Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

Chắp Cánh Bay Xa

 
Thi ngồi bên khung cửa. Bên ngoài trời đang mưa. Mưa đủ lớn để đan thành một tấm màn nước trắng xóa. Những chiếc lá dừa đong đưa theo chiều gió. Con đường trước mặt đầy những ổ gà giờ biến thành những chậu nước con con. Một con chim đang tung cánh bay giữa bầu trời. Chim cô đơn quá! Thi thấy thương lạ lùng khi nhìn chim lạc lõng bay về cuối chân trời với sự khó khăn vì lạnh. Một thoáng muộn phiền nào vương trong mắt khi Thi nhớ đến Thầy Hiền. Thầy dạy Thi năm đệ lục. Có một điểm mà Thi đặc biệt chú ý đến Thầy là Thầy giống ba Thi. Với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu và nụ cười bao dung nở trên đôi môi, Thi đã lầm tưởng Thầy là Ba trong ngày đầu niên khóa ấy.

Dạo đó, Ba Thi đi lính ở xa. Thi nhớ thương Ba ghê lắm. Rồi trong năm học ấy, Thầy Hiền đã dạy lớp Thi môn Quốc văn, đồng thời Thầy cũng là giáo sư hướng dẫn. Trong buổi đầu, Thi nhìn Thầy thật lâu. Trời ơi! Thầy giống Ba Thi quá! Khuôn mặt xương xương với thân hình ốm ốm của Thầy chính là của Ba Thi đây mà.

Tình thương Thi dành cho thầy bằng tình thương Thi dành cho Ba. Vì Ba là thầy. Thi nghĩ thế. Thi thấy rằng mình cần cố gắng hơn lên. Những bài Việt văn thầy cho, Thi đều làm đầy đủ hoặc học thuộc làu. Trong lớp, Thi chăm chú nghe lời thầy giảng. Thi được thầy thương mến vì đã luôn đứng nhất trong lớp về môn Việt văn. Thầy thường khen Thi có khiếu về văn chương. Thi thấy sung sướng và hãnh diện giữa những cặp mắt đầy mến phục và ước ao của bạn bè. Thi nhớ mãi buổi tối ở xóm lao động nghèo nàn. Thi ngồi học bài dưới ánh sáng lù mù của ngọn đèn dầu. Thầy đến nhà Thi để lấy những tấm thành tích biểu mà thầy đã nhờ Thi cộng điểm dùm. Thầy nói chuyện với má Thi. Thầy thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình Thi khi ba Thi đi lính thật xa và má thi phải chật vật nuôi đàn con bốn đứa. Những cuốn sách giáo khoa hoặc những món quà mà Thi lãnh mỗi cuối tháng là phần thưởng cho học sinh xuất sắc mà thầy đã nghĩ ra để giúp đỡ cho gia đình Thi một phần nào.

Khoảng trống của tâm hồn Thi vì thiếu vắng ba đã được thầy Hiền che lấp. Nỗi nhọc nhằn của mẹ vơi đi một phần nào đó là dịp để Thi kính mến thầy thêm. Thi yêu quí, tưng tiu những món quà thầy thưởng. Niềm ước ao của những đứa bạn là lý do để Thi cố gắng hơn lên nữa. Phần thưởng hạng nhất đã vào tay Thi cuối niên khóa ấy. Thi nhớ mãi nét chữ thẳng đứng và ốm của thầy trên tấm giấy đặt trong gói phần thưởng mà thầy gởi cho má. Thầy khen Thi học giỏi và hy vọng Thi sẽ được học lên cao.

Rồi trong niên khóa kế tiếp, thầy không còn dạy Thi nữa. Nhưng Thi vẫn thường tới lui thăm viếng thầy nơi căn gác nhà trọ. Thi nghe có một vài thằng bạn nói rằng thầy bị ho lao. Thi không tin. Thi thấy thầy vẫn như thường, chỉ có ốm và mét. Nhưng sau một năm trời thì Thi thấy có lẽ những lời nói của bạn là đúng. Những cơn ho của thầy cứ vẳng bên tai Thi mỗi khi Thi bước xuống thang gác nhà trọ của thầy. Nhưng không biết có phải vì thương thầy hay không mà Thi thường cãi với bạn bè trong những lúc nói chuyện về thầy. Đâu phải cứ ho một vài tiếng là đã ho lao. Thi nghĩ thế và thầm mong cho thầy không mắc phải chứng bệnh nan y.

Thầy thường nghỉ dạy năm, mười ngày. Kỳ nghỉ hè năm đó, có một lần Thi đến nhà thầy, thầy tiếp một cách miễn cưỡng. Thầy đã nói một câu làm Thi đau lòng. "Em đi về giúp má, lo cho các em đi. Thầy mệt". Thầy ho trong khăn "mu soa". Thi tức tối. Thi thấy như thầy hất hủi Thi. Thi tưởng như thầy không còn thương Thi nữa. Thi cố tìm nhưng không sao tìm thấy được mình đã làm điều gì khiến thầy phật lòng. Thi lí nhí chào thầy rồi bước xuống cầu thang gác với một nỗi buồn.

Sau một khoảng thơi gian hơi lâu, đâu chừng hơn một tháng, Thi có dịp ghé lại thăm thầy. Thi đến căn gác trọ vào một buổi chiều. Bà chủ nhà cho Thi biết rằng thầy Hiền đã đi nơi khác được hơn nửa tháng rồi. Bà chủ nhà có đưa cho Thi một tấm giấy của thầy Hiền gởi. Thi ngạc nhiên, đứng sững sờ. Sau phút giây lặng lẽ, Thi mở mảnh giấy thầy Hiền để lại. Không như hôm nào, nét chữ thầy run rẩy, nghiêng nghiêng. Đúng như điều những đứa bạn đã nói với Thi, thầy mắc bịnh ho lao. Không muốn Thi phải bị lây bịnh, bị vi trùng đục khoét mà thầy phải ra đi. Thi nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng. Thầy cao thượng quá, thầy ơi! Con không bao giờ quên được thầy cũng như thầy luôn luôn nhớ đến con. Con sẽ cố gắng học hành để thầy được vui lòng. Thi nức nở khóc. Căn gác nhỏ thầy trú ngụ ngày nào vẫn còn đó mà thầy giờ đã bặt tăm. Không ai biết thầy giờ ở nơi đâu. Mọi người xung quanh đều thờ ơ với thầy vì họ sợ mắc phải chứng bịnh hiểm nghèo. Nhưng thầy đâu còn ở đây nữa để mà gieo rắc vi trùng. Thi đứng lặng người trước ngôi nhà trọ. Căn gác nhỏ chứa đầy kỷ niệm của hai thầy trò đã được quét tước thật sạch sẽ để làm nơi trú ngụ của một người khác. Thay đổi nhiều nhưng Thi vẫn thấy cũng như ngày hôm nào. Cái bàn viết, cái "đi-văng", cái tủ nhỏ với một vài thứ vặt vãnh khác của thầy lần lượt được vẽ ra trong trí Thi. Thi không hiểu giờ đây thầy ở nơi nào. Thi thất thểu bước mà nghe xót xa trong lòng...

Ngoài kia trời vẫn mưa. Thi bước đến ngăn đựng sách, lấy một cuốn và lật ra trang đầu. Nét chữ thẳng và ốm của thầy đề tặng Thi hiện ra trước mắt. Thi xếp sách lại. Đến một cuốn khác, cũng nét chữ đó, ngoan hiền và lặng lẽ đứng bên nhau. Ba năm rồi mà Thi tưởng như mới hôm qua. Nét mặt hiền từ của thầy với thân hình ốm và cao đã được Thi vẽ ra qua ba mỗi khi về phép thăm gia đình. Như con chim cô đơn, thầy đã tung cánh bay đi rồi, xa Thi mãi mãi, không hẹn ngày trở lại. Thầy chấp nhận một cuộc sống lẻ loi ở một nơi nào đó vì thầy không muốn làm khổ Thi, đứa học trò thân yêu của thầy.

Thầy ra đi để lại bao niềm thương tiếc trong lòng Thi. Những lời khen tặng của thầy hôm nào vẫn còn văng vẳng bên tai. Thi muốn tìm lại những phút giây êm đềm xa xưa ấy. Đẹp và buồn như một chiều mưa. Ước mong tha thiết nhất của Thi hiện tại là làm sao thầy vẫn còn sống. Thầy được hít không khí trong lành, còn hiện diện trên quả đất này và đừng bao giờ yên nghỉ nơi nghĩa trang buồn. Nhưng sao Thi nghe như niềm mong ước mỗi ngày một bay xa, xa dần rồi chỉ còn là một chiếc bóng mờ.


(Trao về Lâm Hoàng Tùng)   
Phương Linh Tuấn        
(Phan Thiết)            

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 57, ra ngày 24-9-1972)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>