư, lại càng thêm biến sắc. Bỗng nhiên bà đứng lên lảo đảo, gọi với vẻ tuyệt vọng :

- Cham Nóp, Cham Nóp ơi !

Chú tài xế vừa chạy tới, tay bà run lẩy bẩy chìa bức thư ra :

- Cham Nóp này, hỏng cả rồi, làm sao bây giờ ? Anh đọc đi.

Nét mặt chú ta bỗng cứng rắn lại, trông dễ sợ. Chú trả lời bằng vài tiếng Miên mà Khải không hiểu. Không khí đầy lo âu trong gian phòng làm cậu thấy nghẹt thở. Hay là cậu đã mang tới một hung tín ?

Bà Mỹ Lệ nói :

- Không nên để cho Bích Ngọc hay biết gì hết. Tội nghiệp con bé. Sống thế này thì chịu sao nổi kia chứ. Làm sao bây giờ ?

Vốn tính nhanh nhẩu, Khải bèn tiến đến trước mặt bà ta nói với giọng cả quyết :

- Thưa bà, nếu cháu có thể giúp được bà điều gì, cháu sẽ xin hết sức. Lúc này ba cháu đi vắng, nếu không cháu đã về mời ba cháu sang đây. Nhưng cháu cũng đã lớn rồi.

Bà Mỹ Lệ chưa kịp đáp, thì bà đã té xỉu, nằm bất động trên tấm thảm.

Khải vội giúp Cham Nóp, lúc đó vẫn rất bình tĩnh, để đỡ bà Mỹ Lệ nằm ngả trên chiếc đi văng, bỗng một tiếng kêu làm Khải giật mình ngoảnh lại. Một cô bé vừa chạy lại cúi xuống gần bà Mỹ Lệ gọi :

- Má ơi ! Má ơi ! !

Khải chỉ trông thấy một thân hình nhỏ bé rung lên từng hồi vì thổn thức và mớ tóc dài bỏ xoã sau lưng. Lúc đó chú tài xế đặt tay lên vai Khải, nói một cách khó khăn :

- Cậu
về đi… Cậu về đi…

Chú nói như một lệnh truyền. Khải lùi dần ra cửa, qua phòng đợi ra tới vườn như một người máy.

Cậu hít một hơi dài cho đỡ tức thở rồi đi bước thấp bước cao về nhà.

- Sao trông mặt anh tái nhợt thế ? Kim Chi hỏi. Người ta tiếp đãi không lịch sự hay sao ?

- À ! Chuyện này rắc rối quá ! Phiêu lưu quá. Cậu nhắc đi nhắc lại trước khi kể cái cảnh tượng kỳ dị cậu vừa mới được mục kích.

- Có kẻ nào đang hăm doạ bà ta và đứa bé gái. Nhưng kẻ đó là ai ? Và tại sao ?

- Thế sao anh không ở lại thêm một lát nữa ?

- Ồ ! Ở thêm có ích gì ? Em không tưởng tượng được nét mặt kinh hoàng của bà ta. Dầu sao anh cũng đã nói bà có thể tin cậy được ở nơi anh.

- Chết ! Anh Khải ! Tự nhiên anh dám hứa hẹn giúp đỡ những người xa lạ, trong khi anh chẳng biết người ta phải quấy ra sao ? Thế ngộ bà Mỹ Lệ phải trốn tránh vì đã làm một điều gì phạm pháp và bà lo sợ khi thấy sắp bại lộ thì sao ?

- Không, không thể có sự đó được. Anh còn vẳng nghe thấy giọng nói tuyệt vọng của bà khi gọi Cham Nóp.

- Cham Nóp ? Anh vừa nói Cham Nóp ?

- Ừ, đó là tên chú tài xế.

- Kỳ lạ thật ! Anh không nhớ sao ? Chiếc máy ghi âm đó… cái tên gọi trong cuốn băng ấy mà.

- Chiếc máy ghi âm ? Ồ đúng, thế này thì khó hiểu thực.

- Đúng là một chuyện bí mật rồi. Anh còn nhớ không, tiếng nói trong máy cũng sợ cảnh sát.

- Mà anh có cảm tưởng rằng tiếng nói trong máy đúng là tiếng bà Mỹ Lệ.

- Thì mình cho chạy lại nghe thử coi.

Ông Huy đã cất chiếc máy ghi âm trong tủ kính phòng giấy của ông, đợi sở hữu chủ đến lãnh về.

Kim Chi hỏi :

- Cho nó chạy ngay bây giờ hả anh ?

- Đâu có được, cho chạy ở đây má nghe thấy thì sao ? Chúng ta không nên để má biết một tí gì về chuyện này cả.

- Sao vậy ? Thế mình không kể đầu đuôi câu chuyện cho má nghe hay sao ? Em không muốn giấu giếm má một điều gì đâu.

- Đã đành rồi. Nhưng em nghĩ coi, có những người hàng xóm như thế là một điều rất đáng ngại. Má sẽ lo âu, nhất là trong khi ba vắng nhà. Để khi nào ba về chúng ta sẽ trình sự việc cho cả ba má nghe, như thế tốt hơn.

Kim Chi gật đầu tán thành. Bây giờ phải kiếm chỗ nào kín đáo để nghe nốt cuốn băng. Xét ra căn nhà của cô ở cuối vườn là tiện nhất.

Hai anh em thấy xúc động khi máy bắt đầu chạy. Tiếng nói trước đã cất lên :

“Cham Nóp, chú có chắc rằng không phải hắn ta ? Chú cũng rõ hắn đang theo dõi, tìm kiếm chúng ta. Tôi đang sống trong nỗi lo âu. Nếu hắn vô đơn thưa nhà chức trách thì thật nguy cho mình. Khi cảnh sát đến khám nhà, làm sao ta có thể từ chối không mở cửa ? Bấy giờ mới giấu con nhỏ ở đâu ? Giao nó cho ai ? Nếu chúng ta không ở gần nó, chắc hắn sẽ bắt nó một cách dễ dàng…”

- Đó anh xem, bà ta sợ hãi cảnh sát.

Kim Chi thì thầm, trong khi cuộc độc thoại buồn bã tiếp tục :

“Có lẽ ta phải gởi nó vào một nhà nội trú để không ai để ý, nó sẽ được sống yên ổn…”

Một tiếng nói nặng nề ngắt lời :

“Nếu ông biết, ông vẫn có thể bắt đứa nhỏ trong nhà nội trú. Ông ta có quyền.”

Tiếng thiếu phụ lại nói tiếp :

“Chà ! Nếu ta có thể vượt biên giới, ta sẽ tới ẩn tại nhà chú, chẳng ai hay biết được. Như vậy cần phải có giấy tờ giả, vì chắc họ đã trình báo lý lịch của ta với nhà chức trách. Cham Nóp, chú có thể có cách gì khác không ?”

Im lặng một lát, tiếng đàn ông đáp :

“Giấy tờ giả ? Không được, nhưng có lẽ…”

Bỗng Khải nghe tiếng gọi của bà Huy ngoài vườn, cậu bèn tắt máy đi. Cậu chạy bổ ra ngoài, trong khi em cậu vội vàng gói chiếc máy lại.

Bà Huy đang đi cùng một người thợ điện, tới kiểm soát hệ thống dây điện chăng qua vườn. Khải rất bực mình thấy anh này đến phá đám, nhưng vẫn phải vâng lời bà Huy dẫn anh ta đi coi. Người thợ lơ đãng nhìn đường dây đi theo bờ tường. Nhưng hắn ta có vẻ chăm chú đến căn nhà của Kim Chi chớ không thiết gì đến công việc của hắn. Khi thấy cô bé đứng ngoài cửa cầm cái gói trong tay, hắn lên tiếng :

- Cô có căn nhà đẹp quá !

Khải thấy thái độ của hắn hơi chướng, vội đáp với giọng khôi hài :

- Bác không đọc cái biển kia sao ? “Cấm vào” ! Em tôi là nhà phát minh và muốn công việc được giữ bí mật.

Chẳng thèm để ý đến câu nói của Khải, người thợ cứ bước tới gần Kim Chi :

- Chắc cô là một nhà phát minh lỗi lạc, nhưng hình như cô gói đồ không khéo lắm thì phải. Cô đưa cái gói kia tôi gói lại đẹp đẽ cho.

Kim Chi giữ chặt lấy cái gói đáp :

- Đẹp hay xấu tôi không quan tâm, bởi vì gói này không phải để làm tặng phẩm.

Người thợ sáp lại giằng cái gói, Kim Chi cố giữ chặt lấy, nhưng vì cô bị người kia bẻ ngón tay đau quá cô phải hét lên.

Khải vội can thiệp :

- Bác có để em tôi và cái gói của nó yên không hả ? Chúng tôi không thích cái lối đùa như thế đâu nhé.

- Chẳng đùa với giỡn gì cả, gã kia lạnh lùng đáp. Hai người phải tuân theo mệnh lệnh của ta. Đưa cái gói kia đây !...

Kim Chi cãi :

- Bác tưởng chúng tôi sợ đấy hẳn ? Vậy là bác không biết rõ gia đình này. Trời ơi !...

Tên thợ điện đã đoạt được cái máy ghi âm và vùng chạy ra cổng. Khải vội xông ra chặn đường thì bị hắn xô ngã xuống đất.

Làm thế nào bây giờ ? Kim Chi không chịu để tên kia chạy thoát. Các ý nghĩ dồn dập trong đầu óc cô. Trong các đồ vật phát minh, chẳng có cái gì giúp cô bắt được đối phương ở xa cả. Cô đảo mắt nhìn quanh gian phòng, trông thấy cái áo choàng và cái đồng hồ báo thức cũ. Ở trường, Kim Chi là tay chơi bóng rổ rất hay. Cô vội với chiếc đồng hồ, dang tay ném thật mạnh, chiếc đồng hồ trúng ngay vào bắp chân tên kia, hắn khuỵu xuống. Chiếc đồng hồ từ bao giờ vẫn câm, nay bị động mạnh nó kêu vang lên như hồi chuông báo động làm đối phương mất tinh thần. Được thể, Kim Chi lại vớ luôn chiếc áo choàng chạy ra, lúc đó Khải đã đứng dậy, vội nắm lấy một đầu áo, rồi hai người chụp vào đầu tên kia như một tấm lưới.

- Bắt được quân trộm rồi ! Khải la lớn..

- Mi là tù nhân của chúng ta ! Kim Chi vừa hét vừa xiết chặt chiếc áo.

Nhưng tên kia quá khoẻ, nó vùng ra hết sức mạnh làm cho anh em Khải ngã lăn ra đất, rồi nó bỏ chạy.

Hai anh em lồm cồm ngồi dậy, dáo dác nhìn chung quanh. Họ mừng quýnh khi thấy chiếc máy còn nằm lăn lóc giữa lối đi. Tên thợ điện đã phải bỏ chiếc máy lại để chạy thoát thân. Khải vui vẻ nói :

- Thế này ta vẫn có thể nghe hết cuốn băng.

Nhưng Kim Chi lo âu :

- Tên thợ điện giả hiệu này đúng là một đồng loã của bọn gian phi, vì chẳng phải nó đến để kiểm soát dây điện gì đâu, mà nó định lấy lại chiếc máy ghi âm trong nhà em.

- Chắc vậy.

- Nhưng kỳ thật ! Sao vườn nhà mình lại dùng làm nơi chứa máy ghi âm ?

Thật là sự không may khi các biến cố đã dồn dập xảy ra sau khi ông Huy vừa đi vắng. Hay là bọn người đã cố ý chờ đợi khi chỉ còn bà Huy và mấy đứa con ở nhà mới hành động ?

Kim Chi rùng mình lẩm bẩm :

- Như vậy là họ đã rình rập chúng ta. Có lẽ họ đã biết rõ giờ giấc chúng ta đi học và buổi chiều các đứa nhỏ vẫn để ngỏ cổng.

Rồi cô tiếp với giọng căm hờn :

- Mà tại sao trong xóm này thiếu gì những nhà khác, chúng lại chọn nhà mình nhỉ ?

- Có gì là khó hiểu ? Nhà mình kế cận biệt thự Bạch Liên mà.

- Nếu vậy thì chắc bà đó phải dọn đi nơi khác.

- Chắc vậy.

- Anh đã gặp bà Mỹ Lệ thì anh nghĩ thế nào về bà ta ?

Khải không biết trả lời ra sao. Vì tính nết cương trực, điều bí mật mà cậu cảm thấy làm cậu rất khó nghĩ. Bà Mỹ Lệ có phải là một thiếu phụ giống như má cậu không, hay là một người gian ác ? Có phải bà đã bắt cóc con nhỏ đó không ? Chẳng ai có thể tin được rằng bà muốn hãm hại một con bé đầy tình thương yêu đối với bà. Trong cuốn băng, bà đã nói tới giấy tờ giả mạo, tới việc vượt biên giới, như vậy có nghĩa là bà đã làm điều chi phạm pháp ?

Khải cất chiếc máy vào tủ sách, thở dài nói :

- Ngán quá, bây giờ anh phải đi một vòng xe đạp để thay đổi ý nghĩ mới được.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>