Tuấn
có tính nhút nhát. Không phải vì em yếu đuối hay gầy ốm. Trái lại tuy
mới 12 tuổi, Tuấn đã có vẻ to lớn như một học sinh 14 tuổi. Nếu so về
sức lực, ở trong lớp Tuấn không thua ai, còn "to con" hơn nhiều anh
khác. Thế mà Tuấn lại là người yếu đuối nhất lớp. Khi thày giáo gọi Tuấn
lên bảng, đứng trước tấm bảng đen, Tuấn quên hết cả bài mà Tuấn học đã
thuộc làu.
Giờ
thể thao khi phải đua sức trong cuộc nhảy xa hay nhảy cao, lúc chạy tới
trước mức nhảy, Tuấn chùn chân lại không dám phóng mình qua. Tuấn sợ!
Phải chăng Tuấn sợ ngã, sợ đau?
Không!
Thực ra, Tuấn chỉ ngại bị chúng bạn chê cười. Dĩ nhiên là chúng bạn
cười chê rồi! Bởi Tuấn nhát sợ quá nên họ chẳng coi Tuấn ra gì. Tuấn là
cái đích để họ trêu chọc. Và khi thấy Tuấn luống cuống trước bảng đen,
hoặc rụt rè trong một trò chơi, là họ cười phá lên với nhau. Chẳng những
thế, trong giờ chơi, Tuấn còn bị họ lôi kéo, xô đẩy. Có anh còn ác tâm
lừa ngáng cho Tuấn ngã rồi đứng cười thích chí. Họ bắt nạt Tuấn ra mặt,
chỉ vì họ biết Tuấn sợ không dám chống chọi lại.
Thực vậy, Tuấn chẳng dám nói gì cả, chỉ lặng lẽ lảng đi chỗ khác, ra một góc sân đứng khóc.
Thỉnh
thoảng, chúng rủ Tuấn chơi bi, nhưng chúng chơi gian trước mắt, mà Tuấn
không có can đảm phản đối, phải làm ngơ để chịu thua hết phần bi của
mình.
Giờ
tan học, Tuấn còn bị chúng bạn chờ đón ngoài cổng trường, theo sau để
"đùa dai" cho mãi khi Tuấn về tới nhà. Bởi thế, mỗi lần đi học, Tuấn
thấy khổ sở vô cùng.
Thày giáo cũng đâm nghi ngờ về sự học hành của Tuấn, vì lần nào được gọi lên bảng, Tuấn cũng lúng túng không làm được bài.
Mỗi lần như thế cả lớp lại cười ồn lên. Giận quá, thày gắt:
- Tuấn, tại sao không học bài?
Tuấn rụt rè đáp:
- Thưa thày, con có thuộc... nhưng...
Các bạn nhao nhao chế riễu:
- Nhưng... tại quên mất rồi ạ!
Thày giáo phải gõ thước xuống bàn:
- Im!
Nhìn vẻ luống cuống của Tuấn, thày nghiêm nghị hỏi:
- Tại sao, Tuấn?
Tuấn mếu máo đáp:
- Thưa thày, con có thuộc, vì con có học cẩn thận, nhưng lên đến bảng là con sợ...
Suy nghĩ, thày cho Tuấn về chỗ.
Nhưng giờ ra chơi thày bắt Tuấn ở lại, nhẹ nhàng bảo:
- Con lên bảng làm lại bài với thày.
Trước
vẻ ôn tồn của thày giáo, và tránh xa những cặp mắt soi mói, chế riễu
của các bạn, Tuấn bình tĩnh làm lại bài không vấp váp. Thày giáo gật gù
khen:
- Khá lắm. Anh rất thuộc bài. Nhưng tại sao hồi nãy lại không làm được?
Tuấn nhắc lại:
- Thưa thày, tại con sợ.
- Mà sợ gì chớ?
- Dạ con không rõ!
Thày hơi ngạc nhiên, nhưng cũng từ đó thày để ý đến Tuấn.
Một
buổi tan học, Tuấn hớn hở chạy về nhà. Hôm ấy Tuấn mặc chiếc áo mới mẹ
vừa may cho. Anh giữ gìn sạch sẽ cả ngày hôm ấy không làm nhơ bẩn và vui
mừng chắc mẹ sẽ bằng lòng. Đang đi, Tuấn gặp bọn thằng Long, một bọn
nổi tiếng "ba gai". Chúng vây quanh Tuấn trêu chọc, xô đẩy... Tuấn bị
chúng vật ngã xước cả đầu gối, và điều đáng buồn hơn hết, chiếc áo của
Tuấn bị rách mất một chỗ. Sợ bị chúng đánh, Tuấn đâm đầu chạy trốn, rồi
ngồi khóc bên vệ đường. Giữa lúc ấy thày giáo đi tới. Thày đã trông thấy
Tuấn bị chúng bạn bắt nạt tự đàng xa.
- Tuấn! Con chịu để cho chúng bạn bắt nạt như thế ư?
Tuấn cúi đầu im lặng.
- Sao con không phản ứng lại?
- Thưa thày con không dám!
- Con cũng khỏe mạnh có kém gì chúng đâu?
Tuấn không biết trả lời ra sao đành đứng khóc. Thày giáo trầm ngâm nhìn Tuấn rồi bảo:
- Theo thày về nhà, thày sẽ cho con một bí quyết để con trở nên khỏe mạnh hơn người.
Tuấn đi theo thày. Tới nhà thày, mấy con chó sồ ra sủa ầm ĩ làm Tuấn sợ xanh mặt. Nhưng thày giáo cầm tay Tuấn thản nhiên nói:
- Đừng sợ, chúng không dám làm gì con đâu.
Dẫn Tuấn vào trong nhà, thày cầm một hòn sỏi chặn giấy trên bàn đưa cho Tuấn:
- Con thấy hòn sỏi này chứ, nó không như những hòn sỏi tầm thường khác...
- Dạ!
- Nó trắng, tròn, và nhẵn bóng phải không?
- Thưa thày, vâng!
-
Ừ, nó là một hòn sỏi có phép mầu đấy. Nếu con mang nó trong mình, con
sẽ trở thành một người khỏe mạnh, can đàm không ai sánh kịp. Thày đã
dùng nó và nhờ thế mà thày đã đoạt nhiều giải vô địch về thể thao. Bây
giờ già rồi, thày cho lại con. Nếu ngày mai có đứa bạn nào chế riễu,
hiếp đáp con, con hãy cho chúng biết tay, để chúng khỏi khinh con là một
đứa trẻ hèn yếu!
Tuấn
cảm tạ thày và cáo lui. Hòn sỏi kệnh nặng trong túi quần, đã đem lại
cho Tuấn một niềm phấn khởi. Về đến nhà, Tuấn phải cởi áo ra cho mẹ vá
lại. Anh rất buồn thấy mẹ cặm cụi khâu lại chỗ rách của chiếc áo mới.
Cha Tuấn thở dài phàn nàn:
-
Có đứa con đần độn kém cỏi như mày thật buồn quá! Chừng lớn lên còn
phải đi lính, còn phải ra vật lộn với đời, không biết nó làm sao sống
nổi!
Trong thâm tâm, Tuấn thầm trả lời: "Ồ không, rồi ba xem, bây giờ con có thừa can đảm rồi. Con không sợ gì nữa đâu!"
Trước khi đi ngủ, Tuấn đặt hòn sỏi trắng trên đầu giường. Rồi ngủ một giấc ngon lành với đầy mộng đẹp...
Hôm
sau tới trường, Tuấn bỏ hòn sỏi vào túi quần. Dọc đường, Tuấn để ý tìm
những hòn sỏi khác nhưng không thấy có hòn sỏi nào trắng, tròn, và nhẵn
bóng như hòn sỏi thày giáo đã cho Tuấn. Gặp một nhánh cây chìa ra ở mé
lộ, Tuấn muốn thử sức mầu của nó, liền nhẩy lên vít xuống. Nhánh cây cao
chĩu gục gẫy nghe cái "rắc"... Tuấn nghĩ:
- "Đúng hòn sỏi này có phép mầu rồi!"
Với
ý nghĩ ấy, Tuấn yên trí vào trường. Bước chân Tuấn đi vững chãi hùng
dũng hơn mọi khi. Giờ thể thao, Tuấn vượt chúng bạn cách dễ dàng. Giờ
học, thày gọi lên bảng, Tuấn bình tĩnh đi lên làm bài trôi chảy. Đến giờ
chơi, Tuấn họp đùa với chúng bạn. Bị xô đẩy, Tuấn xô đẩy trả lại làm
nhiều anh ngã bổ chửng. Họ nhìn Tuấn, không tỏ vẻ giận dữ, nhưng ngạc
nhiên. Tuấn đã đổi khác. Tuấn dám đương đầu với tất cả. Dù chúng bạn vây
quanh, Tuấn cũng không cúi đầu, chùn bước.
Từ
hôm ấy trở đi bạn bè bắt đầu kiêng nể Tuấn. Những anh "ba gai" nhất
cũng không dám chế riễu Tuấn nữa. Và Tuấn cảm thấy mình khỏe mạnh, vững
vàng nhất lớp.
*
Một tháng sau, vào một ngày chủ nhật được nghỉ học, Tuấn đi chơi, bắt gặp một đám trẻ mất nết, đang trêu chọc một em gái nhỏ. Chúng đi sau nắm đuôi tóc cô bé mà giật, rồi cười với nhau trong khi cô nọ vừa kêu vừa khóc. Tuấn chạy lại can thiệp. Nhưng chúng khích bác gây sự đánh nhau. Tuấn chống trả kịch liệt. Rốt cuộc, bọn kia bỏ chạy tán loạn.
Sau đấy Tuấn trở về nhà, hãnh diện đã bênh vực có kết quả một điều phải. Nhưng chợt Tuấn giật mình thấy hòn sỏi vẫn còn nằm trên mặt bàn! Sáng hôm ấy, vì không đi học, Tuấn đã quên không mang theo nó trong mình!
Vậy ra hòn sỏi có linh nghiệm gì đâu? Không có nó, Tuấn cũng thắng. Và thắng được là nhờ sự can đảm tin tưởng ở chính mình. Lúc ấy Tuấn mới hiểu, sở dĩ thày giáo đã cho Tuấn hòn sỏi trắng và bảo nó có phép màu, chỉ là để giúp Tuấn lấy lại được lòng can đảm và tự chủ.
Ngay hôm ấy, Tuấn đến cám ơn thày, xin trả lại hòn sỏi trắng để thày chặn giấy, vì từ nay Tuấn không còn cần đến nữa!
Sau đấy Tuấn trở về nhà, hãnh diện đã bênh vực có kết quả một điều phải. Nhưng chợt Tuấn giật mình thấy hòn sỏi vẫn còn nằm trên mặt bàn! Sáng hôm ấy, vì không đi học, Tuấn đã quên không mang theo nó trong mình!
Vậy ra hòn sỏi có linh nghiệm gì đâu? Không có nó, Tuấn cũng thắng. Và thắng được là nhờ sự can đảm tin tưởng ở chính mình. Lúc ấy Tuấn mới hiểu, sở dĩ thày giáo đã cho Tuấn hòn sỏi trắng và bảo nó có phép màu, chỉ là để giúp Tuấn lấy lại được lòng can đảm và tự chủ.
Ngay hôm ấy, Tuấn đến cám ơn thày, xin trả lại hòn sỏi trắng để thày chặn giấy, vì từ nay Tuấn không còn cần đến nữa!
BÍCH THỦY
(Trích từ tập truyện nhi đồng Tuổi Hoa số 2, phát hành tháng 6 -1962)