1. - Thuở xưa ở trong một khu rừng nọ có một chàng thanh niên sống về nghề săn thú. Anh ta rất láu lỉnh, thông minh và gan dạ. Nhiều người cho rằng chính vì có những cá tính đó mà anh ta đã chọn nghề săn thú làm nghề sinh nhai độ nhật. Anh ta bắn rất giỏi. Có thể nói là trong trăm phát tên được bắn ra, đã có tới chín mươi chín phát trúng đích. Thế nhưng tài năng nhiều, tai họa lớn - Chẳng bao lâu khu rừng anh ta cư ngụ hết nhẵn cả mồi. Mà nhẵn cả mồi thì chỉ có nước chết đói. Điều này bắt buộc anh chàng thiện xạ phải khăn gói lên vai di cư đến một khu rừng khác ở chân ngọn núi gần đấy. Ngọn núi này từ lâu vẫn vắng dấu chân người vì là nơi định cư của hai ông thần tai to mặt lớn.
Hai ông thần này là hai vị rất "hẩu xực" các món thịt. Nhất là các món xào, chiên, lăn, nướng, thui thì, ôi thôi! Khỏi chê, các vị là những mạng sành sỏi hơn ai hết. Giả thử mà hai ông cụ còn sống đến bây giờ thì chắc chắn là tất cả cả bợm nhậu nổi danh trên quả đất nhỏ bé này sẽ phải nằm bò xuống đất mà tôn hai cụ làm sư tổ. Khỏi phải nói, chúng ta cũng có thể tưởng tượng được là hai cụ đã tích trữ số thú vật nhiều đến thế nào. Cái đám loài vật đó hai cụ dồn vào khu rừng ở chân ngọn núi, mặc kệ chúng sinh sống với nhau. Ngày hai bữa, các cụ vác dây, vác ná xuống rừng, thộp cổ vài con về làm đồ nhậu.
2. - Không may cho hai cụ là anh chàng thợ săn lại nhè khu rừng đó mà cất chòi để ở. Và bao nhiêu "gia súc" của hai cụ anh ta lần lượt chộp gáy, mang ra chợ bán. Hai cụ dĩ nhiên không thể ngồi như phỗng đá mà chứng kiến được. Hai cụ bèn bàn kế. Kế của hai cụ rất (xin lỗi các bồ tèo) là "cù lần" nhưng lại đắc dụng đáo để : hai cụ đào một cái hố thật sâu, bên trên che kín. Anh chàng thợ săn cứ nghênh ngang đi bừa, a lê hấp! Thế là lộn tùng phèo xuống. Hố đã sâu lại hẹp, bay từ trên miệng hố xuống đáy là chỉ còn có nước nằm thẳng cẳng ra mà bất tỉnh nhân sự. Hai cụ thần lúc ấy chỉ việc ung dung mà thòng móc, lôi chàng ta lên, trói gô lại, khênh về núi trị tội.
Anh thợ săn vừa tỉnh dậy là đã bị hai cụ mắng như tát nước vào mặt. Chán chê rồi, hai cụ mới họp "Tòa án quân sự" để xử vụ "vi phạm gia cư và chiếm đoạt gia súc" của anh chàng thợ săn láu cá. Dĩ nhiên các cụ thủ vai chánh án, kiêm biện lý, kiêm nhân chứng, kiêm trạng sư biện hộ. Vừa nhậu nhẹt vừa họp án, cuối cùng hai cụ tuyên bố: "Nay xét lý do này... lý do nọ... xét vì duyên cớ này... duyên cớ nọ... Tòa tuyên án "tử hình rô-ti" tên thợ săn bị cáo để đền mạng cho những thú vật bị hắn thịt (và nhân để cung cấp thêm món nhắm cho hai cụ đương lúc trà dư tửu hậu).
3. - "Tòa" vừa giải tán, án lệnh lập tức được thi hành. Bây giờ hai cụ kiêm chức đao phủ, trói gô chàng thợ săn lại và sửa soạn chất thêm củi lửa để "quay" bị cáo. Anh thợ săn chảy mồ hôi như tắm, nghĩ thầm: "Trong vòng mười giây nữa, nếu cái bộ óc láu tôm láu tép của mình không nẩy ra được mẹo gì để đánh lừa hai lão thì chỉ còn cách đi tàu suốt xuống... âm phủ..." Và anh ta lấy làm kỳ lạ khi thấy bộ óc mình bỗng dưng đờ ra như xe máy hết xăng. Thì ra vì cuống quá mà một tay lém lỉnh như anh cũng đành bó... chân chịu chết.
Thình lình anh thợ săn bỗng phát lên cười, cười "nức nở", cười bò ra đất, cười lăn lộn, cười như sắp đứt ruột. Càng cười, anh ta càng hứng, càng há to miệng ra mà cười nghiêng ngửa.
Hai cụ già ngạc nhiên, lúc đầu còn đứng yên, sau một cụ sốt ruột quá, thét ầm lên: "Thằng khỉ khô kia, sao mày cười?" Anh thợ săn không thèm trả lời, cứ tiếp tục mà cười... cười mãi.
Cụ kia cáu tiết, xách cổ anh dí vào ngọn lửa đỏ hừng hực, miệng cật vấn: "Mày còn cười nữa không? Tao cho mày cười nữa nhé?" Vậy mà anh thợ săn, vẫn cứ dẫy dụa cười mới tức chứ. Cụ thần đành đấu dịu, đặt anh ta xuống đất, cởi trói chân cho anh ta và hỏi: "Làm sao mà chú cười dữ vậy?" Chàng thơ săn đủng đỉnh trả lời: "Ấy là vì lúc sắp chết, tôi sực nhớ đến cái chỗ "Hố cười" của tôi nên tôi không thể nào nhịn được.
4. - Hai cụ nghe nói, nổi tính tò mò, bèn muốn đi xem thử coi cái "Hố cười" nó ra "nàm thao", sau đó có chọc tiết anh thợ săn cũng chưa chậm. Nghĩ là làm, hai cụ đẩy anh thợ săn ra ngoài hang và bảo: "Dẫn tụi tao đến cái Hố cười của chú, bằng không tụi tao xẻo thịt chú mày ra từng mảnh" Chàng thợ săn mừng húm, vội vã dẫn hai cụ xuống núi, đi vào rừng. Quanh co một lúc, anh ta đến trước một bộng cây lớn, chân dừng lại, tay anh chỉ vào đó và vừa cười vừa nói: "Thưa hai cụ, cái Hố cười của cháu đí ạ". Hai cụ thần giương mắt nhìn nhau nói nhỏ: Chẳng có gì đáng cười cả, hay là nó xí gạt mình? Anh thơ săn biết ý nói thêm: xin hai cụ chui đầu vào trong bộng cây mới thấy rõ. Cam đoan phần đầu là hai cụ sẽ cười ra nước mắt!
Hai cụ chưa nghe dứt lời đã vội vàng nhảy xổ tới, tranh nhau chui đầu vào trước. Hai cái đầu vừa thọc vào một lúc bỗng la oai oái và thụt ra nhanh như chớp. Rồi cứ thế hai cụ bưng đầu mà chạy. Đàng sau, một bầy ong ùn ùn rượt theo sát nút. Chúng túa ra từ bộng cây và nhào đến cắn xé hai cụ thần ngốc nghếch. Hai cụ vắt giò lên cổ mà chạy. Chạy bở hơi tai mới đến bờ ao, cả hai nhảy ùm xuống lặn miết chẳng dám ngóc đầu lên nữa.
Trên bờ, anh chàng thợ săn láu cá cười rung cả mặt nước: "Hai cụ ơi, hai cụ đã tin lời cháu chưa. Cháu có nói sai đâu? Đúng là cười ra nước mắt mà lỵ?" Rồi anh ta hóm hỉnh tiếp: "Cái hố cười ấy của cháu chứ có phải của hai cụ đâu mà hòng xem hở? Tuy thế, cháu cũng lấy làm ân hận lắm lắm..."
Hai cụ thần trong lúc cuống cuồng, quên bẵng hết cả pháp luật, bây giờ chỉ còn có nước lõm bõm dưới nước mà la hét om sòm!
HOÀNH SƠN
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 35, ra ngày 25-11-1965)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.