Jim là một người đàn ông kỷ luật bậc nhất trong thế giới tự do này. Ông không ưa cái gì lộn xộn. Ông thích trật tự và không muốn ai cãi lại ông.
Dĩ nhiên "ai" đây ta phải hiểu là vợ con ông. Tất cả phải tuân lời ông răm rắp y như là cái máy chữ: hễ ông gõ vào chữ "a" thì ra chữ a ngay trên giấy trắng vậy.
Truyện này là truyện bên Tây, cho nên không giống truyện xứ ta: bên đó dù là giàu có đi nữa, cũng không ai thuê được người làm cả, mọi việc đều do tay người nội trợ (tức là bà mẹ, bà vợ trong gia đình) đảm nhiệm, từ cơm nước, may vá, giặt giũ, quét lau cho đến chợ phố, may sắm v.v...
Vì lẽ đó, bà Jim bận túi bụi suốt ngày. Ông Jim biết thế. Thế nên một hôm ông vui vẻ bảo bà:
- Này, mợ! Anh trông mợ làm việc vất vả quá, đến ốm mất thôi. Hôm nay có phim hay, mợ đi xem đi. Để... anh trông chừng lũ chúng cho.
Bà vợ ngắm đàn con (bảy đứa), lưỡng lự giây lâu, rồi trả lời chồng:
- Cảm ơn anh, nhưng em phải ở nhà trông chúng, anh trông không xuể đâu.
- Sao lại không? Dễ thường mình tưởng tôi là tượng đất chắc? (giọng ông sốt sắng và cương quyết) Hôm nay có tuồng hay, mợ đi, đi! Đừng có cãi tôi.
- Còn lũ trẻ? Tôi...
Bà Jim e dè hỏi song ông sừng sộ cắt ngang:
- Đã bảo đi thì cứ biết đi, lo lắng nỗi gì? Tôi sẽ thay mợ một hôm, chết ai đâu? Đừng có làm bộ mẹ hiền mãi, chán lắm rồi!
A! Anh ấy có lý! Người đàn bà nghĩ bụng. Vậy là bà tuân lệnh chồng, sửa soạn rời nhà, đi giải trí một hôm xem sao.
Tuy nhiên, vốn cẫn thận, nên trước khi đi bà bắt các con lên gác, vào giường tất. Đoạn bà dặn chồng:
- Anh nhớ đừng cho đứa nào xuống khỏi cầu thang, trừ khi cần thiết. Em muốn chúng ngủ sớm như mọi ngày, như lúc em có nhà, không gì thay đổi cả, có thế em mới yên tâm.
- Được rồi! Mợ cứ yên chí. Tôi đây mà! Tôi đây chứ không phải ai đâu.
Trong lúc bà vợ vui vẻ ra đi, ông chồng dựa vào xa lông đọc sách, trong bụng thoáng nghĩ: "Cần thiết quái gì? Ăn rồi, uống rồi, rửa ráy, đánh răng rồi, đi tiêu, đi tiểu rồi... đàn bà cứ lo hão, đàn bà thật...
Yên lặng trở lại được vài phút, rồi người đàn ông lại nghe có bước chân ren rén từ góc cầu thang.
- Trở lên ngay! (giọng ông nghiêm trang hơn lúc vừa rồi) ta không muốn thấy ai cãi lại ta trong cái nhà này.
Gian phòng trở lại sự yên tĩnh lúc đầu: không một tiếng động nào ngoài tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo trên vách.
Bây giờ ta có thể yên tâm ngồi đọc sách rồi đó! Jim nghĩ thầm một cách hài lòng.
Không bao lâu, mi mắt nặng trĩu, không chống nổi với cơn buồn ngủ, Jim nghẹo đầu sang một bên, thiu thiu...
Cr... ẹt... cr... ẹt... tiếng động làm ông choàng dậy, lưng vẫn không rời ghế dựa, chăm chú lắng tai. Rõ ràng là lần này tiếng động cũng lại từ cầu thang vọng xuống!
Jim giận lắm, hét tướng lên:
- Thế là quá lắm rồi đấy nhá! Dễ ta phải phát vào đít chúng mày chăng? Làm cái trò gì vậy? Hở? Ta đã bảo là không được bén mảng xuống đây mà! Ha! Ta đã nói không được là không được, biết không? Lên giường ngay! Ta không muốn nghe một tiếng động nhỏ nào đêm nay cả. Hiểu không?
Trước cơn thịnh nộ của Jim, thạch súng không dám tặc lưỡi, chuột nhắt sợ chẳng dám thập thò, muỗi hết vo ve, nếu chúng lảng vảng đâu đó.
Ôi chao! Ai bảo rằng chúng không có lỗ tai? Chúng nghe tất, chúng nghe tất!
Jim rất vừa ý lần này, song ông ta không ngủ được nữa, lại đắm hồn vào trang sách.
Vài phút trôi qua.
- Tuyệt! Tuyệt thật! - ông Jim nghĩ - Yên tĩnh như thế này tuyệt thật!
Đột nhiên có tiếng chuông reo ngoài cửa.
Ủa! Lạ chưa? Mới giờ này mà đã về sao? Đâu có lý? Còn sớm mà... Ông vừa hỏi thầm vừa uể oải đứng lên mở cửa. Thì ra đó là bà Jane, láng giềng của ông chứ không phải vợ ông về.
- Chào chị, chị đến có việc gì? Xin lỗi, nhà tôi đi vắng...
Bà Jane nói bằng giọng hốt hoảng, gần khóc:
- Anh Jim! Hãy giúp tôi tìm cháu bé, thằng Willie... không biết nó ở đâu, tôi lùng từ chập tối đến giờ mà không thấy... van anh!
Và bà òa ra khóc. Jim bối rối, chưa kịp nói gì thì từ cầu thang có tiếng nức nở vọng xuống:
- Mẹ! Con đây mẹ! Con ở trên này. Con không xuống được, con muốn về... nhưng mẹ ơi đâu xuống được! Ông Jim, ông ấy ra lệnh thế, con đâu dám cãi ông?
(thoát dịch ở truyện Jim want too far)
MINH QUÂN
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Xanh số 39, ra ngày 15-3-1967)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.