Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

Giải Danh Dự Văn Chương Phụ Nữ V.N.

 

ĐỀ THI

Tìm hiểu việc làm, đức tính và ước vọng của người đàn bà Việt Nam qua câu ca dao sau đây:

Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm
Canh tư bước sang canh năm,
Triềng anh dậy học chớ nằm làm chi
Nữa mai Chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.

BÀI LÀM

Từ ngàn xưa, ca dao Việt Nam vẫn là một kho tàng phong phú, phản ảnh nếp sống và tư tưởng của xã hội Việt Nam thời xưa, một xã hội chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền luân lý Khổng Mạnh.

Nền luân lý ấy đã chi phối mọi tầng lớp dân gian và ràng buộc người phụ nữ trong bổn phận "Gái thì giữ việc trong nhà".

Để đảm đang trách vụ đó, người đàn bà Việt Nam thời xưa, tất phải có nhiều đức tính để hoàn tất biết bao công việc phức tạp trong cuộc sống thường nhật với chức phận nội tướng, với địa vị khiêm tốn, người đàn bà Việt Nam đã có những ước mong gì trong cuộc sống?

Người phụ nữ trước kia với phạm vi hoạt động hạn hẹp trong gia đình đã thể hiện việc làm, đức tính và ước vọng của họ như thế nào qua những vần ca dao sau:

Canh một dọn cửa dọn nhà
Canh hai dệt cửi canh ba đi nằm
Canh tư bước sang canh năm,
Triềng anh dậy học chớ nằm làm chi
Nữa mai Chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh.
 
Trải qua bao thế kỷ, xã hội Việt Nam đã thấm nhuần tư tưởng sâu sắc của Khổng Giáo.

Ảnh hưởng của học thuyết này, địa vị của nam nhi và nữ giới đã được minh định rõ ràng.

Người con trai, với tư chất thông minh, với hình hài được hun đúc bởi khí thiêng sông núi sẽ giữ vai trò của kẻ sĩ, rèn luyện kinh văn để mai sau ra gánh vác việc xã hội, trị nước an dân:

Trai thời đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.

Trách vụ của nam giới được đề cao và trọng vọng như thế, còn bổn phận của nữ giới ở thời đại ấy ra sao?

Người đàn bà Việt Nam khi xưa chỉ có bổn phận trong gia đình. Bị ràng buộc trong khuôn khổ tứ đức tam tòng, họ cố gắng lo chu toàn phận sự:

Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa

Thực ra, trong đời sống hàng ngày, bổn phận của người nội tướng không phải chỉ đơn giản như thế. Họ phải đảm đang biết bao công việc phức tạp khác nữa.

Nên duyên với một người chồng theo đòi nghiên bút là một niềm hãnh diện của các cô gái vào thời Nho Giáo thịnh hành, nhưng bù lại, người đàn bà phải lo tròn một bổn phận khác nữa: nuôi chồng ăn học. Để có đủ điều kiện tài chánh, họ phải buôn bán tảo tần, ngược xuôi vất vả sáng chiều. Tối tối, khi trở về với gia đình, với thiên chức của người vợ hiền, người phụ nữ Việt Nam nhẫn nại và hy sinh muôn thuở lại tiếp tục hoàn tất bổn phận trong nhà.

Với đôi bàn tay khéo léo, với đức tính chịu thương chịu khó, người đàn bà đã không nề mệt nhọc sau những giờ phút vất vả vì sinh kế, họ kiên nhẫn thu vén nhà cửa, điểm tô hạnh phúc gia đình. Sự ấm cúng của mái nhà nhờ tài quán xuyến của nội tướng chắc chắn sẽ làm người chồng thoải mái, làm các con thêm tin yêu và thấy hạnh phúc ngập tràn.

Một tổ ấm ngăn nắp, một người chồng miệt mài trau giồi kinh sử cùng đàn con sạch sẽ thảo hiền, như thế đã đủ là một phần thưởng cho người phụ nữ. Thương yêu chồng con, người đàn bà không quản ngại khổ cực, sẵn sàng hy sinh chịu đựng thức khuya dậy sớm, vui với bổn phận của mình.

Sau đó, người hiền phụ siêng năng lại bắt đầu công việc dệt cửi để thêm thắt vào cho đời sống vật chất gia đình được phong phú hơn. Còn hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh một người vợ hiền ngồi bên khung cửi đưa thoi đều đều, cạnh người chồng đọc sách ngâm thơ.

Hạnh phúc ngập tràn trong mái gia đình. Người đàn bà Việt Nam dịu hiền đã được an ủi rất nhiều. Đời sống phức tạp và khó nhọc hàng ngày không làm họ nản lòng vì trong tâm hồn họ đã ôm ấp niềm mơ ước: nuôi chồng ăn học thành tài.

Từ khi còn ở nhà với cha mẹ, người thiếu nữ Việt Nam đã được dạy dỗ về công dung ngôn hạnh nên khi xuất giá, họ được coi như có đầy đủ đức tính và khả năng quán xuyến mọi việc trong gia đình nhà chồng. Do đó, chúng ta thấy người phụ nữ Việt xưa kia rất đảm đang, có công lớn trong việc tạo dựng hạnh phúc gia đình, nhưng vẫn giữ được những nét thuần hậu, dịu dàng của người đàn bà Á Đông.

Suốt đời tận tụy lo lắng cho chồng con, người đàn bà quên cả chính mình. Hết canh hai, khi công việc dệt cửi đã xong, khi cả gia đình đã say sưa trong giấc ngủ, nàng mới tạm ngừng công việc để nghỉ ngơi.

Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm
Canh tư bước sang canh năm...

Sau một thời gian ngắn chừng vài trống canh an giấc, nàng lại trở về với công việc hàng ngày của mình. Nàng dịu dàng nhỏ nhẹ đánh thức chồng dậy để chăm lo đèn sách.

Triềng anh dậy học chớ nằm làm chi

Trong giấc ngủ say, nghe lời êm dịu của vợ hiền, người chồng chắc cũng sẽ vui vẻ trở dậy tiếp tục giồi mài kinh sử.

Hy sinh rất nhiều cho chồng con, nhưng người đàn bà Việt Nam khả ái không hề phàn nàn. Họ im lặng chịu đựng tất cả và đối với chồng luôn luôn giữ gìn lễ độ.

Người phụ nữ duyên không may, lấy phải ông chồng thiếu chung thủy, cũng chỉ nhẹ lời:

Thưa anh, anh giận em chi
Muốn lấy vợ lẽ em thì cưới cho

Gặp lúc chồng nóng giận đánh đập, nàng từ tốn khuyên can:

Dang tay đánh thiếp sao đành
Tấm rách ai vá tấm lành ai may
 
Chịu biết bao bất công, gò bó, họ cũng chỉ âm thầm than thở:

Anh buồn có chốn thở than
Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya

Không những thế, đức tính chịu thương chịu khó của người đàn bà vẫn được đời đời truyền tụng.

Nuôi con vất vả, người mẹ hiền đã phải hy sinh từ miếng ăn giấc ngủ:

Mong đêm rồi lại mong ngày
Vì con mẹ phải mình gầy xác xơ

Hình ảnh nhẫn nại của bà Trần Tế Xương cũng là một minh chứng cụ thể cho đức tính của phụ nữ Việt Nam:

Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng

Nếu người đàn bà, trong bài ca dao trên biết thương yêu, lo lắng cho chồng và cho gia đình như thế, thì trong kho tàng ca dao, chúng ta cũng còn gặp rất nhiều hình ảnh nói lên tấm lòng ngập tràn tình thương của người vợ thảo lo lắng cho chồng ăn học nơi xa:

Mùa hè cho chí mùa đông
Mùa nào thức nấy cho chồng đi thi
Hết gạo em lại gánh đi
Hỏi thăm trường học ở thì nơi nao

Duyên dáng hơn nữa, người thiếu phụ lại chúng tỏ đức hạnh dịu dàng, ngôn ngữ lễ độ của mình qua câu:

Hỏi thăm đến chỗ thì vào
Vai đặt gánh xuống miệng chào "thưa anh"
 
Như thế, qua ca dao, kho tàng văn chương phong phú của dân tộc Việt, chúng ta đã thấy được phần nào các đức tính của người đàn bà Việt Nam thuở trước, điển hình là người thiếu phụ trong bài ca dao trên.
 
Sống trong phạm vi hạn hẹp của gia đình, hàng ngày phải đương đầu với bổn phận khó khăn và phức tạp, trong những lúc rỗi rảnh người đàn bà Việt Nam lấy chồng "kẻ sĩ" thường ôm ấp ước mơ: chàng đỗ đạt hiển vinh để "ngựa anh đi trước võng nàng theo sau"

Để khuyến khích người chồng đạt được giấc mộng khoa danh ấy, người vợ hiền đã khôn khéo phác họa tương lai huy hoàng của một thư sinh công thành danh toại, cho bõ công đèn sách:

Nữa mai Chúa mở khoa thi
Bảng vàng chói lọi kia đề tên anh

Vào thời Nho Giáo cực thịnh, kẻ sĩ trong xã hội được trọng vọng thì người đàn bà nào cũng mong muốn cho chồng vinh hiển. Đó là mối ước vọng lớn nhất của họ. Nhưng trên thực tế sống trong hoàn cảnh khó khăn một mình quán xuyến việc gia đình cùng nuôi chồng ăn học, nhiều khi người phụ nữ còn có những ước mơ giản dị như tâm hồn chất phác của họ: mong chồng chăm lo đèn sách và có đủ tiền nuôi chồng theo đòi nghiên bút.

Để đạt được hy vọng đó, người đàn bà đã ra công làm việc, một tay thu vén gia đình cả về tài chánh cũng như nội trợ, để chồng an tâm và đủ thì giờ lo việc sách đèn.

Người đàn bà Việt Nam hiền hòa và an phận, đã tìm thấy hạnh phúc trong bổn phận, trong thiên chức của mình.

Ngoài ước vọng chồng mình thành công trên đường khoa cử, họ không đòi hỏi đổi thay mà chấp nhận bổn phận nặng nề của mình trong cuộc sống gia đình thường nhật.

Một mái nhà ấm cúng, một hình ảnh êm đềm bên người chồng theo đòi kinh sách đã là nguồn hạnh phúc chan chứa trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam ngày trước, giúp họ quên đi những mệt nhọc hàng ngày vì gánh nặng gia đình.

Phụ nữ Việt Nam ngày xưa như thế, còn phụ nữ Việt Nam hiện tại thì việc làm, ước vọng cùng đức tính của họ có gì thay đổi?

Chúng ta nhận thấy, dù ở bất cứ thời đại nào, người đàn bà Việt Nam vẫn là linh hồn của gia đình. Một mái nhà hạnh phúc không thể thiếu hình bóng dịu dàng của người vợ, một tổ ấm yên vui không thể vắng bàn tay nhiệm mầu của người mẹ. Công việc tề gia nội trợ trong gia đình vẫn là trách nhiệm chính yếu của người phụ nữ Việt Nam. Dù cho người đàn bà ngày nay có góp mặt ngoài đời, nhưng sau những giờ phút căng thẳng làm việc trong cộng đồng xã hội, họ vẫn cần được sự an ủi của những người thân yêu. Đó là lúc họ trở về với thiên chức làm vợ và làm mẹ vậy.

Mặc dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Âu Mỹ, người đàn bà Việt Nam vẫn giữ được các đức tính đáng quý của người phụ nữ Á Đông: hiền hòa, dịu dàng, kiên nhẫn, yêu thương và hy sinh cho chồng con.

Tuy rằng trong hiện tại chúng ta nhận thấy khoa cử không còn là phương sách tiến thân duy nhất của nam giới, nhưng người đàn bà nào cũng mong mỏi cho chồng hiển đạt, góp danh với đời. Đó chính là niềm hãnh diện và ước vọng mà họ đã đặt vào chồng vậy.

Tóm lại, ở bất cứ thời đại nào, xưa hay nay, người đàn bà Việt Nam cũng giữ một vai trò quan trọng trong đời sống gia đình.

Bàn tay khéo léo của người phụ nữ làm êm ấm mái nhà, giọng nói dịu hiền của người vợ làm tươi mát tâm hồn người chồng, trái tim tràn ngập yêu thương của bà mẹ làm chan chứa tin yêu nơi con cái. không ai có thể thay thế thiên chức ấy của họ trong đời sống gia đình. Thêm vào đó, người phụ nữ Việt Nam còn được tạo hóa phú bẩm cho các đức tính đáng quý: hy sinh, chịu đựng và kiên nhẫn vô biên. Bản tính hiền hòa, niềm ước vọng của họ không gì hơn là mong chồng được công thành danh toại để được hãnh diện với làng xóm, bạn bè.

Với các yếu tố trên, người phụ nữ Việt Nam quả có đầy đủ đặc tính của người đàn bà Á Đông hiền dịu đảm đang.


VŨ THỊ LỆ DUNG      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 175, ra ngày 15-4-1972)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>