Thứ Ba, 22 tháng 7, 2025

Chiếc Tổ Chim


Mấy ngày nay, trên cây lim xẹt trước cửa nhà tôi, có một đôi chim tới làm tổ. Tôi cũng không để ý gì cho lắm, cho tới khi chiếc tổ thành hình. 

Rồi chim mái đẻ trứng vào tổ từ hồi nào tôi cũng chẳng hay, vì tổ chim rất nhỏ, chỉ khoảng chừng 5cm chiều ngang, bằng phân nửa chiều dài; màu sắc nâu nâu nên dễ lẫn vào cành cây, cũng giống như màu lông của chim.

Mưa hay nắng, ngày hay đêm, từ lúc đó trở đi, chim mái cứ kiên nhẫn nằm ấp trứng. Nhiều hôm, những người phu làm đường gây náo loạn cả khu phố vào ban đêm vì tiếng máy đào vỉa hè, máy trộn bê tông ầm ầm, làm khói bụi và xi măng bay mù mịt; nhưng nhìn ra trên tàng cây, tôi vẫn lờ mờ thấy bóng chim mẹ nằm đó, lặng lẽ ấp trứng, che chở cho những đứa con còn chưa chào đời.

Thêm vài hôm nữa, rồi tôi thấy chim mẹ bay đi đâu mất. Tôi bèn Google thấy nói vì chim đói bụng nên đi kiếm ăn. Nhìn kỹ chiếc tổ nhỏ xíu, tôi chợt nhận ra thấp thoáng có vài bé chim non ngọ nguậy. Chim mẹ đi vắng vài tiếng rồi trở về với con, khiến tôi yên tâm hơn, khi thấy hình dáng chim mẹ ngồi yên chỗ cũ, trong cơn mưa nặng hạt.

Tôi chưa bao giờ thấy chim lại làm tổ ngay trong thành phố ồn ào náo nhiệt như thế này, vì cứ tưởng chim phải biết lựa những nơi đồng quê thanh vắng để dễ bảo vệ gia đình khỏi bàn tay phá phách của con người.

Nghe người ta nói rằng đất lành chim đậu, và chim đến làm tổ là có lộc lắm, may mắn còn hơn cả tổ ong. (Trước đây cũng có bầy ong đến xây một chiếc tổ trong khóm bông giấy nhà tôi.)

Hên đâu chưa thấy, chiều nay tự nhiên có một đám người lạ mặt ồn ào mang thang nhôm tới, bắc lên cao tít, rồi lấy đi chiếc tổ chim bé xíu gồm cả những bé chim non vừa mới chào đời. Ban đầu tôi không biết đám người rần rần nọ là ai. Hóa ra họ mướn cửa tiệm cách nhà tôi một căn, và người đàn ông trung niên nọ đã từng đặt mua một lồng chim, có shipper giao hàng tới tận nơi với giá một triệu. Hèn chi ông ta rành chim chóc sáu câu: Một tổ chim nhỏ bằng bàn tay và cũng đã được ngụy trang khéo léo mà vẫn không thoát khỏi cặp mắt cú vọ của ông ta.Tôi cứ tưởng chỉ có những đứa trẻ rắn mắt, nghịch ngợm mới dùng ná bắn chim hoặc sào để thọc tổ chim thôi, không ngờ cả những người lớn tuổi như thế kia mà cũng làm những việc vô ý thức như vậy.

Sáng nay nhìn ra khung cửa sổ, không còn thấy bóng chim mẹ ngồi im như tượng ngồi ấp trứng như bao ngày qua, và chiếc tổ chim bé xíu cũng chẳng còn, tôi chợt cảm thấy man mác một nỗi buồn pha lẫn sự trống vắng. 

Hình như đạo Phật có dạy rằng... Những ai kiếp này phá tổ chim, kiếp sau phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ từ rất sớm.

Trần Thị Phương Lan      
(Bút nhóm Hoa Nắng)      

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2025

Con Đại Thử


Đại thử là một trong những sinh vật có túi đựng con trước ngực chỉ thấy có ở Úc Châu mà thôi.
 
Người ta phân ra nhiều loại đại thử:
 
- Đại thử nhỏ nhất (kangaroo rat) sống ở cánh đồng miền Bắc Úc Châu, dài bốn mươi lăm phân, đầu hơi giống thỏ, nhưng tai bé hơn. Hai chân trước rất ngắn, hai chân sau và đuôi dài. Đặc biệt là đuôi nó có chùm lông trắng. Vốn thuộc loại gặm nhấm, biết nhảy, sống trong những vùng khô khan, nó thường đào hang, lỗ thật lớn để ở, ban đêm mới đi kiếm ăn. Món ưa thích nhất của nó là quả dâu, lá cây, cỏ và côn trùng, cùng những hạt cây khô. Để có đủ lương thực dùng vào mùa đông, nó ngậm mồi trong túi hai bên má rồi đem về tổ cất đi. Loại này cũng thấy xuất hiện ở Mỹ Châu.
 
- Đại thử cổ lông đỏ (red necked kangaroo) sống ở vùng đồng cỏ.
 
- Đại thử chuyên sống trên cây (tree kangaroo).
 
- Đại thử lông màu xám (spur tailed kangaroo) thường gặp trong rừng sâu.
 
Ba loại sau cùng lớn cỡ một thước rưỡi khi ngồi, nếu nó đứng thẳng trên hai chân sau, có thể cao tới hai thước hơn. Con nặng nhất khoảng chín chục kilô. Đầu và mõm cũng như mầu sắc đại thử giống nai, nhưng tai lại tựa tai lừa, thẳng đứng chứ không cụp xuống. Nó không cắn, nhưng biết đá như ngựa. Hai chân trước ngắn thường co lên ít sử dụng ngoài những lúc cần vít cành cây xuống để ăn lá, mầm non và nâng con lên cho nó dễ dàng chui vào túi, hoặc quắp con chạy trốn khi nguy biến, hay giơ lên nhử nhử để tìm thế tung mình đá chết địch thủ bằng hai chân sau. Hai chân này dài và khỏe hơn. Nhờ chiếc đuôi lớn dài tới một thước rưỡi giữ thăng bằng với thân mình, đại thử không chạy, nhưng nhún đôi chân sau rồi văng mình về phía trước thật xa tới bẩy tám thước chẳng khác gì có lò xo búng nó đi. Đại thử phóng như bay với tốc độ từ ba mươi tới năm mươi cây số một giờ. Ngoài ra, nó có thể nhẩy qua các chướng ngại vật như bụi rậm, lùm cây, hàng rào, thợ săn, ngựa, cao cỡ hai thước dễ như chơi. Riêng những con sống trên cây như loài gấu, dám buông mình nhẩy từ trên cây mười lăm thước xuống đất mà chẳng hề hấn gì. Điều cần chú ý là chân đại thử giống chân chó, nghĩa là gồm bốn ngón, trong số này có một móng sắc như dao cạo rất lợi hại, thường được đại thử sử dụng để gây thương tích hay xé xác địch thủ.
 
Đại thử sống thành từng bầy và không ở một chỗ cố định. Chúng hay di chuyển nay đây, mai đó trên các cánh đồng cỏ hay sườn đồi, triền núi Úc Châu, do một con già nhất hướng dẫn. Tuy hiền lành, nhút nhát, nhưng khi cần tự vệ, chúng chiến đấu thật mãnh liệt. May mắn là khu vực chúng sống thường ít thú dữ, trừ chó sói và người đi săn.
 
Khi bất ngờ bị chó sói đuổi theo, đại thử vẫn giấu con vào các bụi cây rậm rạp để thoát thân, sau đó mới trở lại đón về. Nếu người ta đưa nhiều chó săn tới mà xem chừng có thể chống cự được, đại thử cố lừa chú chó nào lớ ngớ lại gần và đá một cái chết tươi, bằng không thì nhẩy bừa xuống hồ ao, lạch suối để tránh né, vì nó bơi rất giỏi. Chú chó săn dại dột bơi theo ư? Chắc chắn sẽ bị nó dìm chết ngay.
 
Tùy theo loại, có thứ thích ăn cỏ, là non, mầm cây hay sâu bọ. Những lúc vui đùa, nhờ chiếc đuôi làm điểm chuẩn, chúng đứng trên hai chân sau, giơ hai chân trước vờn vờn tát nhẹ nhau như võ sĩ đấu quyền anh vậy. Khi nghỉ ngơi, thì cái đuôi thành ghế dựa giúp chúng ngồi thẳng đứng, hai chân trước co lên, ngắm nhìn cảnh vật hoặc canh gác cho cả bầy ăn uống. Thảng hoặc chúng mới bò bốn chân.
 
Chỉ có đại thử cái mới có túi đựng con trước ngực mà thôi. Ngay khi mới lọt lòng mẹ, đại thử con nhỏ bằng con chuột cống, chưa mở mắt, chưa có lông đã biết bám vào bụng mẹ để lần mò bò lên tìm túi chui vào. Khoảng cách này thật ngắn, vậy mà nó phải chật vật hàng nửa tiếng đồng hồ mới leo tới nơi , rồi nhờ sự giúp đỡ của mẹ, nó chui tọt vào túi nằm nghỉ. Cứ như vậy trong vòng một tháng là nó lớn bằng con sóc, tháng tiếp theo nó to như con chó con. Tháng thứ tư, khi mở được mắt ra là lúc nó lớn bằng con khỉ. Giờ đây, chú đại thử tí hon thập thò ở cửa túi, ngó nghiêng cảnh vật bên ngoài với vẻ say mê thích thú. Dần dần, lông mọc dài, chân khá vững chú mới tập tễnh trèo ra, tụt xuống đất, nhưng chưa dám đi xa, mà chỉ quanh quẩn dưới chân mẹ thôi. Tới tháng thứ sáu, chú chính thức cứng cáp nên  được tự do đi lại, dưới sự hướng dẫn của bà mẹ. Từ nay chú không còn ở trong cái túi đen thui, nóng nực kia nữa, vì chú đã trưởng thành nghĩa là to gần bằng con gấu con rồi kia mà, đâu bé bỏng gì nữa.
 
Đại thử cái đẻ một con mà thôi, ít khi sinh tới hai, ba con một lượt, vì mỗi lần thụ thai cái túi ấy chỉ chứa được một con, nên phải chờ khi con thứ nhất lớn, thì đại thử mẹ mới tiếp tục đẻ con thứ nhì, thứ ba v.v...
 
Dù rất tinh mắt, thính tai, thính mũi, đại thử vẫn bị thợ săn bắn chết lấy thịt, nấu cháo nhất là món súp nấu bằng đuôi của nó ăn rất ngon. Còn bộ da dùng làm găng tay, ví, giầy, dép, thắt lưng, dây đồng hồ, bao thuốc... Ngoài ra, người ta lừa bắt đại thử bằng lưới, đoạn đem về nuôi và huấn luyện để làm trò trong các gánh xiệc vì nó hiền lành lại khá thông minh.
 
Trung bình, đại thử chỉ sống mười lăm năm mà thôi.
 
 
ĐẶNG HOÀNG      
(sưu tầm)            
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 44, ra ngày 25-6-1972)
 

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2025

Chị Ơi, Bạn Tệ Với Em


 Thư của em N N Y

Hỏi: ... Đầu năm học, mẹ em cho em vải để may 2 cái áo dài. Em đem đến nhà mẹ một người bạn em để may, tưởng là bạn thân thì khi tính tiền chắc sẽ được trừ phân nửa hoặc một phần. Dè đâu mẹ bạn em tính như tính với người ngoài. Chị nghĩ coi có tức không? Em thấy như vậy là gia đình nó xử với em như người ngoài, nên sang năm học mới em không ngồi cùng bàn với nó nữa. Không phải em tiếc số tiền, nhưng thấy cách cư xử đó, sao em ghét quá...

Trả lời:

Chị mong khi em đọc thư này, em chưa chọn chỗ ngồi cách xa người bạn của em. Nếu đã xẩy ra thì đó là một trong những hành động nông nổi mà em nên tiếc, trong cuộc đời.

Chị nhớ dạo bé, mỗi khi đi chợ mẹ chị lại dẫn chị đi theo, và gởi chị ở nhà một bà bạn bán hàng bánh mứt. Lần nào chị đến bà bạn của mẹ chị củng đều cho chị ăn bánh kẹo, ô mai lu bù. Có hôm bà đi vắng, con gái bà không cho chị ăn như mẹ của cô ta, chị giận lắm, thấy cô ta sao xấu tính ghê, có cả một nhà kẹo bánh mà lại kẹo với mình không mời mình ăn. Và chị nổi giận ghê lắm. May thay dạo đó, chị mới 7 tuổi. Vậy mà bây giờ nghĩ lại còn thấy mắc cỡ. Chị ước mong gia đình họ nghĩ rằng chị là đứa trẻ con, và đừng phán xét cả gia đình chị qua sự ăn lu bù một cách bất lịch sự như thế. Vì làm nghề hàng bánh, bà bạn mẹ chị phải bỏ vốn ra mua hàng, chịu biết bao phí tổn sở hụi, nếu bán được một phần lớn mới là kéo về được vốn, số lời chỉ là phần nhỏ, thì bà còn phải làm kế sinh nhai cho gia đình, hoặc dùng cho những việc ích lợi khác. Nay nếu các con của các bạn đều giống chị, kéo nhau đến ăn lu bù, ăn "chùa" như vậy thì không được mấy ngày cửa tiệm phải đóng vì hết hàng, và bà phải phá sản. Mà nhà buôn thì thường nhiều bạn bè quen biết, ai cũng tưởng chỉ có mình là thân nhất, và tự cho có quyền ưu tiên, chủ nhà sẽ chỉ phải đãi ngộ có mỗi mình thôi. Thực ra, những người biết điều bao giờ cũng trọng lẽ công bằng, không đòi ưu tiên. Đọc thư em, chị bỗng nhớ lại y hệt cái cảm giác ngày đó, khi thấy cô chủ tiệm đối xử với chị như vậy chị cũng định tuyệt giao luôn, không tới nhà cô ta nữa. Thế thì có tội nghiệp cho người ta không hở em. Bạn em còn đáng tội nghiệp hơn nữa em ạ. Khi không, em đến may đồ, nếu em không may thì người khác may, gia đình bạn em cũng thu về được số tiền đó. May áo cho em, bạn em không được gì hơn lại bị ghét bỏ. Bây giờ em nghĩ lại đi, nếu tất cả các bạn bè liên hệ đến gia đình đó đều đến may với mục đích bớt tiền công thì gia đình họ làm sao đủ sống. Họ cũng phải bỏ vốn ra mua cửa tiệm, mua đồ, mượn nhân công, rồi đóng thuế má, may xong cái áo, lấy được tiền nếu trừ hết các phí tổn thì cũng chỉ còn một phần nhỏ là tiền lời.

Nếu mình đòi bớt thì họ không còn đủ tiền trả các thứ phí tổn, và nếu nhiều người đòi hỏi như em thì họ sẽ bị lỗ lã mà đóng cửa tiệm mất em ạ. Bây giờ chị lại hỏi em nhé, em trách gia đình bạn, vậy có bao giờ em tự hỏi: "Mình đã làm được gì cho bạn chưa". Chị thấy cái khổ của mọi người là luôn oán hận rằng người khác không làm cho mình cái này, không giúp mình cái kia. Nhưng có bao giờ chịu hỏi xem là: "Mình đã giúp gì cho người ta?" Nếu luôn tìm xem mình đã làm được gì mà đòi được đãi ngộ, thì em sẽ công bằng hơn. Vậy tóm lại, chị mong em nghĩ thế này: Khi em đem đồ đến nhà bạn, là em muốn thay vì đem đến tiệm lạ, em đem công việc đến cho gia đình bạn, để giúp bạn đông khách hàng thế thôi. Không lợi dụng gì bạn cả. Còn gia đình bạn, họ sẽ tỏ tình thân bằng cách làm việc kỹ càng mau chóng và chiều ý em. Điều này thì người thợ có lương tâm nào cũng phải chu đáo. Chị nhớ xưa có đọc câu này: "Làm sao để sự hiện diện của mình là điều may cho người khác". Em ơi! Phải công bằng. "Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân" điều gì mình không muốn, đừng làm cho người khác. Nghĩ kỹ đi, đặt em vào địa vị bạn, em sẽ thấy bạn đáng thương xiết bao.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 46, ra ngày 9-7-1972)

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2025

Anh Hùng Chạy Bộ Dã Tượng


Dã tượng là một võ tướng lực sĩ dưới trướng Hưng Đạo Vương. Thuở theo phò Hưng Đạo, ông là người rất được Vương thương yêu tín cẩn. Ông cùng với người nhái Yết Kiêu là một cặp bài trùng, góp rất nhiều công khó vào việc đánh đuổi quân Mông Cổ ra khỏi bờ cõi nhờ tài riêng của mình.
 
Theo huyền thoại, ngay từ nhỏ Dã Tượng đã nổi tiếng trong làng, là một đứa trẻ chạy bộ nhanh nhất. Cậu bé thường tổ chức với bạn bè những cuộc chạy thi băng qua những cánh đồng và luôn luôn cậu là người về nhất.
 
Nhờ thế, càng lớn tài nghệ Dã Tượng càng phát triển. Chàng đã chạy đua với ngựa và không bao giờ chịu thua. Chạy nhanh như vậy nhưng chàng không bao giờ biết mệt và chàng cũng tạo được một thân hình vạm vỡ, một sức khỏe vô địch.
 
Vì Dã Tượng có tài, nên tiếng tăm đồn đãi ngày một xa. Dần dà, chàng được Hưng Đạo Vương mến mộ và cho làm Bộ tướng, lúc nào cũng theo hầu cận bên cạnh.
 
Mỗi lần ra trận, Vương cỡi ngựa, Dã Tượng chỉ chạy bộ và lúc nào cũng vượt qua đầu ngựa. Khi xuất trận, giặc cưỡi ngựa xông ra, ông chỉ chạy bằng chân để đánh. Tên nào đánh không lại phóng ngựa bỏ chạy, ông chạy bộ đuổi theo và kéo lại bắt sống. Giặc phải nể sợ tài chạy bộ của ông.
 
Có lần Hưng Đạo Vương bị giặc vây khốn phải bỏ ngựa, ông đã tình nguyện làm ngựa cõng Vương chạy thoát khỏi vòng vây khốn của địch mà không hề biết mệt.
 
Những lực sĩ chạy bộ, chiếm giải vô địch ở các thế vận hội ngày nay chắc chưa hẳn đã hơn được Dã Tượng ngày xưa... Ngày xưa Dã Tượng đã đem tài riêng của mình ra giúp nước, nên tài của ông đã được nhắc nhở trong sử xanh, lưu truyền đến ngày nay... và ngày nay chúng ta mỗi lần nhắc đến tên vị anh hùng đó ta vẫn kính phục tài chạy bộ của Dã Tượng.
 
 
TRỊNH CÔNG TRUYỀN       
(sưu tầm)                  
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 48, ra ngày 23-7-1972)
 

Thứ Tư, 16 tháng 7, 2025

Cá Mặt Trăng


Cá mặt nguyệt còn gọi là cá mặt trăng, người Pháp gọi là Poisson Lune, người Anh và Mỹ lại gọi là Sun Fish (cá mặt trời) và các nhà khoa học trên thế giới đã khai sinh cho nó cái tên MOLA - MOLA hoặc ORT HAGORISCUSMOLA.
 
Ta có thể nói rằng chưa có một loại cá nào có hình dáng đặc biệt như vậy : bề ngang tròn như quả ballon và bề dọc thì dẹp. Mới trông người ta chỉ thấy chiếc kỳ trên lưng dựng đứng và chiếc vi hậu chĩa xuống, ai cũng nói là cá mặt trăng không có đuôi.
 
Sự thật thì đuôi cá Mặt trăng đã làm thành một đường viền tuyệt xảo, bao quanh cả thân mình cụt lủn gần ngay khúc đầu "vĩ đại".
 
Cá mặt trăng không có vi bụng, chiếc vi bụng xòe ra như nan quạt bên cạnh những bộ phận phát sinh ra ánh sáng.
 
Những đêm tối, chỉ có ánh sao lấp lánh trên vòm trời, các ngư phủ ra khơi thường được trông thấy một hiện tượng lạ lùng : Cả một khoảng rộng nơi trùng dương, mặt nước lấp lánh ánh sáng như có một ánh đèn soi từ dưới lên.
 
Khi họ tới gần, nhìn trời nhìn nước chỉ thấy một vùng ánh sáng đang di chuyển một cách nặng nề.
 
Họ thả lưới và bắt được dễ dàng vì nó bơi thật chậm chạp. Nó cũng không kháng cự để cho các ngư phủ bắt.
 
Đám ngư phủ hò nhau kéo lên thuyền, ánh sáng trên mặt nước cũng vụt biến mất. Họ cùng nhau ngắm xem con cá lạ. Hình nó giống mặt trăng và đầu nó tỏa ra ánh sáng huyền ảo trên mặt nước nên họ đặt cho nó cái tên thông thường là  : cá Mặt trăng.
 
Cá Mặt trăng, thật là nôm na dễ hiểu, nhưng người ta lại muốn "thi vị hóa" cho nó cái tên là cá Hằng Nga.
 
Loại cá này đặc biệt là đầu nó cân nặng cả hàng trăm ký mà bộ óc chỉ cân được không quá 4 lạng.
 
Người ta chưa thể nào giải thích được tại sao một loài cá bơi thật chậm chạp, nặng nề mà lại không có một thứ "vũ khí" nào để tự vệ, lại sống ở vùng biển khơi, chỉ thích hợp với loại cá xá, cá mập hay loại cá viễn du.
 
Nó thích sống đơn độc một mình, ít khi người ta gặp một cặp cá MẶT TRĂNG.
 
Họa hoằn lắm cá mới lân la vào gần bờ. Lần đầu tiên, vào mùa thu năm 1885 Hoàng thân Monaco Albert I bắt được mấy con ở vịnh Gasconge. Tới mùa thu 1912 các ngư phủ Pháp bắt được 1 con ở gần bờ biển Manche và năm 1921, người ta cũng gặp nó xuất hiện ở gần bờ biển Thái Bình Dương.
 
Một nhà bác học Anh đã nhận xét cá Mặt trăng ở miền nhiệt đới lại có màu sắc tuyệt đẹp. Nhìn những màu sắc lộng lẫy của con Lamprisluna, người Pháp thường gọi là "Opah" nhà bác học đó đã nói rằng: "Cá khoác lên mình bộ lễ phục sặc sỡ của bầy tiên múa khúc nghê thường trên Cung Quảng".
 
 
HẢI LY      
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 46, ra ngày 9-7-1972)
 

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2025

Cặp Kính Cận


Linh tức quá nói to hơn:
 
- Bọn bay, tao về nói Má đó nghe.
 
Quả thật câu nói đó có vẻ linh nghiệm nên bọn nhỏ đều rút hết. Bây giờ Linh mới thấy khỏe khắn hơn, Linh dỡ đôi kính cận thị ra lau chùi vì đầy mồ hôi nhễ nhại. Cũng bởi cái kính này mà bọn nhỏ mới chọc, nhiều lần Linh muốn bỏ đi nhưng chợt nhớ lại cục u trên đầu là Linh không dám bỏ. Có một lần vì tức bọn nhỏ, Linh liền bỏ đôi kính ra và đi lần lần ra cửa, bỗng Linh thấy mình đang "so tài" với cột nhà, chớp nhoáng đầu Linh đã có một cục u rồi. Thế là bọn nhỏ lại chọc thêm cho nên đến bây giờ Linh không dám bỏ đôi kính nữa.
 
Lúc đầu chỉ có một mình thằng Long, nhưng sau đó đến thằng Lân, rồi con Liên, chúng đều cùng một âm thanh: "Bà Bác-Sĩ". Cứ thể, hễ vắng mặt Ba Má Linh là bọn nó lại chọc. Linh nghẹn ngào tức tưởi mà không làm gì được, mỗi lần Ba Má về là Linh liền đem câu chuyện này ra nói nhưng Ba Má Linh đều bỏ qua cả. Cho đến một hôm, Linh đang rửa mặt thì bọn nhỏ lại lẻn vào giấu kính, khi rửa xong sờ soạng không thấy kính đâu, Linh hốt hoảng đi tìm nhưng không được bèn gọi người giúp việc dẫn ra dùm. Rồi câu chuyện này được Linh trình bày cho Ba Má, thế rồi các "anh chị" sau của Linh đều được hưởng bánh tét bằng mây của Ba Linh tặng, lại thêm phần quỳ gối nữa đó, được dịp may Linh cứ đi qua đi lại để chọc mà trả thù. Kìa bộ mặt của con Liên vui chưa, cái miệng méo xẹo, chỉ có thằng Long thằng Lân mới anh hùng, vẻ mặt hầm hầm của chúng làm Linh phải khiếp sợ...
 
Một buổi sáng, Linh vừa bước dậy đi lấy kính thì vấp phải một cái ghế của ai đặt tự bao giờ, đầu của Linh đánh xuống nền gạch, vài tiếng cười lại khúc khích nổi lên và Linh thiếp vào hỗn loạn.
 
Đợi lâu rồi mà không thấy Linh ra, thằng Long bèn mở cửa bước vào thì...
 
- Ba Má ơi, chị Linh sao vậy nè.
 
Nghe tiếng la của Long, Ba Má hốt hoảng chạy vào, trong lúc đó thằng Long, thằng Lân sợ cuống đit vì tội của mình.
 
Khi Linh tỉnh dậy, Linh thấy đang nằm giữa bốn vách tường sơn trắng, Linh đưa hai tay lên đầu thì thấy quấn một lớp băng. Một tiếng động nhỏ vang lên làm Linh nhổm đầu ngồi dậy nhưng không tài nào ngồi được. Linh choáng váng mặt mày nhớ lại hồi sáng. Tiếng nói của Ba Linh cắt ngang trí của Linh:
 
- Đỡ chưa Linh, có Ba và mấy em con vào thăm con nè.
 
Linh bèn mở mắt ra nhìn Ba, nhìn mấy đứa em, đứa nào cũng buồn rầu, duy chỉ có con Liên là đôi mắt đỏ hoe. Linh bèn gọi mấy đứa em lại và bảo:
 
- Các em thấy hậu quả do các em gây ra chưa.
 
- Dạ thấy.
 
Tiếng của thằng Long lại vang lên:
 
- Chúng em xin lỗi chị và hứa là không bao giờ chúng em chọc chị nữa.
 
Linh sung sướng ôm các em vào lòng mà hôn, bây giờ Linh mới thấy tình chị em thật là thắm thiết.
 
Đầu phòng, Ba Linh lại nở nụ cười sung sướng trên khuôn mặt héo hắt già nua.
 
 
MÂN LINH         
(Bồ Đề Đà Nẵng)     
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 49, ra ngày 30-7-1972)
 

Thứ Hai, 14 tháng 7, 2025

Hồn Học Trò

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
(Gởi em đó, Cỏ Tím)

Giữ mắt trong hoài nhé bé thơ
Ngàn cây xếp lá tự bao giờ
Bé nghe không gió về nhắn nhủ
Lời thiết tha cho hồn ngây thơ.
 
Bé có nhặt hoa chiều lang thang?
Gió mây nhốt mấy cụm hoa vàng?
Bên trường bé cổng vôi cổ kính
Chân non ngại bước nỗi gian nan
 
Chim nhỏ trú chân giữa ngọc ngà
Bé cười môi thắm nét kiêu sa
Hoa mới nở mau ra ngắt lấy
Ép giữa giấy trong hồn thiết tha.
 
Nét chữ ngoan với màu mực xanh
Ngủ yên giữa giấy trắng muôn tình
Tay bé mềm xinh như bông bưởi
Màu giấy chậm hồng nét nguyên trinh.

Tay quen cầm bút bé chép bài
Hồn nghe lời giảng với ngất ngây
Nụ hoa nở giữa lòng thanh khiết
Giữ hoài bé nhé tuổi thơ ngây.

                                          CỎ BIẾC
                                          (bn Hoa Tiên)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 48, ra ngày 23-7-1972)
 

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2025

Ngày Hè


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Còn trong tuổi Thiếu Nhi
Ấu thơ chưa biết gì
Hè về vui mừng lắm
Chẳng ngập ngừng chia ly

Đường phố đi lang thang
Mặc cho tiếng ve than
Với hoa phượng đỏ thắm
Tuổi nhỏ la hét vang

Rồi một ngày không xa
Với bầu trời trưa hạ
Nghe ngậm ngùi nuối tiếc
Tuổi đời đầy trong ta

Ngày thơ đã đi rồi
Nhìn lại thấy xa xôi
Nỗi buồn thêm lắng đọng
Như mây thu trong trời!...

                                    HBON
                                  (Tháp Chàm)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 42, ra ngày 11-6-1972)
 

Thứ Tư, 9 tháng 7, 2025

Hối Hận

 
Thằng Thành vừa đi song song với tôi ra cổng trường, miệng nó tía lia:
 
- Tao đoán đâu có sai, "ổng" ăn hiếp mình quá hả mày!
 
Tôi bực dọc đá viên sỏi trên lối đi:
 
- Mày nói tiếng nữa coi chừng tao à.
 
Tôi nói như thế chứ Thành "tả oán" vậy cũng không phải là vô lý (tôi nghĩ vậy) vì hai giờ Việt văn của Thầy Lương, tôi và một số các bạn khác trong đó có nó phải bất đắc dĩ nghe một bài đại luận dài gần hai trăm trang, nào là ngu như lợn, lười như sên, để rồi kết luận bằng hai con "dê rô" to tướng.
 
Đó là hậu quả của cuộc du hí trong rạp hát ngày chủ nhật rồi quên làm bài.
 
Thế nên tôi oán thầy Lương, oán những bài soạn mà thầy cho và oán luôn cả ngày thứ hai trong tuần, cái ngày thứ hai "xui xẻo" ấy nó làm cho tôi phải phập phồng lo sợ, ngồi xuống ghế lại bật ngay dậy như ngồi phải cục than hồng trong đó có chứa đựng cặp mắt khủng khiếp của thầy Lương. Cầm viết nắn nót được hai chữ bình giảng tôi tưởng chừng như làm xong một việc nặng nhọc đến toát mồ hôi. Không phải tội.
 
Tiếng thằng Thành vang lên:
 
- "Ổng" mà biết mình nói thầm thì tức lắm chứ chả chơi đâu.
 
Tôi cười nhẹ như biểu đồng tình.
 
- Thôi tới làm một ly cho đỡ khát.
 
Ly nước mát lạnh làm cơn tức của tôi nguôi dần.
 
Bỗng thằng Thành hích cùi chỏ:
 
- "Ổng" kìa mày!
 
Thằng Thành nói lớn quá làm thầy Lương nghe thấy, thầy quay lại, tôi tưởng ít nhất cũng một cái xoắn tai rồi lên văn phòng lãnh giấy cấm túc. Tôi rủa thầm:
 
- Cái thằng đần độn này mày hại tao rồi!
 
Nhưng may thay, thầy Lương chỉ quay lại, đóng cái cặp mắt sắc như "mã tấu" vào giữa mặt làm tôi choáng váng tưởng chừng như cả một tấn sắt áp vào.
 
- Đỡ quá mày, tao cứ tưởng...
 
- Tưởng con khỉ, lát nữa coi chừng có giấy mời lên văn phòng đó.
 
Thằng Thành trả tiền xong kéo tôi vào chỗ vắng nói nhỏ:
 
- Tao nghĩ mình nên kiếm cách chơi "ổng" một vố.
 
Tôi tán thành và nó đưa ra nhiều ý kiến nhưng đều bị tôi bác bỏ vì hành động là lộ tẩy ngay, ý kiến của thằng "ngu si" ấy nó cũng "ngu si" nốt, cuối cùng tôi "nặn óc" mới ra. 
 
Tối chúa nhật đi qua, sáng thứ hai trở lại với tôi, cái ngày thứ hai có biệt danh là "thứ hai kinh khủng" ấy đem lại cho tôi nhiều nỗi lo âu lẫn khoái trá vì sắp được trả thù!
 
Trong suốt thời gian ấy thằng Thành hết hích cùi chỏ, lại nháy mắt cười ruồi có vẻ thích thú.
 
Tiếng ồn ào bỗng im bặt, chỉ còn nghe tiếng nói nho nhỏ:
 
- Ê! Ổng vô kìa.
 
Dáng người nhỏ thó xuất hiện ở ngưỡng cửa.
 
- Nghiêm!
 
Thầy vừa vẫy tay vừa bước tới.
 
- Thôi các em ngồi xuống...
 
Tiếng "xuống" vừa dứt thì người thầy Lương chao đi lảo đảo, cuốn Việt văn và cặp kính cận cùng rớt ra một lượt. 
 
Sau giây phút ngạc nhiên cả lớp bỗng cười rộ lên, mà trong số đó có hai kẻ cười to nhất, thì ra ai đã quái ác đặt cây thước bảng giữa lối làm thầy Lương phải lãnh đủ, kẻ đó không ai xa lạ mà chính là tôi, tôi đặt cây thước giữa lối đi khi thấy bóng thầy Lương thấp thoáng ở phòng giáo sư. Lượm cặp kính lên cùng cuốn sách, thầy Lương trịnh trọng đeo vào và đảo mắt xuống phía dưới, cặp mắt sắc như dao ấy dừng lại giữa mặt tôi.
 
- Trò nào?
 
Cả lớp im phăng phắc, tôi vẫn phớt tỉnh "ăng lê" nhưng trong lòng bấn loạn vô cùng. Thầy nhìn tôi một lúc lâu rồi bước lên bục gỗ nói:
 
- Các trò coi chừng tôi.
 
"Coi chừng tôi" có nghĩa là sẽ dồn sự tức giận vào bài vở mà thầy sắp cho, liên tiếp sẽ là cú đầu, xoắn tai, sẽ là ngu như lợn v.v...
 
Quả nhiên thầy Lương ra lệnh:
 
- Lấy vở ra chép bài.
 
Thầy gỡ cặp kính bước xuống bàn, bỗng thầy bước vội lên bàn chụp cặp kính đeo vào và đảo mắt nhìn lên bảng.
 
- Trò nào viết hàng chữ này?
 
Lại một trận cười ròn rã vang lên, tác giả hàng chữ này chính là thằng Thành, nó nắn nót từng chữ to tướng:
 
Ông Lương bốn mắt hai mày
Dáng đi lạch bạch như bày vịt xiêm
 
Sau bữa đó thầy Lương phải cực khổ đẩy chiếc xe đạp lép kẹp cả hai bánh mà đi kiếm chỗ bơm, mỗi lần như vậy, hai thủ phạm đứng cuối sân chơi cười khúc khích.
 
Lần sau tôi bỗng chú ý đến chiếc xe honda dame cũ rích của thầy Lương, vì cả một bộ máy rắc rối có thể hư hại nặng chỉ vì một vật nhỏ bé như cát hay hạt muối.
 
Muối là một chất mặn có thể làm rỉ sét các chất kim loại, thế là ra rồi, tôi cũng la lớn "ra rồi, ra rồi" như Archimède ngày xưa vậy. Thế là tôi sẽ tà tà bỏ vào bình xăng xe của thầy Lương một nắm muối và thầy sẽ lãnh đủ cái hậu quả tai hại của những "hồng ân" mà thầy đã "ban" cho tôi ở những ngày đã qua, tôi không ngờ mình thông minh quá, tôi học cái ý kiến cho thằng Thành biết, nó khen lấy khen để, nó còn nói:
 
- Mày phá hoại kiểu khoa học.
 
Tiếng ồn ào trong lớp càng ồn ào thêm khiến tôi khó chịu. Sở dĩ có trường hợp "bất trị an" như vậy vì sau khi tôi bỏ muối vào bình xăng xe của thầy Lương, máy hư mà thầy không có tiền sửa nên thầy phải đi dạy bằng xe lam, mỗi ngày thầy trễ ít nhất phải là hai mươi phút, có lần vào trễ thầy bị ông hiệu trưởng kêu lên văn phòng, lúc trở xuống mắt thầy đỏ hoe.
 
Bắt đầu từ lúc ấy tôi mới thấy cái xót xa nó thấm thía vào tâm hồn khi nhìn thấy ánh mắt thống khổ của thầy Lương, ánh mắt thầy nó chỉ chứa đựng một sự chán nản và buồn thảm. Cái ngày "thứ hai kinh khủng" được trí óc tôi đảo ngược lại là "thứ hai buồn thảm". Ánh mắt thầy đi chung với ngày thứ hai ấy.
 
Bỗng dưng tôi thấy thương thầy vô hạn (tôi không phân biệt được thương thầy với lòng thành hay là thương hại), nhất là nghĩ đến bài luận văn mà thầy phát ra có phê hàng chữ:
 
Rất khá! Có tiến triển.
 
Thì ra thầy nào có ác ý với tôi đâu, thế mà tôi cố tình ám hại thầy.
 
Tôi có thể làm thế chăng? Tôi có thể đang tâm thù hằn một kẻ đáng gọi là cha, kẻ đã dạy tôi biết làm bình giảng, biết sáng tác ra một đoạn văn. Bây giờ tôi đã hối hận, thốt ra hai tiếng hối hận tôi cảm thấy trút được một phần gánh nặng tâm hồn, phần còn lại đến bây giờ tôi chưa trả được.
 
Bây giờ tôi không cần biết thầy Lương có ác cảm với tôi không mà chỉ cần biết đã có thêm một kẻ biết được cái tình thầy trò thiêng liêng cao quý nhất. 
 
Kính dâng hương hồn của một người thầy đã khuất núi, và gởi những ai đã oán thầy, đang oán thầy và sắp oán thầy.
 
 
PHẠM VĂN ĐỨC      
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 94, ra ngày 17-6-1973)
 

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2025

Ốc Sên


c sên là một con vật lạ lùng. Nó có thể sống trên đỉnh núi cao, vùi mình trong vùng sa mạc nóng bỏng, ẩn mình trong rừng sâu thuộc miền nhiều mưa lũ. Người ta bắt gặp ốc sên ở khắp nơi : trên ngọn Everest cao 8945m, người ta có thể thấy ốc sên ở sa mạc Sahara mênh mông, ốc sên cũng có mặt ở rừng rậm Phi châu. Ốc sên là một con vật vừa phá hoại lại vừa có ích. Nó tàn phá vườn rau nhưng trái lại thịt của nó ăn rất ngon, nó còn là một con vật thí nghiệm dùng trong khoa học.
 
Giống ốc sên sống trên mặt đất ra đời cách đây nhiều triệu năm và có mặt ở khắp nơi. Tất cả có lối 18.000 loại khác nhau.
 
Con ốc sên mà ta hay gặp thường ngày quả là một con vật phi thường. Trong thân thể nó không có một đốt xương nào cả mà chỉ là thịt và thịt mà thôi. Dù nhỏ nhắn mảnh mai, nhưng loại Helix pomatia, một loại ốc sên thịt ăn rất ngon, có thể chở nổi một sức nặng gấp 200 lần. Theo tỷ lệ đó thì một thiếu nhi nặng 40kg phải vác nổi một tảng đá nặng 360kg và kéo nổi một chiếc xe nặng 3,6 tấn.
 
Ốc sên ngủ rất nhiều, khi mùa đông chưa đến, nó đã bắt đầu ngủ giấc đông miên dài đến sáu hay bảy tháng trời. Ngoài ra, khi thấy một chút tia nắng mặt trời, ốc sên vội thu mình vào vỏ vì sợ bị hong khô thân mình, và khi trời mưa cũng vậy, ốc sên lập tức thu mình lại để ngủ. Ốc sên có thể ngủ một giấc hay ngủ suốt nhiều ngày liên tiếp trong lớp vỏ sau lớp nước nhờn. Ốc sên ở sa mạc có thói quen ngủ lâu kinh khủng, nó có thể ngủ một giấc li bì suốt ba hay bốn năm trường.
 
Khi di chuyển, ốc sên là một con vật thướt tha, yểu điệu trông thực đẹp mắt. Thân hình vặn vẹo của nó thay đổi màu sắc từ màu xám đến màu bạc, lướt nhẹ nhàng dường như không cần đến một chút cố gắng. Những bắp thịt nhỏ bé co rút nhịp nhàng như làn sóng điện, và như thế thân hình của ốc sên từ từ tiến tới.
 
Bất cứ đi đến đâu, ốc sên cũng tạo ra một lớp màn phía dưới để bảo vệ nó. Tấm màn này không có màu sắc và vô cùng hữu hiệu đến nỗi ốc sên có thể bò dọc theo lưỡi dao cạo bén ngót mà không hề bị một vết trầy nào cả.
 
Trong cuộc sống hàng ngày, ốc sên rất cần sự ẩm ướt. Sự ẩm ướt là yếu tố cần thiết cho thân thể của ốc sên, sự ẩm ướt cần thiết trên đường đi lại, sự ẩm ướt còn cần thiết để nuôi sống các mầm non là món mà ốc sên ưa thích nhất. Đến tháng tư, tháng năm, khi thời tiết dịu, và khi cơn mưa đầu mùa bắt đầu tắm ướt phong cảnh, ốc sên choàng thức giấc, cái đầu nhỏ nhắn của nó bắt đầu nhô ra khỏi vỏ cứng, các vòi của nó rà khắp đó đây để xem có gì ăn được. Cặp sừng trên có thể kéo dài đến ba phần tư đốt (1) hay hơn nữa, trên cặp sừng này là mắt của ốc sên ; ở sừng dưới, ngắn hơn, là cơ quan xúc giác hết sức tinh.
 
Bữa ăn đầu tiên tiêu hóa xong, ốc sên cảm thấy đói, thân hình của nó lại bắt đầu vươn ra khỏi vỏ. Thân hình của ốc sên dài khoảng 3 đốt (1), to một phần tư đốt (1). Ốc sên cận thị rất nặng, nó không thể nhìn xa được, nhưng nhờ thích giác cực mạnh có thể bù trừ cho thị giác cực kỳ yếu kém của nó. Thính giác cực nhạy giúp cho ốc sên bắt đầu hoạt động. Dù miệng của nó chỉ to bằng đầu kim gút nhưng có đến 25.600 cái răng bé tí nhưng cực kỳ hữu hiệu. Ta cứ thử nhốt ốc sên vào trong một hộp giấy, chẳng bao lâu sau, ốc sên sẽ dùng hàm răng tí ti này cắn rách hộp để chui ra. Nếu răng của ốc sên bị mòn hay gẫy, răng khác sẽ mọc lên thay liền cũng dễ dàng như khi ốc sên thay vỏ.
 
Thường thường ốc sên ăn vào ban đêm, nhưng các ngày có mây bay, những ngày có mưa nhẹ lất phất bay cũng là thời gian rất thuận tiện và ốc sên sẽ bò khi ăn. Khi ăn, ốc sên ăn không ngừng. Còn những lúc khác, ốc sên thu mình ẩn kín trong lớp vỏ để trốn ánh nắng.
 
Mỗi năm hai lần, một lần vào mùa xuân, một lần vào mùa thu, ốc sên đột nhiên ngưng ăn và đi lang thang không ngừng. Râu của nó vươn ra phía trước quờ quạng tìm kiếm khắp nơi. Ốc sên đang trên đường đi tìm bạn. Ốc sên là loài lưỡng tính, có 2 bộ phận sinh dục ở cổ, ngay phía bên phải.
 
Cưu mang mười lăm ngày, ốc sên sẽ đi tìm nơi sinh sản. Ốc sên đào một lỗ nhỏ ở gốc cây hoặc giữa đám cỏ gần nơi có thức ăn. Sau mười hai tiếng đồng hồ, ốc sên sẽ để lại đó 25 trứng nhỏ bé. Sinh xong, ốc sên lấp dấu và bỏ trứng ốc sên ở đó.
 
Ba hay bốn tuần lễ sau, trứng sẽ nở ra ốc sên con. Mới ra đời, ốc sên con tuy nhỏ bé nhưng đã có hình dạng gần hoàn hảo rồi, nhưng vỏ của nó chỉ mỏng mỏng như tờ giấy. Ngay khi vừa ra đời, ốc sên con đã đầy đủ khả năng để đương đầu với cuộc sống. Nó bắt đầu bò ra khỏi vỏ, tự tìm lấy thức ăn và tự biết tìm nơi ẩn trú khi cần. Vừa mở mắt chào đời, ốc sên đã có ngay cái đặc tính di truyền là sợ mặt trời, nó chỉ đi lại vào ban đêm.
 
Mỗi năm ốc sên lớn thêm độ một phần mười đốt (1) ở ngoài vỏ. Mức lớn và lối sinh sống của ốc sên hoàn toàn tùy thuộc vào thời tiết và việc ăn uống. Ở Pháp, người ta bắt ốc sên hoài, chỉ để cho chúng sống lâu nhất là hai năm do đó ít gặp được ốc sên to lớn. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người ta cũng tìm thấy ở Pháp những con ốc sên khổng lồ, do người ta mua từ nhiều nơi khác chở về, vì ở các nơi đó người ta để cho ốc sên sống lâu hơn.
 
Dù lớn dù nhỏ gì, ốc sên cũng là một món ăn ngon miệng. Mỗi năm ở Pháp người ta thưởng thức lối 250 triệu con ốc. Ốc được nấu nướng một cách khéo léo trở thành một món ăn vô cùng ngon miệng. Ở Mỹ, mỗi năm người ta ăn hết 24,8 triệu con ốc mà phần nhiều là ốc nhập cảng.
 
Mỗi lần vào mùa Xuân, trường Y Khoa Ba Lê mua cả mấy trăm cân ốc. Số ốc này được đem nuôi ở nhiệt độ thấp để cho hơn 100 chuyên viên nghiên cứu. Ốc sên giúp ích rất nhiều cho khoa học. Nghiên cứu các dịch vị của nó tiết ra, các nhà khoa học đạt được những bước tiến quan trọng trong việc tìm hiểu các chất kích thích tố (hormone). Nghiên cứu máu và chuẩn độ nước tiểu của chúng, người ta còn tìm hiểu được vài loại ung thư.
 
Quả thật ốc sên là một con vật lạ lùng.
 
 
NGUYỄN HÙNG TRÁC      
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 98, ra ngày 15-7-1973)
 
___________
(1) Inch : đốt, đơn vị đo chiều dài của các quốc gia nói tiếng Anh, dài 2,54cm

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2025

Phần Thưởng


Cắp sách đến trường ai lại không muốn mình là người học sinh giỏi và cũng ôm mộng phần thưởng xuất sắc cuối năm được vào tay mình trong niềm kiêu hãnh. Bé cũng vậy. Năm đầu tiên bước vào Trung Học bé đã cố công gắng sức lo học hành để được phần thưởng. Nhưng trời chẳng chiều lòng, năm đó bé chẳng được vinh dự đó. Bé nhìn người bạn ôm phần thưởng mà muốn khóc. Rồi nghỉ hè, qua 3 tháng xa xôi, bé tức tối và thầm nguyện với lòng là quyết năm sau cố gắng hơn, thế nào phần thưởng phải vào tay bé. Bé ôm mộng ước ấy nhiều đến nỗi trong phòng học bé dán đầy những câu:
 
- Cố gắng chăm học. 
- Phải được phần thưởng.
- Không thua sút ai v.v...
 
Và... bé lên lớp 7. Bé không phút giây chơi đùa, bé chăm, bé cố, bé siêng mặc cho bạn bé mời mọc kêu gọi. Bé quyết học cho giỏi năm này để được cái phần thưởng đẹp đẽ tuyệt vời của trường. Mà quả thật, bé tiến tới thật mau. Bạn bè trong lớp thấy thế sợ thua kém cũng vội vã chạy theo. Những kỳ thi, những lần làm bài bé đều được điểm cao. Hy vọng tràn trề trong lòng thế nào bé cũng được phần thưởng. Thầy, cô cũng nhìn bé mỉm cười và khuyến khích bé. Tết đến, rồi dần dần gần bãi trường. Càng lúc bé càng nôn nóng. Ngồi học bé thấy phần thưởng cười. Ngồi ôn bài thi bé thấy phần thưởng tiến gần lại bé. Ngủ bé cũng mơ, ăn bé cũng mơ, chắc chắn thế nào phần thưởng cuối năm ưu hạng cũng về tay bé. Bạn bé cũng đã nói bé sẽ được. Hà đã nói:
 
- Năm nay Nga học giỏi ghê, thế nào phần thưởng hạng I cũng về tay bồ đó.
 
Bé cũng sướng mê tơi nhưng cũng làm bộ:
 
- Bồ nói quá chứ, còn Nguyên, Bích, Hồng nữa nè. Sợ Nga thua mấy nhỏ đó.
 
Rồi ngày lại, ngày qua, sắp tới ngày bãi trường rồi, mà sao bé không thấy trường rộn rịp như hồi năm ngoái. Bé nhớ rõ lắm nè. Năm ngoái, còn một tuần nữa là bãi trường, bọn bé không phải học, vì thầy cô mắc cộng điểm, cột quà, mua sắm phần thưởng. Dường như ai cũng lăng xăng. Lớp thì lo dợt lại văn nghệ... còn sao năm nay chỉ còn một tuần nữa thôi mà sao trường vẫn im lìm thế kia? Bé run ghê, bụng cứ đánh lô tô mãi. Hay là... trường năm nay không tổ chức lễ phát phần thưởng (vì nghe đâu thầy Hiệu Trưởng mắc đi Mỹ nên bỏ qua?). Bé nghe tin đồn đó là đã sợ. Chao ôi, công học hành, công cố gắng vì một lý do... mà là công dã tràng sao? Bé lòng thầm van vái tin đồn không đùng với sự thật nhưng hỡi ơi: chỉ còn hai ngày nữa mà trường cũng không lo cộng điểm và tin từ văn phòng trường đưa ra làm bé rụng rời:
 
- Năm nay, trường sẽ không tổ chức lễ phát phần thưởng cho các học sinh ưu tú...
 
Bé như người cảm sốt, nhìn Nguyên mà nước mắt muốn rưng rưng, nhưng cố nén:
 
- Chết rồi, Nguyên ơi...!
 
Về đến nhà bé tức tối lắm, còn chi đâu giấc mộng huy hoàng,
 
Thầy, cô thì không biết chi. 
 
Tối đến lòng tức, mở tivi thấy phóng sự quay lại cảnh: buổi phát phần thưởng của mấy trường khác, nhìn mấy anh, chị ôm phần thưởng bé càng thêm giận trường mình.
 
Lòng càng nghĩ suy, bé càng thấy lòng nặng chữ tức, sao trường không nghĩ gì về học sinh cả, phải chi trường thông báo vì lý do kỹ thuật gì đó thì học sinh cũng đủ hả dạ lắm rồi chứ chi mà tàn nhẫn đến độ không kèn không trống. Phần thưởng ơi, ta xa mi rồi.
 
Trường ơi, thầy, cô ơi có biết chăng lòng bé đang đau đớn.
 
Phần thưởng ơi, phần thưởng...
 
THỐ TY HOA      
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 95, ra ngày 24-6-1973)
 

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2025

Bến Thơ

 

 
 
 
 
 
 
  
 
 
 
 
 Xanh xanh ngàn lá trúc
Biêng biếc giòng nước xuôi 
Bập bềnh thuyền nan nhỏ
Lững lờ mây trắng trôi

Xa như còn đồng vọng
Tiếng lũ trẻ triền đê
Đầu trần, chân lấm đất
Đón hạ vàng thôn quê

Cánh diều bay phất phới 
Ngả ngớn tựa lưng trâu
Nghe sáo diều vi vút
Ê a đánh vần mau

In trời mái lam khói
Ai thổi bếp nấu cơm
Thoảng hương hoa đồng nội
Lẫn mùi thơm rạ rơm

Bì bõm làn nước biếc
Chuồn cắn rún tập bơi
Lũ trẻ cười khúc khích
Sóng nước vờn chơi vơi

Chiều nay dừng chân bước 
Bến xưa nước lững lờ
Tìm tháng ngày tuổi dại
Trong khung trời ấu thơ...

                               Thơ Thơ 
                   (Bút nhóm Hoa Nắng)



Thứ Năm, 3 tháng 7, 2025

Cắm Trại


Cắm trại, hay sống ngoài trời, xưa như lịch sử loài người. Những người tiền sử đã sống, đã ăn và đã ngủ dưới bầu trời rộng mở hay trong nơi trú ẩn sơ sài. Nhưng, văn minh tiến bộ đã lôi cuốn con người rời bỏ đời sống hoang dã để chen chúc nhau trong những căn nhà chật hẹp, khuôn mẫu và vuông vức, trong những đô thị dầy đặc những khói và ồn ào. Con người càng ngày càng ẻo lả, thụ động và sợ sệt. Thiên nhiên hiện ra dưới mắt con người như một thế giới xa lạ, chất chứa nhiều nguy hiểm. Cho tới một ngày mà người da trắng đặt chân lên thế giới thiên nhiên của người da đỏ, con người văn minh lúc ấy nhớ lại rằng thiên nhiên là bạn chớ không thù! Thiên nhiên cung cấp cho họ thức ăn, y phục và nơi trú ẩn an toàn. Thiên nhiên huấn luyện cho họ chí bất khuất, lòng can đảm, tính bình tĩnh, óc hợp đoàn, sự nhanh nhẹn... Thiên nhiên đem lại những thân hình vạm vỡ với những kỹ xảo tuyệt vời. Thiên nhiên là bạn của những người gần gũi nó, là thù của những người chạy trốn nó. Thế nên, con người đổ xô về với thiên nhiên cũng như có lúc đổ xô xa lánh. Trong những hình thức về với thiên nhiên, cắm trại được ưa chuộng nhất.
 
Cắm trại! Cắm trại vui thú biết bao! có lẽ đó là lý do tại sao hàng triệu người già trẻ bé lớn mong mỏi một kỳ trại phiêu lưu và mạo hiểm. Biết bao cảnh đẹp chỉ in dấu chân người đi trại: nào hồ thơ mộng, nào suối nên thơ, nào non hùng vĩ, nào rừng cây xanh lá... Trại sinh là người vui đời đơn giản, là bạn của ánh lửa bập bùng. Họ biết bài ca của muông chim khi nắng hồng rạng rỡ, biết điệu sầu của loài cú khi ánh lửa tàn đêm. Người trại sinh học cách sinh tồn trong rừng già, trên triền núi hay giữa dòng sông rộng. Trại sinh luôn sẵn sàng, hăng hái và giúp đỡ người khác. Dù sự hoang dã luôn thử thách, người trại sinh phải luôn luôn làm cho đời sống trại dễ chịu và thoải mái.
 
 
CHỌN ĐẤT TRẠI
 
Yếu tố đầu tiên và thật quan trọng là chọn đất trại. Trại sinh phải lựa chọn cẩn thận. Càng cắm trại lâu bao nhiêu, càng lựa chọn cẩn thận bấy nhiêu. Đất trại phải cách xa những nơi nguy hiểm như bờ đá dựng, hào sâu, chỗ cây chết, cành chết có thể đổ, rơi bất ngờ, những vùng đất lầy lội, những vùng đất có cây trường xuân và cây sồi với các loại thực vật độc hại như trường xuân, sồi, độc cần... Bụi rậm và bờ đất thấp gần sông, hồ, suối thông thường dung túng những muỗi mòng và các loại côn trùng khó thương khác. Tránh những núp đá là nhà ở của loài rắn độc. Đất trại tốt nhất phải cao ráo, thoáng khí với vài cây cho bóng mát. Nước uống và củi dùng nấu nướng phải gần đó để tránh hỏa hoạn cũng như sự thiêu đốt của mặt trời. Đừng ở nơi lộng gió, nhiều cây to để tránh hỏa hoạn. Đất phải xốp để nước rút khô mau lẹ sau cơn mưa, cũng như tạo dễ dàng cho việc dựng lều, làm nơi trú ngụ. Những hiện trạng thiên nhiên bao quanh như cây cối, đá lớn sẽ che chở cho đất trại khi có gió lớn.
 
 
XIN PHÉP
 
Sau khi chọn xong đất trại, trại sinh phải xin phép chủ đất và nhà cầm quyền địa phương, liên lạc với giới chức liên hệ cũng như các hội đoàn để được giúp đỡ và chỉ dẫn rõ ràng hơn. Nếu trại được tổ chức ở xa cần phải kêu gọi sự tham dự của người đi trại giàu kinh nghiệm. Sự hoạch định và sửa soạn cẩn thận rất cần thiết.
 
 
VẬT DỤNG :
 
Trước hết, quần áo đem theo phải đầy đủ và chắc. Quần áo bảo vệ trại sinh khỏi nắng, mưa, côn trùng, bụi rậm v.v... nghĩa là phải gồm có nón, áo mưa hay poncho, áo ấm cho những đêm gió lạnh, quần soọc, quần dài, áo lót, vớ dày, khăn tay và đồ ngủ (bi-ja-ma). Giày nhẹ, chắc và vớ len rất thích hợp. Nếu giày hơi rộng, tốt hơn nên mang hai đôi vớ: vớ vải nhẹ ở trong và vớ len dày ở ngoài. Nếu giày mới mua chưa đi lần nào, trại sinh phải đi trước ở nhà qua lại cho quen chân. Nếu kỳ trại kéo dài cần phải đem theo nhiều quần áo để thay đổi và thêm đôi dép.
 
Ngoài ra, trại sinh còn phải đem theo vật dụng cá nhân (kem, bót đánh răng...), bi-đông, đèn bấm, đèn cầy, diêm, địa bàn, còi, lều, mền, nệm hơi (phao, nếu có), bản đồ, dao bỏ túi, lưỡi câu, dây, băng cứu thương, dầu và các vật dụng cho cả trại mà ban quản trại giao phó như cuốc, xẻng, dụng cụ dựng lều, vật dụng nấu nướng, xách, túi đựng nước, máy chụp hình v.v... Chỉ đem theo những gì cần thiết cho cuộc cắm trại, đừng đem dư thừa. Cần chú ý đến thời gian, địa điểm của trại để đem đúng vật dụng. Trại sinh phải lập một danh sách tất cả những vật dụng cần đem theo và kiểm soát lại khi xếp vào xách hay ba-lô.
 
Công việc xếp vào xách thật dễ dàng và đơn giản. Một cái xách hay ba-lô là một túi chứa đầy các túi nhỏ. Xếp quần áo phụ như áo lót, vớ... vào một hay nhiều túi nhỏ - túi plastic là tốt hơn cả - Sau đó ép mạnh cho không khí bên trong ra hết và niêm túi lại bằng một sợi thun, miếng băng keo hay nắp cao su chúng ta thường thấy. Các vật dụng vệ sinh cá nhân như xà bông, khăn tắm, khăn lau, bót và kem đánh răng phải cho vào một túi khác. Thực phẩm phải được xếp vào những túi plastic hay hộp. Xách hay ba-lô với đầy đủ vật dụng không được nặng quá (1/4) trọng lượng toàn thân. Trại sinh phải xếp những vật dụng mềm, phẳng đối diện với lưng để được dễ chịu khi đi đường. Những vật dụng xài sau cùng cần để ở dưới cùng. Các đồ nặng xếp lên trên gần mặt xách. Một cây đèn bấm và hợp cứu thương nên xếp trong một cái túi may dính  bên ngoài xách. Áo đi mưa hay poncho xếp vào sau cùng.
 
Dây đeo phải khá lớn để khỏi cứa vào vai. Các miếng đệm lót dưới dây đeo làm trại sinh cảm thấy thoải mái hơn khi đeo. Đừng để vật dụng vương vãi, bề bộn bên ngoài xách. Nếu xách không đủ chỗ thì mền, chăn có thể cuộn tròn, cột lại và buộc lên phía trên xách. Điều cần nhớ là xách hay ba-lô phải được may bằng vải không thấm  nước. Thường cuộc cắm trại dành cho nhiều người nên thực phẩm và các vật dụng chung cần phải phân chia cho tất cả mọi người và phải theo qui luật người mạnh, khỏe mang nặng hơn người nhỏ, yếu.
 
 
DỰNG LỀU.
 
Có nhiều loại lều thích hợp cho thời gian và hoàn cảnh của trại.
 
Nhưng thường trại sinh nên dùng lều hình chữ A vì nhẹ, dễ căng và có thể tự làm dễ dàng. Khi căng lều phải nhớ rằng không chừa khoảng trống giữa đất và mép lều. Phương pháp ngăn ngừa tốt nhất là kết dính với mép lều một tấm vải không thấm nước làm nền cho lều. Những phía để trống của lều không được quay thẳng về hướng gió. Phải tránh những cây to trơ trọi vì sét thường đánh những cây này. Trước khi dựng lều phải kiểm soát lại đất đai xung quanh. Mặt đất phải khá bằng phẳng, khô ráo. Đá, gạch và khúc cây phải được dọn sạch khỏi chỗ dựng lều. Đừng bao giờ quét hay thu dọn lá cây trên đất trại ngoại trừ những chỗ dùng làm bếp lửa. Lớp lá phủ trên mặt đất làm đất trại không bị lầy nhưng quan trọng hơn là cỏ, lá cây và nhánh cây nhỏ trên mặt đất giữ cho đất không trôi đi khi trời mưa.
 

Biết cách cắm cọc, trại sinh sẽ giữ lều được đứng thẳng. Những vùng đất mềm, rời cần cọc dài hơn. Cọc được cắm theo hướng nghiêng ra phía ngoài lều. Ở những vùng có đất trôi tụ lại hay lùm cỏ, cọc được cắm thẳng xuống hay chênh chếch về phía lều.
 
Trong kỳ trại giả sử có một trận mưa rất lớn, nước chảy tràn vào lều. Việc này thường xảy ra khi lều được dựng trên mặt đất dốc thoai thoải. Gặp trường hợp này, trại sinh phải ngăn dòng nước không cho chảy vào lều bằng cách xẻ một cái mương nhỏ ở bờ cao của lều dẫn nước đi xung quanh lều chảy xuống bờ thấp. Nhớ rằng đừng bao giờ đào mương và rãnh nếu không cần thiết ; nếu phải đào, trại sinh phải lấp và dậm cho chắc lại khi không cần nữa hay trước khi rời đất trại.
 
Có nhiều trường hợp nguy hiểm khi trại sinh đi săn, đặt bẫy hay đi câu, trại sinh cần tìm một chỗ trú cấp thời. Mép đá nhô ra hay một cây đổ to lớn rất tốt để trú. Phía đối nghịch với hướng gió (không đưa ra hướng gió) của tảng đá lớn, bờ đá hay cây to che chở cho chúng ta rất nhiều.
 
Khi đi cắm trại đông người, các lều phải được dựng xung quanh lều chánh của Ban Quản Trại và không nên cách xa nhau quá, thông thường cách xa nhau từ 50 đến 100 thước. Khi dựng lều cũng như trong thời gian ở trại, trại sinh không được chặt phá cây cối, làm xáo trộn hoàn cảnh thiên nhiên nhiều quá mà chỉ nên tận dụng hoàn cảnh sẵn có đem lại tiện nghi cho trại.
 
 
"GIƯỜNG" NGỦ Ở TRẠI :
 
Đi trại không phải là nhịn ăn, nhịn ngủ, trái lại là khác. Trại sinh phải ứng biến làm sao cho ăn no, ngủ kỹ... Ngủ ở trại rất thú vị nếu đủ ấm và thoải mái. Nếu có chăn, mền thì rất tốt. Trại sinh gấp đôi chăn hay mền lại và ghim các mép lại với nhau thành một cái túi. "Giường" ngủ đã xong, trại sinh chui vào giữa túi và ung dung đánh một giấc. Nếu không có chăn mền trại sinh có thể dùng nệm hơi (phao) thổi phồng lên, những nhánh cây thông nhỏ hay những cành có lá được dồn góp lại thành một tấm nệm rất thoải mái. Trại sinh cần phủ lên trên giường ngủ một lớp vải không thấm nước, áo đi mưa hay poncho, và tém gọn các mép xuống dưới giường.
 
Dầu ở thời tiết nào - nóng, ấm, mát, lạnh - trại sinh cũng mặc đầy đủ quần áo che kín người khi ngủ để tránh sương, tránh côn trùng cắn, chích hay bụi gai cào sướt. Nếu gặp thời tiết lạnh phải mặc cho đủ ấm, bằng cách mặc nhiều lớp quần áo, không nên mặc một lớp thật dày (khi cảm thấy nóng có thể cởi bỏ một, hai lớp dễ dàng, mau chóng).
 
 
CỦI VÀ LỬA : 
 
Dao, búa, diêm và những phương tiện cho lửa khác rất cần thiết cho một trại sinh từ khi lên đường cho tới lúc trở về. Trại sinh thường dùng loại dao bỏ túi và dao luôn luôn ở trong túi hay trong bao đeo cẩn thận bên hông để tránh rơi rớt dọc đường khi đi hay chạy. Búa phải có tay cầm thật chắc chắn và an toàn, có bao và lưỡi búa luôn ở trong bao khi đi đường, khi không dùng. Không bao giờ ném dao hay phóng búa, rất nguy hiểm! Cũng không nên khắc tên vào cây cối. Khi sử dụng phải nhìn quanh để tạo sự an toàn cho người khác. Trại sinh phải tự kiếm củi đốt ở đất trại nên phải biết loại nào đốt được, loại nào khó đốt để không phí tài nguyên thiên nhiên. Cây chết đốt tốt nhất. Các cành thấp của những cây đang đứng vững thường là cành chết. Nếu cành nào gẫy kêu răng rắc trại sinh có thể bảo đàm cành đó sẽ cháy dễ dàng. Trại sinh chỉ nên kiếm đủ số lượng cần dùng mà thôi.
 
Phần quan trọng nhất ở các trại là lửa, từ lửa để nấu nướng sưởi ấm cho tới những lửa trại to lớn để sinh hoạt. Trước hết, đất xung quanh chỗ đốt lửa phải trống trải, không có cành cây, bụi rậm và cỏ. Nên đốt gần lều để dễ trông chừng (đừng gần quá) và lửa phải được kiểm soát thật nhỏ, nhỏ đủ dùng theo nhu cầu thôi. Có nhiều loại bếp của người đi săn tạo thành hai khúc gỗ lớn đặt song song, đầu rộng hướng về luồng gió. Xếp những tảng đá thành hình chữ U, đầu hở hướng về luồng gió, cũng tạo nên một bếp tốt. Loại bếp này tỏa ra rất nhiều nhiệt và giữ thiệt lâu rất tốt để nấu nướng. Nếu cần nấu nướng nhiều thứ một lúc, trại sinh đào một rãnh dài, xếp đá chung quanh tạo nên một rãnh lửa. Củi khô dễ bắt lửa được dựng đứng sắp hình cái lều của người da đỏ hay được sắp vòng tròn rất được ưa chuộng trong những đêm sinh hoạt lửa trại. Vào những ngày gió lớn, trại sinh phải nhóm lửa trong những lỗ được bao bọc bởi đá, gạch hay gỗ to.
 
Trước khi nhóm lửa, trại sinh phải sửa soạn thật đầy đủ. Mỗi lần nhóm lửa, trại sinh thường cần:
 
- 2 hay 3 nắm tay cành cây nhỏ dài khoảng 2 tấc.
 
- 1 nắm nhỏ các khúc gỗ lớn bằng ngón tay cái dài hơn 2 tấc.
 
- 1 khúc gỗ lớn bằng cổ tay và dài hơn 2 tấc, chẻ đôi khúc gỗ này.
 
Trong khi mót gỗ, trại sinh hãy để mắt tìm kiếm vật liệu dùng làm mồi bắt lửa chẳng hạn cỏ khô, vỏ cây khô của cây bách hương (giống như cây thông) hay những nhánh thông khô. Vỏ của cây phong chết (phong trắng, xám hay vàng đều được) làm mồi bắt lửa rất tốt. Đừng bao giờ tách vỏ này ở cây đang sống. Những que gỗ chẻ mỏng có thể thay thế cành nhỏ và mồi bắt lửa.
 
Người trại sinh giàu kinh nghiệm thường dùng những thứ nến lửa như một mẩu đèn cầy vụn, báo được cuộn chặt, cột bằng dây cắt từng khoanh dài chừng 5 phân và được nhúng vào parafin cháy lỏng (sáp đèn cầy cháy lỏng) là những nến lửa rất tốt. 5, 6 diêm quẹt bó lại và tẩm parafin cũng rất tốt và loại nến lửa bằng diêm quẹt tẩm parafin vẫn cháy dù tiết trời ẩm ướt. Nến lửa dùng giữ lửa được lâu.
 
Với đầy đủ vật liệu cần thiết, trại sinh có thể nhóm lửa một cách thành công. Hãy nhớ dọn dẹp xung quanh chỗ nhóm lửa thật trống. Khi bếp đã sẵn sàng, trại sinh để một khúc gỗ lớn bằng ngón cái ngang vài hòn đá nhỏ, xếp vài mồi bắt lửa dưới khúc gỗ này và rải một nắm cành nhỏ lên khúc gỗ, thêm vài cành lớn  hơn và đốt mồi bắt lửa. Gỗ sẽ bắt cháy nhanh chóng và trại sinh thêm vài khúc gỗ lớn khi lửa cháy sáng.
 
Lửa cao ngọn, sáng dùng để nấu nước, nấu cơm, canh hay luộc rau cải, trứng, sau đó có thể nấu nướng các món khác. Khi lửa thấp ngọn, một lớp than nóng đã thành sẵn cho trại sinh nấu nướng thịt, cá. Khi bếp hoạt động phải luôn luôn có một xách nước đầy gần đó để đề phòng ngọn lửa phừng cao vì gió lớn. 
 
Khi không dùng bếp hay khi rời đất trại phải dập tắt lửa hoàn toàn và san bằng lại như cũ. Dập tắt lửa bằng nước, như sau: khều các khúc gỗ đang cháy rải rộng ra ; tưới nước lên các khúc gỗ và lớp tro than còn nóng ; lật các khúc gỗ qua lại cũng như xới lớp tro than lên và tưới nước cho tới khi nào không tỏa nhiệt mới thôi. Tro ướt và lạnh nên tung rải rác ra khi trại chấm dứt. Sau đó phủ lên mặt đất trống xung quanh chỗ nhóm lửa một lớp lá và đất, phân lá cây như lúc chưa nhóm lửa.
 
Một đầu bếp ở trại giỏi dắn cần nhớ các chỉ dẫn sau đây:
 
- Luôn luôn mang theo diêm (nếu có diêm không thấm nước càng tốt) trong túi.
 
- Đem theo nhiều nến lửa, nhất là trong thời tiết ẩm ướt.
 
- Một vài vỏ cây phong trong xách rất hữu ích.
 
- Nhớ rằng ngay cả trong mùa mưa, phần gỗ bên trong các khúc cây thường khô ráo và có thể chẻ mỏng làm mồi bắt lửa dễ dàng.
 
Trại sinh nhiều kinh nghiệm luôn luôn chuẩn bị đủ số lượng củi đốt cho mỗi bữa ăn. Một mảnh vải không thấm nước (áo mưa hay poncho) phủ lên đống củi giữ cho củi khô ráo khi trời mưa. Thật là lịch sự biết bao nếu trại sinh để lại một bó củi gọn gàng cho những trại sinh đến sau!
 
 
BỮA ĂN Ở TRẠI
 
Vật dụng cần thiết để nấu nướng ở trại là xoong, chảo, ấm, muỗng, nĩa, đũa... Một miếng nhôm cuốn tròn rất đa dụng, có thể thay thế cho xoong để nấu nướng nhiều món ăn rất ngon miệng. Một hộp thiếc đựng bánh bích-qui có thể dùng nấu nướng rất hữu dụng. Trại sinh đào một lỗ trên một bờ đất và treo hộp không trong lỗ ; đào một ống dẫn khói từ thành của lỗ lên mặt đất để khói thoát ra cũng như tạo ra một luồng gió thổi vào. Sau đó, trại sinh nhóm lửa dưới hộp. Trại sinh có thể nấu nướng thức ăn trong loại lò này rất thành công. Nếu có đủ vật liệu cần thiết, trại sinh có thể dùng loại lò này nướng bánh (bánh bông lan chẳng hạn).
 
Phải nhóm lửa trước khi nấu nướng chừng 15, 20 phút. Thường trại sinh nên nấu nước dùng trước. Trại sinh nhớ phải dự bị sẵn hai miếng vải dày, có thể dùng bao tay bằng da, để nhắc nồi xuống.
 
Một bánh xà bông cỡ nắm tay sẽ tiết kiệm cho trại sinh rất nhiều thời giờ và công việc. Hãy ngâm cho mềm một mẩu xà bông trong nước (ít nước thôi). Trước khi đặt nồi lên bếp, hãy thoa một lớp xà bông ngâm nước ở trên lên mặt ngoài của nồi. Công việc rửa sạch nồi niêu xoong chảo sẽ dễ dàng gấp bội nhờ lớp xà bông này. Người đầu bếp phải có một mảnh plastic hay vải để trải lên đất dùng bày biện khi nấu nướng.
 

Vấn đề món ăn ở trại tùy theo tài chính và sự nấu nướng của đầu bếp. Nếu đầu bếp không vụng quá, bữa ăn ở trại rất ngon và thú vị. Nếu tài chính cho phép, bữa điểm tâm dùng trứng, thịt mỡ với bánh mì. Bánh mì đem theo dễ dàng nhưng khi dùng cần nướng khô lại. Trứng rất dễ nấu nướng và bổ ích. Bữa trưa và bữa chiều dùng cơm với thịt nấu canh kho hay chiên... tùy tài nấu nướng và sáng kiến của từng người. Trước khi ngủ có thể dùng bữa nhẹ lót bụng nhưng đừng nấu chè (nhất là chè đậu xanh), ăn vào dễ bị đau bụng.
 
Thực phẩm đem theo có thể bao gồm: bánh mì, gạo, thịt ướp lạnh, trứng (cẩn thận khi đi đường), các loại thức ăn nguội hay đồ hộp. Thực phẩm cần phải xếp vào bao không thấm nước treo lên cành cây gần lều hay đặt lên giá do trại sinh đóng. Các loại thực phẩm cần giữ cho tươi như trứng, rau cải, bơ, sữa... nên cho vào những "tủ lạnh" thiên nhiên. Trứng, bơ, rau cải... được xếp vào một thùng thiếc và trại sinh đem đặt dưới dòng suối hay rạch nước. Nhớ đặt chỗ nông và để lên trên hộp một hòn đá khá nặng để hộp không bị trôi đi. Nếu không được như trên, tất cả cũng được xếp vào một hộp thiếc, đặt chìm sâu trong đất.
 
 
VỆ SINH SỨC KHỎE AN TOÀN
 
Nếu không có gì trở ngại, trại sinh nên thường rửa ráy, vào buổi chiều tối, nhưng ít nhất trại sinh phải lưu ý đến bàn chân của mình hàng ngày. Phải rửa chân bằng nước ấm, lau khô cẩn thận, thoa một lớp phấn hoạt thạch (phấn thoa cho trẻ em) để không bị đau hay bỏng chân. Trên đất trại, trại sinh đừng mang bít-tất cũng như vớ. Nhưng khi đi dạo, ngoạn cảnh... trại sinh phải mang vớ sạch sẽ và thoáng khí. Trại sinh cũng nên thoa bóp bàn chân với dầu và giữ cho móng chân ngắn.
 
Ở những nơi có khí hậu nóng, nhiều bụi, trại sinh phải lưu ý đến đôi mắt của mình. Hãy săn sóc mắt bằng cách rửa mắt trong nước muối ấm, đeo kính mát nếu cần. Mũ và khăn quàng giúp cho trại sinh không bị say nắng và nhức đầu. Hãy đội nón và kéo khăn quàng che kín gáy sau ót. 
 
Trại sinh phải giữ cho đất trại luôn sạch sẽ. Những giấy thừa, rác rến nên đốt đi, đốt từ chút một, đừng dồn thành đống thật lớn rồi đốt một lần dễ gây hỏa hoạn. Hoặc đào một lỗ làm nơi đổ rác cho trại. Trước khi rời đi, trại sinh phải lấp lỗ lại và dậm thật mạnh. Những lon đồ hộp đã dùng hết, trại sinh phải đập cho bẹp đi và chôn. Thức ăn dư thừa nên sấy khô và đốt cháy trong đống lửa. Nếu nơi cắm trại có sẵn thùng đựng rác rến, thức ăn thừa, hãy đổ đồ dư nhà bếp vào đó. Không bao giờ chôn thức ăn dư thừa hay những món khác ở nhà bếp vì thú vật sẽ đào bới lên.
 
Trại sinh cũng phải dự bị sẵn chỗ để tống cặn bã trong người ra.
 
Trại sinh phải đào một cầu tiêu cho trại. Cầu tiêu sâu chừng 7, 8 tấc và đường kính khoảng 3 tấc, ở xa nơi dựng lều và nơi cung cấp nước dùng cho trại.
 
Nước uống phải hợp vệ sinh. Tốt nhất, trại sinh nên dùng nước đun sôi. Trước khi dùng, hãy đổ nước qua lại để không khí luồn vào nước làm cho nước có mùi vị dễ chịu và uống dễ tiêu. Có thể dùng thuốc tím hay thuốc viên làm sạch nước. Đừng bao giờ uống nước sông, nước suối trừ phi đã được đun sôi hay khử trùng.
 
Trong bất kỳ loại trại nào, trại sinh phải đem theo một hộp cứu thương. Ngay cả trường hợp chỉ có một, hai người đi cắm trại trong một hai ngày cũng phải có hộp cứu thương. Hộp cứu thương phải luôn luôn ở trong tình trạng sẵn sàng sử cụng, đừng bao giờ đóng khóa cũng như mở toang ; hãy gài lại sao cho không đổ khi đi hay chạy và mở ra dễ dàng. Một hộp cứu thương gồm có : Vài mảnh vải, bông gòn sát trùng, từ 5 đến 10 băng dính có thuốc sẵn, một chai thuốc sát trùng, một hộp pô-mát chữa bỏng và các vết thương do côn trùng gây ra, một cuộn vải the sát trùng, băng keo, một cây kim và những loại thuốc trị nhức đầu, đau bụng, cảm, trầy trụa. Mỗi trại sinh phải luôn có trong túi một hay hai băng dính có thuốc sẵn. Trên hộp cứu thương phải có danh sách bác sĩ, y tá và điện thoại cảnh sát gần đó với đầy đủ địa chỉ và số điện thoại nếu có. Danh sách này phải được cập nhật hóa lại cho đúng trước khi bắt đầu dự trại.
 
Đi trại rất thích thú nhưng cũng nhiều nguy hiểm. Trại sinh có thể gặp thú dữ, các loại bò sát và côn trùng nhưng thường trại sinh sẽ thấy những con thú bè bạn như nai, hươu, thỏ... Một nguy hiểm thường xảy ra do chính trại sinh gây nên : đi lạc. Vì tò mò, vì tìm hiểu trại sinh đi xa khu đất trại và lạc. Khi bị lạc, rất nhiều nguy hiểm đối diện với trại sinh và trại sinh cần bình tĩnh ứng phó với tình thế. Người ta thường bảo "phòng hỏa hơn cứu hỏa", nên trại sinh cố tránh bị lạc thì tốt hơn. Trước hết, trại sinh phải tìm hiểu rõ đất trại nhờ bản đồ phân định rõ ràng đất trại, nhờ cảnh vật thiên nhiên như dòng suối, con sông, đường sá, những cao điểm hay những dấu hiệu đặc biệt khác. Mỗi trại sinh nên có một bản đồ khu đất trại và vùng lân cận trong túi. Trại sinh đừng đi xa một mình. Tốt hơn là tối thiểu phải đi từng nhóm 3 người. Nếu một người bỗng ngã bệnh hay bị thương không đi được, một người sẽ ở lại săn sóc tạm thời và một người chạy về báo tin cầu cứu. Mỗi trại sinh cần mang sẵn những vật dụng đề phòng khi bị lạc như : địa bàn, dao bỏ túi, đèn bấm, một cái còi nhỏ, vài sợi dây nhẹ, chắc, vài lưỡi câu đựng trong hộp, một nến lửa và túi vệ sinh cá nhân.
 

Trong trường hợp bị lạc, trại sinh phải bình tĩnh, ngồi xuống nghỉ mệt và cố nhớ lại sự việc xảy ra. Sau đó lấy bản đồ ra, xác định lại các dấu hiệu của thiên nhiên, nhờ địa bàn tìm ra phương hướng để đi tới một đường rầy hay đường xe chạy gần nhất. Lúc ấy coi như là thoát. Không việc gì phải sợ sệt. Nếu không chắc chắn tìm ra lối đi, hãy ở lại chỗ đang ngồi và dựng một  chỗ trú tạm thời. Nhóm lửa sưởi ấm và bắt đầu làm dấu hiệu bằng khói từng chập một (bằng dấu hiệu Morse). Thổi còi và chờ đoàn tìm kiếm sắp đến và nhớ : bình tĩnh.
 
Ở khu đất trại có chỗ bơi lội cho trại sinh rất tốt. Nhưng không để trại sinh bơi một mình. Đừng lặn chỗ nước lạ. Đừng bơi sau bữa ăn. Nếu trại sinh học chèo thuyền thì hãy nhớ nếu thuyền lật, đừng bỏ thuyền để bơi vào bờ, tốt hơn nên bám vào thuyền chờ người ra cứu.
 
Trại sinh luôn luôn cẩn thận và tuân theo kỷ luật trại để đem an toàn cho bản thân.
 
 
SINH HOẠT TRẠI :
 
Đi dự trại không phải chỉ nhằm ăn, ngủ mà nhằm phát triển tài năng, tài ứng biến, tìm hiểu thiên nhiên và sống cộng đồng. Sinh hoạt trại rất quan trọng và tùy thuộc mục đích của trại : trại của người đi du khảo, trại của người leo núi, trại của gia đình hay trại của đoàn thể thanh thiếu niên, của học đường. Nhưng, một cách tổng quát trại được tổ chức để trại sinh học hỏi và trắc nghiệm những hiểu biết đã thu thập được ở học đường hay đoàn thể. Để thích hợp, giả sử sinh hoạt nói ở đây là sinh hoạt của một đoàn thể thanh thiếu niên. GĐTN chẳng hạn. Người thiết lập chương trình phải chú ý đến yếu tố nói trên là giờ sinh hoạt chỉ nhằm ôn lại và khảo sát sự thu thập của trại sinh những kiến thức được trình bày ở những buổi sinh hoạt trước. Đừng bao giờ dạy bài ca mới, trò chơi mới, bài học tập mới ở các kỳ trại. Trại sinh sẽ hấp thụ thêm lối sống giữa thiên nhiên ở những kỳ trại mà thôi. Những điều mới lạ trong lối sống mới làm trại sinh bối rối rất nhiều, đừng bắt họ đa mang thêm nhiều rắc rối khác.
 
Chương trình sinh hoạt phải có đủ loại từ trò chơi cần cố gắng của trại sinh cho tới sinh hoạt yên lặng, nhẹ nhàng. Những môn thể thao, giải trí lành mạnh cũng nên sắp vào chương trình. Ngoài ra cũng nên tổ chức những giờ đi dạo, ngoạn cảnh, tìm hiểu đời sống thiên nhiên. Khi di chuyển phải đi theo hàng một và cẩn thận. Thường trong mỗi kỳ trại, một trò chơi lớn được mọi trại sinh chú ý. Trò chơi lớn đòi hỏi tinh thần tháo vát, mọi khả năng của mọi trại sinh. Trong trò chơi lớn, trại sinh phải hiểu biết về mật mã, dấu đường, dấu vết để lại... phải tỏ ra nhanh nhẹn tháo vát. Tóm lại, trước khi tham dự trại, trại sinh phải thu thập một cách khá đầy đủ những kiến thức được trình bày từ trước.
 
Một yếu tố đóng góp vào sự thành công của trại là tinh thần cộng tác và sự hiểu biết giữa ban quản trại và các trại sinh. Ban quản trại phải hoạch định thật rõ ràng chương trình của trại từ giờ lên đường cho tới lúc trở về. Không thể bảo rằng ban quản trại sẽ tùy cơ ứng biến để tạo bất ngờ cho trại! Chính trại sẽ gây ra rất nhiều bất ngờ mà ban quản trại phải ứng phó rất chật vật, đôi khi đem tới sự đổ vỡ cuộc cắm trại. Đừng tự mình gây thêm sự thất bại cho mình. Hơn nữa, nếu không hoạch định sẵn một chương trình minh bạch được sự đồng ý của toàn thể ban quản trại, các nhân viên trong ban quản trại sẽ vô tình chống đối nhau, không có sự thống nhất cần thiết. Ông nói gà, bà nói vịt. Trại sinh không biết nghe ai đây và sẽ không thèm nghe lời ai cả!
 
Ban quản trại cần trình bày rõ đất đai, lộ trình, mục đích trại, tài chánh, chương trình sinh hoạt... Ban quản trại phải thiết lập danh sách vật dụng cần thiết và phân chia cho mỗi đội, mỗi trại sinh thi hành một cách công bằng. Ban quản trại phải trình bày rõ ràng kỷ luật trại và thi hành thật chu đáo. Đừng để cho trại sinh có những hành động như ngắt hoa, bẻ trái, đi la cà các hàng quán ăn uống bừa bãi, tự ý xông vào những chỗ có bảng cấm hoặc chỗ nguy hiểm, rời đất trại một mình không thông báo... Ban quản trại phải trừng phạt và khen thưởng ngay lúc xảy ra nhưng nhớ đừng chạm vào tự ái của các trại sinh, nghĩa là khi trừng phạt nên nói chuyện ôn hòa cho trại sinh biết lỗi lầm của mình và khuyên bảo hãy ý thức về hành vi của mình (nếu cần đừng trừng phạt trước mặt đám đông). Con người ai cũng có tự ái, chỉ có thú vật, thần thánh mới không có hay dẹp bỏ được lòng tự ái mà con người không là thú vật cũng chẳng phải là thần thánh, con người là con người. Ban quản trại đừng bao giờ áp dụng kỷ luật khắt khe quá, hãy chú trọng đến kỷ luật tự giác. Một khi trại sinh ý thức được hành vi của mình ảnh hưởng đến an ninh chung và sự thành công của trại thì trại sinh sẽ tự khép mình vào kỷ luật. Nhiệm vụ của ban quản trại là ăn nói làm sao, hành động làm sao cho trại sinh ý thức chớ đừng bó buộc.
 
Đối với trại sinh cũng vậy. Trại sinh có bổn phận hiểu biết tường tận về đất trại, lộ trình... nếu có thắc mắc hay ý kiến cần trình bày thẳng thắn cho ban quản trại. Hãy luôn luôn nhớ rằng không có chương trình nào, ý kiến nào hoàn toàn cả. Dù đó là ý kiến của người giỏi hơn mình. Trại sinh phải tuân theo kỷ luật trại, đừng tự do hành động quá trớn. Trại sinh phải biết sử dụng quyền tự do của mình đúng lúc, đúng chỗ.
 
Một khi đã bằng lòng tham dự trại thì trại sinh phải thi hành kỷ luật trại. Đừng lấy tự do hành động chống đối tự do lựa chọn. Trại sinh phải nhớ rằng kỷ luật trại đặt ra nhằm giữ an ninh chung của trại, trong đó có trại sinh, và đem đến sự thành công của trại. Trại sinh phải luôn luôn ý thức về hành vi của mình trong đoàn thể.
 
Cắm trại là một sinh hoạt rất thích hợp cho thanh thiếu niên. Đó là một vinh dự của những người thích đời sống tập thể, mến cảnh vật thiên nhiên. Thiên nhiên dành cho mọi người. Trại sinh phải bảo vệ và giữ gìn thiên nhiên luôn được sạch sẽ và tươi tốt. Hãy cẩn thận với lửa. Hãy dọn dẹp sạch sẽ đất trại trước khi rời đi. Hãy chắc chắn mọi lỗ hang đều được san phẳng. Đừng lưu lại một dấu vết gì, một vật gì. Trại sinh chỉ gửi lại lời cám ơn chủ đất và sự cảm mến trong lòng mọi người. Một ngày nào đó trại sinh sẽ tham dự được một cuộc cắm trại khác lớn hơn, thích thú hơn và càng ngày càng vui thích đời sống ở trại.
 
 
PHAN BÁ       
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 99, ra ngày 22-7-1973)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>