Tôi nhận được thư của chị tôi. Trong thư vắn tắt có mấy giòng:
- "Chị phải theo anh về quê nội, săn sóc má chị đang lâm trọng bệnh. Phiền cậu về ngay coi nhà hộ chị mấy hôm. Hai cháu Tâm và Tuyết, khi đi, chị gửi tạm chúng nó qua bên nhà cụ Lộc, một bà hàng xóm ở kế bên. Hễ đến nơi cậu nhớ đón các cháu về".
Thư viết vội vàng chỉ có thế.
Chị tôi lập gia đình cách Sàigòn chừng 200 cây số, thỉnh thoảng, để xa lánh không khí nhộn nhịp của đô thành, tôi thường về nhà chị an dưỡng ít ngày. Bây giờ, nhận được thư của chị, tuy đang bận việc, tôi cũng phải thu xếp về ngày.
Tôi ra bến xe đò, đáp chuyến xe hai giờ trưa. Ngồi trên xe, tôi nghĩ đến thằng Tâm, con Tuyết, hai đứa cháu của tôi.
Khi mẹ chúng vội đi, chắc đã dặn sẽ có tôi về và hẳn lúc này, chúng đang mong tôi lắm.
Sau một giờ rong ruổi, chiếc xe đỗ lại, thả tôi xuống giữa đường. Từ đây tới ấp của chị tôi, còn phải rẽ vào một quãng ngắn chừng dăm trăm thước. Đứng ngoài quan lộ, có thể nhìn thấy ấp của chị tôi và mấy nhà kế cận.
Tôi hối hả đi vào, hơi ngạc nhiên vì thấy vắng bóng hai đứa cháu. Mọi khi nếu biết tôi về, thế nào chúng cũng ngóng đợi từng chuyến xe và chạy ùa ra đón ngay từ lúc mới thấy bóng tôi ở trên xe bước xuống. Trời hôm nay nắng ráo mát mẻ, tôi thầm nghĩ: "Trời đẹp như thế này, tại sao các cháu tôi có thể ngồi bó cẳng một chỗ được?".
Tôi đến thẳng nhà cụ Lộc đón hai đứa, nhân tiện xin chìa khóa về mở cửa nhà chị tôi, vì khi vội đi, chị tôi gửi luôn chìa khóa cửa ở bên đó nữa. Quang cảnh ngôi nhà cụ Lọc khác hẳn với mọi nhà bên cạnh, nom hoang liêu như một ngôi nhà không người ở. Ngoài sân cỏ mọc đầy, lấn át cả lối đi và các cửa trông ra đường đều đóng kín.
Tôi bước lên thềm, gõ cửa. Bà cụ Lộc đích thân ra mở. Tôi chào cụ, ngỏ ý xin lại chìa khóa và đón các cháu tôi về. Cụ Lộc nhìn tôi gật đầu, đôi mắt hấp him sau cặp kính lão như ánh sáng bên ngoài làm cụ chói mắt. Cụ mời tôi vào trong nhà, chỉ ghế cho tôi ngồi rồi cất tiếng gọi:
- Miu miu!
Một con mèo xiêm từ trên mặt tủ nhảy đến ngồi chồm hổm trên chiếc ghế tràng kỷ. Cụ Lộc ôm lấy nó, đặt lên lòng, vừa vuốt ve nâng niu con vật, vừa hỏi truyện tôi bằng giọng khàn khàn yếu ớt.
Tôi cố nghe những lời cụ nói và không bỏ lỡ dịp hỏi cụ về hai đứa cháu tôi:
- Thưa cụ, cháu Tâm và cháu Tuyết đi đâu cả rồi?
Tôi băn khoăn hỏi thế, vì lúc ấy ngoài cụ Lộc và tôi với con mèo, không có gì chứng tỏ sự có mặt của hai đứa trẻ kia đâu cả. Tôi nóng lòng gặp chúng, và rất ngạc nhiên khi thấy cụ Lộc quay về một chiếc cửa, vỗ tay hai cái. Tức thì cánh cửa hé mở, hai đứa cháu tôi, ngoan ngoãn, y phục chỉnh tề, đôi mắt nhìn xuống, bước ra đến đứng trước mặt chúng tôi.
Tôi không lạ gì tính tình của hai đứa cháu. Thằng Tâm, với tuổi 13 ồn ào nghịch ngợm, lại thích vây vo. Còn con Tuyết 12 tuổi, luôn luôn cười nói và rất nhiều sáng kiến. Ở nhà có bao giờ chúng hiền từ lặng lẽ như thế này đâu? Thế mà bây giờ, trước mắt tôi, chúng chỉ cất tiếng chào nhỏ nhẹ.
Tôi nghe cụ Lộc nói về con mèo:
- Thế mới phải chứ miu nhỉ? Chúng mình chỉ ưa những đứa trẻ hiền lành ngoan ngoãn thôi!
Tôi kiếm lời cám ơn cụ Lộc, bảo thằng Tâm con Tuyết chào cụ, rồi chúng tôi kiếu từ trở về nhà. Ra khỏi cửa, tôi hỏi hai đứa có hỗn hào quấy phá gì bà cụ không. Chúng đều im lặng, cho mãi tới khi vượt khỏi hàng rào nhà cụ Lộc, thằng Tâm mới hậm hực nói:
- Cháu ghét bà già ấy lắm. Rồi bà ta sẽ biết tay cháu!
Con Tuyết cũng lạu bạu:
- Bà ấy đánh chúng cháu, nhốt vào trong phòng, bắt nhịn cơm ngay từ buổi đầu, vì chúng cháu đã chơi với con mèo của bả.
Tôi còn được biết thêm vài chi tiết phụ nữa và tưởng tượng các cháu tôi có thể dám dùng con mèo xiêm trắng của cụ vào những trò nghịch ngợm của chúng, chẳng hạn như coi nó là một trái banh!
Tội nghiệp cụ Lộc! Tôi biết rõ các cháu tôi. Đối với chúng chỉ cần giảng giải cho chúng nghe điều phải quấy là chúng phục thiện ngay, khỏi phải dùng tới một hình phạt nghiêm khắc. Tôi an ủi chúng, làm chúng cười khuây lãng đi. Về nhà, chúng tơi sửa soạn bữa cơm tối, ăn uống qua quít rồi đi ngủ.
*
Sáng hôm sau, một tiếng động lạ làm tôi chợt tỉnh. Giường tôi nằm kê ngay gần cửa sổ trông ra một hàng rào râm bụt. Phía ngoài hàng rào có một lạch nước. Tiếng động phát ra từ bụi cây râm bụt nghe sột soạt, rồi lại có tiếng như vật gì rơi tõm xuống nước. Tôi ngồi nhổm dậy, hốt hoảng gọi:
- Tâm, Tuyết, các cháu đâu cả rồi?
Như tôi đoán trước, hai đứa từ bụi râm bụt chui ra. Tôi hỏi:
- Mới sáng sớm các cháu ra đó làm gì? Có cái gì rơi xuống nước thế?
Thằng Tâm thản nhiên đáp:
- Dạ, cháu vừa ném hòn sỏi.
Tôi yên chí về lời nói của nó. Ngày hôm ấy qua đi cũng chẳng có chuyện gì xảy ra. Duy có buổi trưa, tôi nhác thấy bà cụ Lộc, vẻ mặt lo lắng lọm cọm đi tìm mèo. Rất lâu tôi nghe tiếng cụ khàn khàn gọi: "Miu, miu" vọng đi khắp chốn.
Qua sáng hôm sau nữa, tôi lại tỉnh giấc vì nghe tiếng động bên ngoài cửa sổ...
Tôi trở dậy, nhìn qua bụi cây thấy hai đứa cháu đang nghiêng mình trên lạch nước. Thằng Tâm đang cầm ngọn sào cố vớt một vật gì trăng trắng lập lờ dưới nước. Con Tuyết đứng nhìn lặng lẽ. Vẻ quan trọng của chúng khiến tôi ngạc nhiên nhưng không nghĩ ra được chúng đang làm trò gì, tôi lại yên lặng bỏ qua.
Trưa hôm ấy, chúng tôi dùng bữa hết sức vui vẻ. Còn đang cười đùa với nhau thò bỗng cụ Lộc bước vào. Mặt cụ nom bơ phờ đến thảm hại. Cụ ôm trên ngực con miu, không, xác nó thì đúng hơn. Bộ lộng trắng ướt hết nước, đầu ngã gục bất động trên ngực chủ. Cụ nức nở bảo:
- Tôi chỉ có mình nó làm bạn. Tôi thiếu nó như đời tôi chẳng còn ai nữa. Thế mà bây giờ nó chết rồi, có khổ thân tôi không!
Lúc ấy tôi mới chợt hiểu! Giọng cụ Lộc không tỏ vẻ gì giận dữ, cụ không hề ngờ một vụ trả thù mà con Miu bị làm vật hy sinh!
Trong cảnh cô đơn, già lão, cụ đặt hết tình thương vào con vật, nay mất nó cụ đau đớn tưởng phát điên lên được.
Tôi dìu cụ ngồi xuống ghế, cụ vẫn tiếp tục kể lể:
- Tôi tìm thấy xác nó ở bên bờ lạch nước. Không có nó tôi sống với ai? Hờ... sao mày không sống để bầu bạn với bà, hở Miu ơi!
Tôi liếc nhìn thằng Tâm và con Tuyết. Mặt chúng tái nhợt. Rõ ràng chúng không lượng được vụ trả thù của chúng đưa đến hậu quả bi đát đến thế này.
Nỗi đau buồn của cụ Lộc khiến cụ dễ cởi mở tâm tình. Cụ kể lể cho chúng tôi nghe là cụ sống buồn tẻ ở vùng này từ hồi còn thơ ấu. Cụ là con một, nên đã ở vậy để lo lắng phụng dưỡng cha mẹ già cho đến chết. Sau khi cha mẹ qua đời, cụ Lộc thấy đời thanh xuân của mình cũng đã tàn tạ nên đành kéo dài cuộc sống đơn độc trong nếp nhà hương hỏa, không họ hàng thân thích. Ông già của cụ ngày xưa là một người độc đoán, nghiêm khắc nên bây giờ người quanh vùng cũng chẳng ai ưa cụ Lộc. Cụ sống riêng biệt với con mèo, và không biết chia xẻ với ai, cụ đành đem hết tình thương dành cho con vật.
Tôi phải cố gắng an ủi cụ, mời cụ uống một tách nước trà, rồi đưa cụ về và hứa sẽ sang thăm cụ luôn.
Trở về tôi lườm các cháu:
- Đó, tụi bây đã thấy bậy chưa?
Cả hai đứa nhìn tôi rồi ôm mặt khóc nức nở!
*
Mấy ngày sau đó lặng lẽ trôi qua. Sau bữa cơm trưa, tôi khép cửa ngồi đọc sách, thả lỏng cho các cháu tôi muốn làm gì thì làm, nghĩ rằng sự đau buồn của cụ Lộc đã gây cảm xúc mạnh trong tâm hồn hai đứa, khiến chúng không còn dám làm điều gì dại dột nữa.
Tiếp đến tôi nhận được thư chị tôi báo cho biết bà cụ mẹ chồng đã qua khỏi và chị đang thu xếp ra về.
Hôm gặp chị tôi, trao trả trách nhiệm cho chị để trở lại Sài gòn, bởi một đồng tình im lặng giữa tôi và thằng Tâm con Tuyết tôi không đả động gì đến câu truyện đã xảy ra.
Sau đó một dạo tôi lại nhận được thư của chị tôi. Trong thư có đoạn viết:
- "Chị không hiểu đã có điều gì thay đổi hai cháu Tâm và Tuyết. Chị vừa khám phá ra rằng dạo này cứ sau bữa cơm trưa, thì hai đứa lại sang chơi bên nhà cụ Lộc, đọc sách cho cụ ấy nghe. Mới hôm qua, cụ ấy sang nhà chơi nói cho chị biết như thế và cụ bảo cụ mến chúng nó lắm vì chúng rất ngoan ngoãn dễ thương. Ngày nào chúng chậm sang chơi là cụ thấy nhớ chúng ghê gớm! Hình như bà cụ chết mất một con mèo quí và từ dạo ấy..."
Tôi hiểu tại sao thằng Tâm con Tuyết đã đối với cụ Lộc như vậy. Chúng muốn hàn gắn đền đáp lại hành động quái ác của chúng trước đây đối với cụ, và không ngờ rằng, sự hối lỗi của chúng đã đem lại nguồn vui tươi cho một tâm hồn đã cằn cỗi.
XUÂN VŨ
(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa Con Búp Bê Đẹp Nhất)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.