Thứ Năm, 6 tháng 10, 2022

Đầu Quân Vào Làng "Bốn Mắt"

 

Từ hơn hai năm nay, tôi thấy cặp mắt của tôi hơi "bất bình thường". Tôi biết chắc chắn trăm phần trăm là tôi bị cận rất nặng nhưng tôi không dám hở miệng ra để nói cho bất cứ ai ở trong gia đình tôi biết, nói ra thế nào cũng bị mẹ tôi cho ăn một bữa bánh tét nhân mây.

Ngoài những bạn bè ở trong lớp của tôi thì dư hiểu, số là hồi đầu niên khóa, người ta xếp lớp theo thứ tự là lùn ngồi phía trước và ai mà có cái lưng hơi dài thì "a lê" ra phía sau mà "an tọa".

Trong số ấy có tôi là lộn xộn nhất, đã được "yên vị" ở đầu bàn thứ tư mà mỗi lần chép bài thì tôi như bị phong giật, hết đứng lên rồi ngồi xuống, hết quay bên này lại nhìn bên kia.

Mấy đứa bạn xung quanh hiểu được nỗi "đau khổ" của tôi nên mới thay phiên nhau cho tôi "cọp dê" đầu bài mà giáo sư ra trên bảng để tỏ tình "tương thân, tương ái" mí nhau vậy mà.

*

Một hôm khi cả nhà cơm nước xong, cả nhà đang ngồi xem vô tuyến thì bà chị cả của tôi bỗng la lên:

- T. em xem vô tuyến họ đang giới thiệu chương trình gì vậy?

Tôi đang ngồi mơ màng bỗng giật mình vì nghe giọng nói "oanh vàng" của bà chị vừa cất lên bên tai, nghe câu hỏi bỗng mặt mày tôi xanh như tàu lá, làm tôi cũng chẳng biết phải đọc ra làm sao nữa, vì có thấy trời trăng gì đâu mà đọc.

- Mẹ thấy không, nó ngồi đó cách cái vô tuyến hơn một thước mà nó không thấy nổi những chữ trên đó thì chết rồi.

Mẹ tôi như chưa hiểu được câu nói của bà chị nên trả lời:

- Chúng mầy thật rộn, hỏi gấp quá làm sao nó trả lời được.

- Mẹ lầm tồi! Con bé S. học chung một lớp với thằng T. nhà mình nói lại với con là thằng T. vào lớp chép bài đâu có được, toàn là mượn bài của mấy đứa bạn chép lại không à!

Vừa nghe bà chị tả oán xong mẹ tôi hết hồn nắm lỗ tai tôi kéo lại gần:

- T., có thật vậy không hả?
 
Tôi không gật đầu cũng không lắc đầu, mặt tôi lúc đó chắc là xanh lắm, và hai đầu gối bắt đầu run. Mẹ tôi quay sang bà chị:
 
- Mầy lại bảng viết lên một vài chữ thật lớn coi Mẹ tôi nói như ra lệnh.
 
 - Mầy đọc hàng chữ trên bảng xem là chữ gì?

- Thưa mẹ con không thấy ạ! Tôi trả lời.

- Ối giời ơi! Bây giờ cái tên của nó mà nó cũng không đọc ra thì còn học với hành gì nữa! Chữ viết lớn thế kia mà cũng không thấy. Thôi mai ở nhà, nghỉ một bữa cho tôi đưa đi Bác sĩ.

Lư em tôi lại được một trận cười thỏa thích với câu nói của mẹ tôi.

*

Thưa Bác sĩ, mắt cháu nó kém quá, nhờ B.S xem giùm.

- Thưa bà cháu bị lâu chưa ạ?

Mẹ tôi quay về phía tôi và ra lệnh cho tôi trả lời.

- Thưa ông cháu bị như vậy gần hai năm rưỡi rồi ạ.

Nghe tôi trả lời, bỗng ông Bác sĩ giật mình, mặt ông nhăn lại:

- Thế thì nguy lắm.

Và ông tiếp tục lấy những chiếc đèn pin thật nhỏ chiếu vào mắt tôi. Xong ông mở tủ lấy ra một cái kính thật lớn cho tôi mang vào và hỏi:

- Cháu có nhìn thấy hàng chữ lớn ở trên hàng đầu không?

- Dạ thưa cháu thấy ạ.

- Còn hàng chữ nhỏ nhất ở dưới?

- Dạ thưa không thấy ạ.

Lần lượt ông thay đổi bốn lần kính ở đôi mắt tôi và hỏi:

- Bây giờ thì thế nào?

- Thưa cháu thấy rất rõ ạ! Cả hàng chữ nhỏ nhất ở dưới cùng.

Ông quay về phía mẹ tôi:

- Cháu nó bị cận nặng lắm, thưa bà, ở mắt phải sáu độ, và mắt trái bốn độ rưỡi đó thưa bà. Để tôi cho toa đi mua kính.

Nhìn về phía tôi ông hỏi một câu làm tôi không biết trả lời như thế nào cả:

- Chắc cháu thích đeo kính như thế nầy lắm nhỉ?

Sau khi cám ơn ông Bác sĩ, hai mẹ con rời khỏi phòng mạch. Lúc ra về mẹ tôi không quên tới "thăm" tiệm kính thuốc ở góc đường Lê Thánh Tôn.

*

Sau câu chào hỏi theo phép lịch sự mẹ tôi mới đưa cái toa cho người chủ tiệm, coi xong cái toa tôi thấy gương mặt ông có vẻ hơi ngạc nhiên. Có lẽ ông ta thấy tôi như vậy mà sao cận nặng quá như vậy.

- Thưa bà có nhiều loại gọng bà muốn lấy loại nào?

- Loại nào cũng được, chỉ cần cặp kính cho cháu nó đi học thôi Mẹ tôi trả lời.

Bỗng tôi chen vào một câu làm bà phát cáu lên:

- Mẹ lấy gọng đen đó mẹ, coi bộ hợp với con lắm à.

- À, phải rồi, hợp, chắc là mầy thích đeo kính lắm nhỉ!

Tôi không dám trả lời nhưng mặt thì hơi tái đi. Độ mười phút thì người chủ tiệm hơ xong kính trên cái lò điện và trao cho tôi đeo thử. Người chủ tiệm thấy tôi đeo kính vào thì khen một câu "chẳng giống ai":

- Ối giời! Đẹp trai ra phết ấy chứ.

Hai mẹ con lại phải một lần nữa từ giã người chủ tiệm sau khi làm xong mọi "thủ tục" với nhau.

*

Vừa về tới nhà, như đã được thông báo trước, lũ em tôi dàn hàng ngay ngang cửa, vừa ló mặt vào là đã nghe những câu thật bất hủ:

- Sao mà giống Văn Vĩ quá chị nhỉ?

- Bậy! Văn Vĩ ổng mù chớ bộ, mù nên người ta mới mang kính đen chứ.

Tôi lẩm bẩm "... Sao mà vô duyên quá nhỉ. Con gái gì mà lẻo mép đến thế chứ". Nhưng không sao, tôi cứ "niệm tình" mà tha thứ tất cả những câu nói của thiên hạ và mạnh dạn tiến bước về phòng mình để xem coi mình giống ai...

Cơm dọn lên bàn thì lũ em của tôi cũng đem vấn đề này ra để "giải phẫu" và đặt tên cho hợp lệ dưới sự bảo trợ của chị hai tôi cũng là đồng minh của lũ nhóc Mặc dù có sự hiện diện của tôi, lũ nhóc vẫn tỉnh bơ hướng thẳng cặp mắt về phía tôi để xem xét và chọn lựa một cái tên cho hợp. Độ mười phút sau thì chị hai tôi ra lệnh cho đại diện của lũ nhóc đứng lên đọc "tuyên cáo":

"... Tuyên cáo nay chúng tôi thông báo cho tất cả mọi người trong gia đình nầy được biết, kể từ hôm nay mọi người trong nhà phải gọi anh Ba là T. "mắt choi" thay vì cái tên T. cúng cơm mà cha mẹ đã đặt ra...

Đại diện lũ nhóc ký tên..."

*

Màn tuyên cáo chấm dứt sau nụ cười đắc thắng của chị hai tôi, và cái lắc đầu chán nản của mẹ tôi... Nếu không có mẹ tôi ngồi đó thì chắc là tôi cũng bay lại nện vào đầu con bé vài cái thật đau...


PHAN TRẦN - BẢO SƯƠNG       

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 186, ra ngày 1-10-1972)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>