Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Tình Nghèo


- Ê nhỏ, dang ra cho người ta buôn bán nữa chứ!
 
Lọ giật mình, quay lại cười lỏn lẻn, rồi kéo chiếc giỏ đứng xích ra khỏi gian hàng bà bán cá khó tính. Nó quay lại trông chừng bà Tám đang kỳ kèo trả giá với mấy con bé ôm thùng rau muống rồi thằng bé yên tâm quay đi. Cứ mỗi lần đi chợ là y như Lọ được dịp cho mấy bà bán hàng mắng mỏ vì cái tật “đứng ngó mông”, quên cả chỗ đứng là đường đi hay trước hàng cá hàng thịt đắt khách. Mà kể cũng tội cho thằng bé, hai ba tháng mới được dịp đi chợ một lần bảo sao không khoái được kia chứ. Lọ nhìn lấy nhìn để từ bà bán giá liền tay sàng từ bụm giá to để tách chúng khỏi mảnh đậu xanh đen bẩn rồi cho lên đĩa cân, cột gói, trao cho khách, trong lúc cái miệng không ngưng nói giá, rao hàng ; từ hàng bán chuối xanh, vàng những nải nằm phơi mình dưới ánh nắng xế trưa chờ sự lựa chọn, trả giá mắc rẻ của khách cho đến hàng vải, tiếng xé hàng dòn dã, và hàng khoai, tiếng xủng xoẻng của cân, tiếng mấy đồng chì reo trong lòng tay, túi áo bà chủ hàng nghe đến mê và biết bao nhiêu là cách buôn bán trong ngôi chợ ồn ào ban sáng nữa, nếu Lọ có dịp vào hút trong kia, trong cái lối đi nhỏ hẹp mà hàng quán tặn tiện chừa ra, nếu Lọ có dịp tò mò tìm hiểu làm sao mấy bà chủ sạp gánh, chịu nổi con đường nhơ nhớp sình lầy mà điềm nhiên buôn bán và nhất là… nếu không có tiếng gọi thằng ở oang oang của bà Tám:
 
- Lọ, đem giỏ lại đây ; đứng ngó gì đâu vậy…
 
À, bà chủ trả giá xong rồi đây, Lọ nặng nề lê chiếc giỏ đi, không quên ném chung quanh cái nhìn luyến tiếc như nói với mọi người, mọi vật: Biết bao giờ mới được đi nữa đây. Và phiền cái là gọi tiếng đi chợ cho xôm chứ có bao giờ bà Tám mua trên hai món rau muống, mắm nêm đâu, đôi khi chỉ mua bó rau thôi nữa chứ. Mắm nêm là cả một xa xỉ phẩm đối với gia đình tám đứa con nheo nhóc như bà Tám. Thâm tâm thằng bé thật không muốn về nhưng óc nó lại cố tưởng tượng con đường sẽ quay trở ra, sẽ về. Lọ thở dài, tiếng thở dài nặng chình chịch. Tiếng bà Tám vang ra, phía sau. Lọ đang chậm chạp đạp lên dấu chân thoăn thoắt in xuống lớp sình lẫn đất của bà.
 
- Còn phải ghé qua hàng thịt nữa…
 
Óc Lọ thành hình một dấu hỏi thật nhanh. Nó cố giấu rồi không nén được, bật ra nụ cười tủm tỉm. A, hôm nay bà Tám phát tài. Cái câu thật dễ dàng để nói mà cũng thật khéo ở chỗ vừa dùng để hỏi tại sao một cách ý nhị, để người được hỏi trả lời với nụ cười. Nhưng Lọ chỉ nghĩ đến thôi chứ chả hỏi làm gì, khi nó là người biết rõ nhất. Biết rằng gánh bắp xôi hôm nay của bà đắt khách. Biết rằng bà quẩy về sớm hơn mọi khi và biết rằng đây là điều quan trọng, bà có lời nhiều hơn mọi hôm khi chịu khó nhớ tới món tiền quà vặt để phân phát mấy đứa lớn: thằng Chánh, con Phấn và dấm dúi một hai mẩu bánh cho con Út, đứa bé nhất. Riêng Lọ thì có cái vinh hạnh xách giỏ theo bà đi chợ, vinh hạnh xách về nhà một món xa xỉ gấp ngàn lần món mắm nêm: món thịt bò.
 
A, thịt bò xào rau muống ngon phải biết. Lọ nhủ thầm mặc dù nó chưa một lần được thò đũa vào một đĩa thịt bò xào rau muống tươm tất còn phà khói thơm nghi ngút, chưa một lần biết miếng thịt bò nằm trong miệng con Phấn ngon ngọt đến đâu, khoái khẩu thế nào để con bé vừa ăn vừa xuýt xoa. Mà đến phần Lọ, khá lắm là còn thứ nước rau muống nâu đục với một vài cọng rau dật dờ giữa những hạt tương đỏ sậm. Vậy mà cũng được đi, Lọ nhủ vậy vì nhớ tới một hai hôm nào tới phiên Lọ thì hết cơm ăn, thằng bé phải vác chén đi xin mấy mẩu cơm cháy của thím Ba bên cạnh và ánh mắt thương hại của bà Tám nhìn nó đùa thứ cơm cháy khét đen vào miệng với câu nói dịu dàng hẳn ra:
 
- Thôi, để bữa khác ăn bù.
 
Lẫn tiếng cười khoái trá, độc ác của thằng Chánh:
 
- Làm cái gì như ma ăn đất vậy mậy?
 
Lọ thoáng rùng mình. Không lần nào làm Lọ nhớ bằng bữa ăn thứ cơm quá khét như vậy, nó đăng đắng, dính khắng vào kẽ răng át hẳn mùi nước rau muống thơm tho. Thà nhịn thì thôi, chứ nhất định Lọ chẳng bao giờ lại ăn thứ cơm như vậy, chỉ tổ lủng dạ dày, Lọ còn nghe nó cào ran rát cổ kia mà.
 
Mang nỗi hân hoan của kẻ thoát khỏi một cực hình, bận về, với giỏ rau muống đầy ắp, chễm chệ gói mắm, gói thịt bò nhẹ đi trong tay, thằng bé thôi không tò mò nhìn ngắm cảnh chợ ồn ào, náo nhiệt chung quanh mà quay ra mơ mộng bay bổng về món rau xào thịt bò, món ăn chính của bữa cơm trưa.
 
*
 
Thằng lọ ngồi xổm trên chiếc sân xi măng ướt những nước, tay nó mân mê mấy lá rau muống non xanh mịn, cột gọn gàng từng bó nằm mát lặng trong thau, dưới làn nước trong veo. Nghĩ mà phục mấy bà bán rau muống sát đất, làm thế nào để bó nào cũng to, mà to bằng nhau kìa, lại vừa đủ mấy cọng rau non chòi ra ngoài cứ như rau mới cắt lên không bằng… Ừ mà dù có cắt lên từ đời nào đi nữa thì chính Lọ cũng phải biến chế sao cho nó ngon lành bằng mọi cách, chẻ ra, xào nấu, thêm gia thêm vị như bây giờ chả hạn. Lọ loay hoay tháo sợi dây lạt cột quanh nó, với chiếc dao bén trong tay, nó khéo léo chẻ dọc từng cọng thành ba, bốn cọng nhỏ. Tiếng dao đi suốt từ gốc tới ngọn rau muống ngọt lịm và cái đầu rau mảnh quá nên cong xoắn lại làm thằng bé khoái trá. Có lúc nó tự hỏi tại sao có những người không thích việc bếp núc trong lúc những công việc đó mang lại cho nó những nỗi vui thế nầy…
 
- Thôi mà, nín đi chứ, khóc hoài…
 
Tiếng bà Tám dỗ đứa con út trong nhà pha lẫn vẻ cáu kỉnh làm Lọ bừng tỉnh mọi ý nghĩ trong đầu. Chắc con bé vòi quà chứ gì, phải cái tật khóc nhề nhệ mà gặp người nóng tính như bà Tám thì nhõng nhẽo chừng năm, ba câu là bà gắt lên ngay, và quả vậy:
 
- Chánh, ẵm em ra trước chơi, khóc kiểu nầy làm ăn sao “ngóc đầu” lên nổi?
 
Lọ ngoái đầu nhìn, con Út nín khóc nhưng nước mắt nước mũi tèm lem, theo anh ra trước sân. Hai cái chân bé xíu, cong cong đi lẫm đẫm thấy mà thương. Tiếng bà Tám quát tháo đàn con còn lại:
 
- Còn con Phấn, thằng Tú, thằng Bằng đi ra luôn, hễ thấy đi chợ về là bu lại, hổng biết kiếm cái gì nữa.
 
Bà dằn mạnh gói đậu xanh xuống ván, lên giọng đe:
 
- Có “ông già” tụi bây cho tụi bây bu, nghe!!
 
Bọn trẻ tản đi dần, Lọ vội vàng cúi xuống thau rau muống. Đứa nào khôn lúc nầy đừng cục cựa. Bà Tám vẫn hay có lối “mắng dây chuyền”. Con ruột bà còn xắng xả như vậy huống hồ người ở như Lọ. Nhưng thằng bé thoáng lạnh người đi, hình như bà Tám đứng chống nạnh nơi cửa sau. Lọ có thể tưởng tượng ra khuôn mặt đỏ rực giận dữ của bà:
 
- Còn cái thằng đó, liệu mà “ghì đầu” vào mấy bó rau muống tới chiều luôn đi, mướn thằng nầy “nghèo mạt rệp” mà…
 
Nghỉ giây lâu, bà lại tiếp, lần nầy là cái lệnh:
 
- Bỏ đó đi, để tao làm, mầy vô lấy cái cân với gói đậu trên ván ra đây ; nhớ lấy luôn gói đường ở tầng dưới tủ lưới nữa, nghe không!
 
Lọ dạ ngoan, nó vừa lanh lẹ vừa trịnh trọng  lễ mễ bê ra các thứ bà Tám cần dùng. Lần nầy bà trao cho nó một cái thau to:
 
- Vô nhà đổ hai phần ba gói nếp ở góc ván vào đây.
 
Lọ hỏi lại cho kỹ:
 
- Dạ phải cái gói kế bên bao gạo không bà?
 
- Ừ, nhớ là hai phần ba thôi nghe chưa, đổ hết đi…
 
- Dạ.
 
Thằng bé lẩn vào trong, lần nầy thật là lâu mới thấy đầu nó ló ra sau, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt. Với cái thau to trì xuống đôi tay gầy đen, rung rung, nó giống như con kiến tha mẩu đường gấp ba nó. Vậy mà miệng nó lại toe toét cười khi đặt thau xuống cạnh bà Tám:
 
- Nặng quá, bà.
 
Bà Tám không trả lời. Nghĩ rằng bà chủ đã nguôi ngoai cơn giận, Lọ tiếp tục gợi chuyện:
 
- Bộ bữa nay bà nấu xôi đậu xanh hả bà?
 
Câu trả lời từ miệng bà Tám làm thằng bé chưng hửng:
 
- Chứ hổng lẽ nấu má mầy?
 
Mặt Lọ đỏ lên, lần nầy thì Lọ tức mình thiệt. Nói Lọ cái gì Lọ cũng chịu được chứ động tới ba, má Lọ nhất định Lọ ăn thua đủ. Hôm bữa Lọ đã chẳng loi thằng sáu hết mấy loi tại nó nói má Lọ giống bà vãi đó sao. Má Lọ ở chùa, cạo đầu, ăn chay cho Lọ và thằng Tấm, em Lọ, được phước. Hôm bữa má Lọ xuống thăm Lọ, nó thấy rồi nó nhạo má Lọ. Chà, bây giờ mà nó ở đây Lọ dám tặng thêm nó mấy quả nữa à. Nhưng bây giờ lại là bà chủ, má Lọ còn nể nang huống nữa là Lọ. Nhưng Lọ cũng còn nghe tức mình sao đâu á.
 
Thằng bé lùi lũi vào trong, bà Tám gọi lại:
 
- Vô dọn dẹp cái ván cho sạch đi, mắm nêm mắm ruốc rau muống bừa bãi ra đấy. Làm ơn lẹ lên một chút, ra lựa nếp nghe không?
 
Tiếng dạ của Lọ trầm đi. Nó vơ vội gói mắm cho vào chén cất trong tủ. Còn lại mấy bao giấy đựng đường, đựng đậu, mấy bao ni lông với mấy cọng rau vung vãi trên ván nó kê thùng rác cho vào một lượt. Lần nầy thì lau ván kỹ lại bằng nùi lau nữa là sạch trơn. Vừa lau thằng bé vừa nhón lên nhìn cái đồng hồ chạy rè rè trên đầu tủ lưới thầm mong cho tới 11 giờ rưỡi. Cây kim dài chỉ hơi trệch qua khỏi số năm. Lọ nhoài đầu nói to ra sau:
 
- Con đi đổ rác nghe bà.
 
Chỉ đợi bà Tám ừ là Lọ xách thùng rác nhào ra sân, dông thẳng ra đầu hẻm chờ. Cái thằng cũng lạ, hễ có chuyện gì buồn lòng là ngóng cái giờ đổ rác từng giây. Có lần bà Tám mắng nó: Phải chi đống rác gần đây tao đã chẳng cần đến mầy. Đi đâu là chết dí ở đó. Lọ cười, không nói. Nếu đống rác gần đây, Lọ đâu quen được với “ông già”. Cả xóm ai cũng gọi ông đổ rác như thế, có lẽ tại Lọ gọi đùa trước. Mà nào ông ta có già gì đâu. Khó mà đoán được tuổi ông dưới lớp áo đen bẩn lem luốc, dưới khuôn mặt cằn cỗi, khắc khổ. Cái da mặt rúm ró kia, chiếc mũi như nửa quả mận bẹp dí kia, đôi mắt đục khẳng lờ đờ với cặp môi méo mó không thành một nụ cười, hai bàn tay hằn những đường gân như những gốc cổ thụ bật rễ, lúc giơ lên sửa chiếc nón tây tươm vành rồi nặng nhọc lê chiếc xe đi nào có gì phải làm người ta chú ý, tò mò quan sát đâu.
 
Ấy thế mà Lọ lại chú ý. Từ ngày sở Vệ Sinh Đô Thành hăng hái dọn phăng đống rác bên kia đường lên xe rồi ném lên đấy một tấm bảng to” “Cấm đổ rác” với hai ba bác phú lít lảng vảng thì dân xóm lao động nầy đành bó tay. Mấy bác ấy tinh mắt lắm đấy, lại siêng năng lắm, ngày hay đêm gì cũng khó mà giở trò đổ bừa ra được. Và cũng từ đó xuất hiện một ông hốt rác. Với tiền công phải chăng, ông đến từng nhà, từng nhà, dọn từng thùng rác đổ vào xe, kéo đi.
 
Ông ta cũng chú ý tới Lọ. Tại vì đúng 11 giờ rưỡi là thằng bé có mặt ngoài ngõ để đổ rác, thật đúng giờ, ngày nào cũng như ngày nào. Chả là vì thằng bé ngại vị trí căn nhà nằm trong một cái ngõ cụt lại hẹp, ông ta cực nhọc xoay ra xoay vào chỉ để đổ một thùng rác thì thật là tội cho ông. Hôm giải thích tại sao Lọ lại chờ ông ngoài ngõ, ông già vỗ vai thằng bé, thân thiện:
 
- À thằng nầy tốt, tốt…
 
Lọ sướng run, trên đời nầy Lọ chỉ nghe má Lọ khen Lọ tốt thôi chứ có người lớn nào khen Lọ nữa đâu. Vậy mà ông già biết khen Lọ. Lọ nghĩ ông già cũng tốt. Ông ta có tốt mới biết được thế nào là tốt chứ. Lọ lý luận như vậy. Từ đó Lọ và ông già thân nhau. Có hôm Lọ còn chờ ông mút ở đầu xóm để đi theo ông nói chuyện. Lọ kể chuyện em Tấm của Lọ, má của Lọ mỗi lần Lọ về thăm nhà. Em Tấm của Lọ con trai mà hiền lắm cơ, hai anh em chơi “Úp lá khoai” mà hễ Lọ chỉ tay em “ngủ” thì thằng bé lăn xuống ngủ thật, hồi mới ngồi dậy chơi tiếp. Có lần Lọ đổi trò, chơi “tùm nụm, tùm nịu”, cái bài như sau “Tùm nụm, tùm nịu, tay tí tay tiên, đồng tiền chiếc đũa, hột lúa ba bông, ăn trộm ăn cắp trứng gà, bù xa bù xít, trái mít rụng đi”. Mấy bàn tay của hai anh em nắm lại chồng lên nhau, cứ mỗi chữ đi một bàn tay, tới hai chữ cuối lại nhằm tay Tấm, thằng bé ngơ ngác nhìn anh, chả biết làm thế nào để “rụng”, thì anh Lọ bày: anh ôm Tấm để trên ván rồi Tấm rụng xuống nha. Tấm ngây thơ gật đầu. Lọ ôm Tấm lên, nhưng đến lúc Tấm định nhảy xuống thì Lọ kéo Tấm lại, má Lọ với Lọ cười ngoặt ngoẽo.
 
Hôm nọ kể lại “ông già” cũng cười. Ông già khen hai anh em Lọ ngoan, ông hứa khi nào có đồ sẽ cho cả hai chơi. Rồi thôi, Lọ cũng chẳng nghĩ tới nữa, đúng hơn là không dám mong. Lọ vốn hay bị thất hứa. Bà Tám hứa Lọ làm giỏi sẽ trả tiền nhiều cho má Lọ mà chẳng bao giờ. Mà dầu ông già có cho đồ Lọ hay không thì ổng vẫn tốt. Tại vì ổng biết khen hai anh em Lọ. Ngoan, tốt, Lọ nghĩ rằng mình sẽ xứng đáng với những tiếng ấy.
 
Nhưng rồi ông già cho thật. Ổng cho Lọ cái quần tây kaki vàng, hơi cũ và rách một miếng dưới ống quần. Lọ vá lại thì hệt như cái quần mới. Lọ mừng quýnh chưa kịp cám ơn, thì hôm sau ông gởi cho em Tấm cái áo sọc xanh cũng cũ nhưng còn nguyên vẹn. Lọ đoán chừng của con ông bỏ ra rồi đem cho anh em Lọ. Nhưng khi Lọ nói với ông thì ông bật cười:
 
- Tao mà làm gì có con cái hả mậy? Một mình còn hổng đủ ăn đây…
 
A, ông ta sống một mình. Lọ vỡ lẽ, toan hỏi tiếp thì ông già chặn lại:
 
- Cái đó tao xin người ta quen cho tao đó mầy, cái thằng thiệt lôi thôi.
 
Lọ nhe răng cười:
 
- Dạ sao nó mới quá, đẹp quá… ông à…
 
Ông ta kéo xe đi:
 
- Vậy mà mới gì mậy, nhà giàu họ bỏ ra hằng tá áo quần như vậy kìa…
 
Chữ hàng tá làm Lọ xuýt xoa. Cái quần tây vàng hôm đó được Lọ vuốt thẳng thớm hai ba lần, gói bằng nhật trình để tuốt dưới đáy bao. Lọ có định bận đâu. Lọ tính đem về nhà để dành khi Tấm lớn sẽ cho nó mặc. Vài hôm sau khi Lọ đổ rác, ông già lại hỏi:
 
- Sao hổng mặc quần mới cho tao coi ra sao, mậy?
 
Lọ dộng mạnh thùng vào thành xe cho rơi hết rác, cười cả bằng mắt:
 
- Dạ con để dành cho em con, tội nghiệp nó…
 
Ông già cau mày tít lại rồi như không dằn được, ông ta cả cười:
 
- Trời đất, cái thằng thiệt… hết chỗ nói…
 
Rồi cố nín cười, ông ta quơ tay:
 
- Thôi mầy bận đi nhỏ. Mai mốt tao xin cho em mầy cái khác.
 
Và vừa cười ông ta tiếp tục kéo xe đi. Lọ cũng cười nhưng nó nhất định không nghe lời ông già, nó sẽ để dành cho em Tấm bận. Mình mà… cần gì. Lọ hay nói như vậy. Ông đổ rác thật là tốt, tốt hơn cả bà chủ của Lọ nữa kia. Nhiều lúc Lọ ngẫm nghĩ thấy mà thương ông già ghê vậy đó. Có một bữa tự nhiên ông nghỉ đổ rác, Lọ đâm ra nhớ mấy tiếng “thằng nầy”, “mậy” vô cùng, nhất là những lúc ông cười coi thật là hiền. Chẳng giống như tiếng “mậy” cộc lốc của bà Tám, thằng Chánh, thằng Sáu. Và mỗi lần ổng nghỉ như vậy là hình như Lọ có nhiều chuyện để nói hơn. Như hôm nay đây nầy, Lọ nóng lòng để kể cho ông nghe chuyện bữa cơm rau muống hôm nay có thêm miếng thịt bò, Lọ sẽ hỏi ông già có ăn thịt bò lần nào chưa và nếu có sẽ bắt ông tả nó ngon thế nào v.v…
 
À, chắc ông già đến rồi. Tiếng loạt xoạt bánh xe cây nghiến trên mặt đường, tiếng thùng đổ vào ồn ào, chẳng bao giờ Lọ lầm được. Lọ nghiêng đầu, miệng há to, hai cánh mũi phồng lên, lấy hết sức bình sinh hét một tiếng lớn:
 
- Ông già… à… à…
 
Ông già đang trả thùng cho mấy người đổ rác, nghe gọi ông giật mình quay lại mỉm cười:
 
- Gì mà kêu om sòm vậy mậy?
 
A, tiếng “mậy” thân thiết đây rồi. Lọ toét miệng ra cười rồi tay lủng lẳng chiếc thùng, nó chạy tất tả về phía ông già, trên mặt đường chơm chởm đá.
 
*
 
Bà Tám chống một tay vào hông, một tay xỉa xói cái thùng rác:
 
- Vậy chứ tao hỏi mầy, mầy hổng làm gì sao gói thịt biến mất?
 
Lọ xanh mặt:
 
- Dạ con đâu biết…
 
Thằng Chánh tách ra khỏi đám con bà Tám, lên giọng:
 
- Chứ hồi mầy xách giỏ về, còn gói thịt hôn?
 
Tiếng Lọ bình thĩnh ; thằng bé quay sang bà Tám:
 
- Thấy. Thưa bà con nhớ con để trên ván rồi mới đi lặt rau.
 
Bà Tám giận dữ hơn, đôi lông mày co cao như ngăn những giọt mồ hôi từ trán lăn xuống má, mắt:
 
- Tao muốn hỏi là hồi tao sai mầy đi lau ván kìa, mầy có thấy gói thịt bò không?
 
Lọ chắc chắn:
 
- Dạ không.
 
Mắt bà Tám trừng trừng:
 
- Thật không?
 
- Dạ thật.
 
Thằng Chánh độc ác:
 
- Hổng chừng nó giấu ở đâu để xào ăn một mình đó má.
 
Lọ tức lên:
 
- Cậu đừng nói vậy, tui nghèo chứ hổng thèm ăn của ai đâu!
 
Bà Tám tiếp tục cật vấn:
 
- Còn hồi bỏ vô thùng rác mầy có bỏ gói gì bao ny lông không?
 
Lần nầy Lọ run lên, nó nghe rõ những giọt mồ hôi tươm ra trên trán:
 
- Dạ… con nhớ, mà hình như bao ny lông không hà bà…
 
Lọ không muốn nhìn bà Tám lúc nầy, đôi mắt đỏ ngầu, cái miệng mở ra khép vào không ngừng, bà như con thú dữ mất mồi:
 
- Thôi rồi… thằng quỉ nầy hại tao mà… Chỉ có gói thịt bò bọc bao ny lông thôi, mầy nghe không? Trời ơi là trời…
 
Ngón tay bà quệt mạnh trên trán Lọ mai mỉa:
 
- Ờ, bao ny lông không, bao ny lông không của mầy là cả bữa ăn của người ta, mồ hôi nước mắt của chủ mầy, mầy nghe không? Nghe không? Thằng quỷ?
 
Lọ chết đứng một chỗ. Nó muốn khóc, muốn chảy nước mắt mà sao không khóc được, không chảy được. Bà Tám chỉ con Phấn:
 
- Ra kêu ba mầy ở chỗ sửa xe về đây, về coi thằng quỷ nầy nè!
 
Rồi bà quay vào đám con lố nhố đứng chung quanh, hai tay vung lên như phân bua:
 
- Tụi bây coi, đồ ăn của tụi bây nó bỏ thùng rác rồi đó. Cho nhịn ăn hết cả lũ mà…
 
Con Phấn lanh lẹ bước đi. Lọ sững người nhìn theo, lâu lắm thằng bé mới bật ra câu:
 
- Thưa bà để con đi kiếm ông đổ rác…
 
Rồi không đợi bà Tám ừ hử, nó cắm đầu chạy ra đầu ngõ như bị ai đuổi. Tới con đường lớn nó đứng lại nhìn hút hai dãy phố, nhìn từng chiếc xe, dõi theo từng bóng người. Lọ thầm mong, thầm mong có tiếng xe nghiến loạt xoạt trên mặt đường, tiếng thùng khua xủng xoảng vang dậy sau lưng, khi nó lủi thủi quay vào con đường, cái ngõ dẫn vào căn nhà thăm thẳm tối, khi cổ nó bắt đầu nghẹn cứng trước những câu hỏi đanh ác của bà Tám sẽ dành cho và khi mắt bắt đầu sưng mờ. Nhưng vạn vật như đã im sững từ lâu nên khi gặp Lọ quay vào, không một tiếng nào đánh động tâm hồn tỉnh thức, chờ đợi để đuổi theo ông đổ rác quý mến của nó nữa, không một lời gọi vang lên sau nó như một phép lạ nữa.
 
Nếu có Phật hiện ra lúc nầy và hiền từ hỏi nó muốn gì thì nhất định nó sẽ cầu mong cho ông đổ rác từ tốn trong công việc, thận trọng khi tuôn rác xuống một nơi nào đó và sẽ thấy gói thịt bò quý giá của bà chủ. Nhưng Phật ở cao quá, Trời ở cao quá, nào có nghe được ước mơ của thằng ở khốn khổ như nó đâu. Ông già ơi, ông già có thương con xin ông làm sao thấy được gói thịt trong đống rác, lần nầy chắc con nhớ ơn ông già suốt đời, ông già ơi! Mắt Lọ nhòe nhoẹt đi, hai dãy nhà hai bên ngõ trở nên lừng lững gợn sóng nhấp nhô, từ trong đó tiếng loạt xoạt, tiếng khua thùng loảng xoảng chát chúa, đinh tai chợt vỡ lên như tiếng mắng, tiếng la của ông Tám, bà Tám trong thần trí Lọ quay cuồng bất định.
 
*
 

- Lọ, có ông nào kiếm mầy kìa.
 
Thằng Chánh đứng sừng sững ngay cửa, điệu bộ nó vẫn ngang tàng như lúc nào nhưng điều đó không làm Lọ quan tâm. Óc Lọ như muốn vỡ ra bởi những dấu hỏi dồn dập: Ai vậy kìa? Hay là ông già? Lạy Phật cho đó là ông già đi. Lọ chỉ mong có thế.
 
Thằng bé chạy nhanh ra cửa. Quả đúng là ông già. Ông cầm lủng lẳng gói thịt bò. Nụ cười của ông vẫn nở không trọn vẹn như lúc nào nhưng đã như một giọt rượu nồng nhỏ xuống làm tâm hồn thằng bé say sưa, lảo đảo. Nó muốn khóc thật tình khi nhận gói thịt bò trao từ tay ông. Miệng thằng bé lắp bắp:
 
- Sao… sao… ông biết nhà con?
 
Ông già cười thật hiền:
 
- Sao không mậy? Hỏi mặt mầy ai lại hổng biết?
 
Ông đặt tay lên vai Lọ:
 
- Có bị la hôn, nhỏ?
 
Nước mắt ứ lại ban sáng giờ đây được dịp bật ra. Lọ muốn gục vào áo ông khóc thật thỏa thê: Tấm áo lem luốc nhưng sao Lọ thấy bộ áo của ông có trị giá hơn bất cứ bộ áo sang trọng nào. Bởi nó lồng một trái tim có nhịp đập hòa với trái tim đồng loại, bởi nó che chở cho một xác thân sạch trong, bởi nó là vật sở hữu của một tâm hồn lương thiện. Con cám ơn Phật, cám ơn Trời. Lát sau Lọ ngẩng đầu lên:
 
- Mà ông làm sao biết được gói nầy của bà chủ con?
 
Ông già lại cười:
 
- Thì hỏi hết mấy nhà nào đổ rác, nhà nào cũng không thì còn lại nhà mầy chứ gì?
 
Ông kéo Lọ ngồi bệt xuống bực cửa:
 
- Thôi đừng khóc nữa, mầy. Thấy ai khóc tao rầu lắm…
 
Lọ quệt vội nước mắt, thằng bé cố gắng cười thật tươi, tay giơ cao gói thịt bò trước mặt ông già:
 
- Tại nó mà con bị mắng quá chừng… nhứt là ông Tám… hồi sáng…
 
- Ai biểu láu táu chi, cho đáng.
 
Ông già bật cười, vỗ vai Lọ:
 
- Thôi bỏ qua đi mầy, mắt mầy mà khóc coi tối hù hà.
 
Rồi ông đứng lên nheo mắt:
 
- Thôi đừng buồn nữa, ở đây có ông có cháu… có gì tao bênh cho… mình ngay thẳng mà sợ gì…
 
Ông vỗ vai Lọ lần nữa, tươi cười:
 
- Mai mốt tao đem cái quần cho em mầy, còn mới lắm…
 
Lần nầy thì Lọ vui vẻ thật tình. Ông già tốt quá, tốt quá. Tai nó thoáng vang lên tiếng bi bô của em Tấm đón nó ở cổng sau chùa: A, quần mới, quần mới… như tiếng reo nghẹn cứng trong cổ của Lọ khi nhận ra dáng ông già với gói thịt bò trong tay. Bóng ông già mất hút, nắng tàn dần. Lọ quay vào với hình ảnh, với nụ cười ấm áp của ông già, như chút men rượu nồng còn sót lại trong tim…
 
  
LINH HƯƠNG    
(bút nhóm Thương Linh)
 
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 142, ra ngày 1-12-1970)

Bìa của Vi Vi : Mẹ con
 
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>