Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Cúng Ông Địa


 Tâm toát mồ hôi trán, cô bé soát lại một lần nữa những món đồ trên tay. Chiếc áo mưa nhà binh thùng thình của anh Năm, chiếc áo mưa cũ kỹ, mốc cời của cô bé, lộn xem từng cái túi cả trong lẫn ngoài, lẫn mặt đất dưới chân. Thế mà… nó, nó đã biến mất không còn một chút tông tích, anh Năm đưa Tâm đến đây cũng về rồi. Không biết nó có “lỡ dại” vướng ở trên xe không chứ! Kỳ quái chưa! Làm sao bây giờ, khổ quá đi, Tâm đâm ra giận “nó” hết sức. Rõ ràng hồi anh Năm vẽ cái cua ở góc Hồng Thập Tự, Tâm còn thấy nó trên tay mà. Rồi đây Tâm mất ăn mất ngủ cũng vì không có nó. Mà chính ngay bây giờ Tâm cũng bắt đầu khổ vì nó rồi đây. Ôi cái ví của Tâm ơi, có nghe Tâm nói không nào, làm ơn báo cho Tâm biết đi, ở bất cứ góc tường, chân cỏ nào Tâm cũng tìm cho ra hết đó. Cái thẻ căn cước cất trong ví, Tâm phải trần ai chi khổ mới làm được đó, không kể tấm thẻ học sinh, tờ giấy năm trăm má mới cho ban chiều cùng mấy chục tem cò, địa chỉ bạn bè lung tung. Ôi, một đời thân thế, sự nghiệp, giao thiệp của Tâm lại phải vì cái ví mà mất cả sao?
 
Mắt Tâm bắt đầu mờ đi, một phần vì chói nắng, một phần vì mồ hôi trên trán tuôn xuống giọt giọt. Những ngọn cỏ Tâm dẫn qua dẫm lại để tìm “nó” ủ rũ nằm la liệt trên mặt đất như tâm trạng đầu hàng của Tâm, con đường Sương Nguyệt Anh nằm thảnh thơi giữa hai hàng cây phơi bóng rung rinh. Thôi Tâm đầu hàng cho rồi Tâm muốn khóc quá…
 
*
 
- Vậy chứ mầy có kiếm kỹ lại không?
 
Tâm thiểu não đưa tay vuốt mái tóc lòa xòa xuống mắt:
 
- Có chứ, muốn chết luôn vậy đó mà hổng thấy…
 
Đôi mắt anh Năm ngẩn ra sau cặp mắt kính đen như mắt chú Tiều đi chợ:
 
- Thôi bây giờ về chứ biết sao…
 
Tâm thót lên yên sau, chiếc xe phóng đi. Trời nắng mà sao Tâm thấy buồn quá đi mất. Nụ cười ông trời hình như không được tròn như mọi khi. Một lát sau có tiếng anh Năm thoát ra phía sau:
 
- Đừng nói cho Má biết liền, để từ từ đã…
 
Tâm không buồn cho ý kiến. Hẳn trong cô bé cũng đã có một sự đồng ý. Má biết liền chắc Má giận lắm. Đã giận mà lại buồn nữa. Điều đó mới đáng cho Tâm khóc hơn là việc cô bé làm mất ví. Anh Năm hổng dặn Tâm cũng chẳng dám nói đâu.
 
Ý nghĩ giấu Má chỉ kéo dài ở khoảng đường Tâm về nhà, đến sau bếp rồi thình lình tiêu tan đâu mất khi gặp Má. Chỉ cần nhìn Má làm việc lui cui, nhìn đôi mắt Má từ từ ngẩng lên với cái nhìn dò hỏi là Tâm không muốn giấu Má bất cứ chuyện gì. Tâm cắn môi loay hoay siết mấy ngón tay giữa hết tay phải rồi tay trái. Lát sau, Tâm nhìn Má:
 
- Má ơi, con làm mất ví rồi…
 
Quả thật Tâm không muốn nhìn Má lúc đó. Những thứ trong tay Má, chung quanh Má, công việc Má đang làm bỗng trở thành vô nghĩa, chỉ có Tâm và cái ví đã mất:
 
- Trời ơi, khổ chửa, mà làm mất ở đâu, con có kiếm kỹ không?
 
Nữa, Má cứ nói giống anh Năm ghê, Tâm đã tìm “muốn chết” rồi mà:
 
- Con kiếm cả buổi trưa vậy… mà không ra… chắc ai bắt được rồi…
 
Má càng lo hơn:
 
- Rồi giấy tờ làm sao… Má không lo gì hết, chỉ sợ giấy tờ…
 
Tâm cố giấu tiếng thở dài:
 
- Giấy tờ con cất cả trong ví đó…
 
Lần nầy Má ngồi im, thờ thẫn. Tâm thấy cần phải an ủi Má:
 
- Không sao đâu, Má à, làm lại mấy hồi…
 
Má chỉ trả lời bằng cặp mắt buồn xo. Chắc Má đang nghĩ tới tấm thẻ căn cước phải đi 5, 6 lần mới làm được của Tâm, với số tiền không nhỏ Tâm mang theo và bao nhiêu trở ngại khác khi không có những giấy tờ đó trong lúc Tâm đi đường một mình. Câu nói sau cùng của Tâm vừa đầy hy vọng mà cũng vừa tuyệt vọng:
 
- Vái ông Địa, Tâm hứa ông Địa nải chuối nếu cho Tâm kiếm được…
 
*
 
Phải dụi mắt mấy lần Tâm mới nhận ra cái đầu thằng Tuyên ló ra sau cái lan can cùng với cái tay vẫy vẫy lia lịa, cái mặt vừa nhăn nhó vừa cười của nó mới tức cười sao chứ!
 
- Chị Bảy ơi… cái nầy hay lắm…
 
Không dừng được, Tâm ôm cặp vào ngực chạy một mạch cho mau tới nơi:
 
- Ký gì? Làm tao chạy muốn hụt hơi vậy đó…
 
Thêm cái đầu con Hòa, con Thư thò ra, tiếng tụi nó như reo:
 
- Có người đến đây trả cái ví chị Bảy đó…
 
Dường như Tâm không còn tin ở lỗ tai mình:
 
- Sao? Ai… ai đem trả?
 
Thư ba hoa:
 
- Cái ông đi xe Honda màu đỏ… ổng trả rồi đi liền hà…
 
Nỗi vui chợt phụt cháy trong lòng như nung vỡ các mạch máu, Tâm hét “trời ơi” một tiếng to rồi chạy ra sau tìm Má:
 
- … Má có cám ơn người ta hông Má? Không ngờ ở trên đời có người tử tế đến vậy hén Má… Má để cái ví đâu?
 
Tâm nói một hơi, Má chỉ lắc đầu cười. Lát sau, má thủng thẳng:
 
- Má để trên bàn học đó… xem lại còn đủ đồ không? Cũng may… gặp người tử tế…
 
Tâm phóng tới chụp cái ví yêu quý nằm ngoan ngoãn trên bàn. Chao ơi! Tiền, thẻ căn cước còn đủ cả. Điều làm Tâm vừa cảm kích vừa vui mừng là vị trí còn y nguyên, ngay cả tờ giấy năm trăm ở ngăn bên trái. Nắm được cái ví trong tay rồi, Tâm tiếp tục huyên thuyên:
 
- Còn đủ cả Má à! Con nói tiền Má khó mất đúng lắm mà… à, “ổng” có nói gì hông Má, “ổng” ra làm sao?
 
Đôi mắt Má sáng ngời như có nụ cười:
 
- Lúc đó Má đâu có ở nhà, anh Năm mầy nhận đó chứ…
 
Mãi đến bây giờ anh Năm mới từ từ trên chiếc gác xép bước xuống:
 
- Ông tóc đen, da vàng và… hổng bận gì hết…
 
Thằng Tuyên con Hòa cười lăn chiêng… Tâm vừa cười vừa la:
 
- Vậy nghĩa là sao?... Ổng mà… dám hổng bận gì hết??
 
Anh Năm cười cười nhìn Má:
 
- Con như Má móc bóp lấy 500 “hậu tạ” người ta liền.
 
Má nhìn Tâm:
 
- Ờ há… Má quên…
 
Anh Năm khoái quá, anh khoa tay:
 
- Được rồi, mai mốt con nhờ bạn con đem cái bóp mất của con lại rồi Má “hậu tạ” người ta nghe??
 
Má mắng yêu anh Năm trong lúc mặt cả nhà đỏ gay vì cười:
 
- Lớn rồi mà như con nít không bằng…
 
Anh Năm xoa hai tay vào nhau ra vẻ sung sướng lắm:
 
- Chà, nói hậu tạ thì phải biết… – Giọng anh chợt nghiêm lại. Nói vậy chứ, Má cho người ta cũng chẳng lấy đâu, họ đến đây để trả một cái bóp còn nguyên như vậy là cũng đủ biết tinh thần họ cao đến đâu… thay vì lấy cả tiền rồi quăng cái bóp ở một xó nào đó… Anh quay nhìn Tâm:
 
- Còn cô… cô mắc nợ một người…
 
Tâm đâm ra ngẩn tò te:
 
- Ai?? Anh Năm chắc??...
 
Anh cười tủm tỉm:
 
- … Ông Địa chứ ai… Hôm bữa đứa nào vái… “con hứa ông Địa nải chuối”… vừa vái… vừa run…
 
Má Tâm đỏ lên:
 
- Anh Năm kỳ chưa, em run hồi nào… à, mà cái đó khỏi nhắc, em cúng là cái chắc rồi… có vậy mà cũng ghẹo người ta… Má coi…
 
*
 
Má buông cái giỏ nặng chịch trong tay xuống đất, thở cái phào nhẹ nhõm nhìn Tâm:
 
- Nải chuối của cô đó, ứ hự…, nặng ơi là nặng…
 
Tâm đỡ nải chuối trong giỏ ra, liến thoắng nói liền miệng:
 
- Ấy, Má cứ đổ cho con, mọi khi không có chuối giỏ cũng nặng rồi chứ bộ… À, mà má nhớ hôm nào chị Hai, vái thi đậu cúng ông Địa tới 10 quài đó hôn? Mắc cười quá, kỳ đó tụi con ăn chuối đau bụng luôn vậy đó…
 
Má cũng cười:
 
- Tại Má nói đùa mà chị Hai con làm thiệt đó chứ… Nó tưởng một quài là một nải.
 
Má bày đồ ra sân trong lúc Tâm khệ nệ bưng nải chuối nằm chễm chệ trong chiếc đĩa sứ trắng lên nhà trên. Cứ trông cái vẻ trịnh trọng của Tâm cũng đủ biết cô bé phục ông Địa đến mực nào và tâm niệm của Tâm quan trọng đến đâu. Tiếng Tâm vang vang ở ngoài trước:
 
- Má ơi… đốt một cây nhang hay 3 cây nhang?
 
Cái mình Má nhoài ra khung cửa cùng với gương mặt như để trả lời Tâm:
 
- Một hay ba cây gì cũng được hết á…, nhớ khấn lời con đã “tìm được” cái ví…, bây giờ con đền ông…
 
Tiếng Tâm nhanh nhẩu:
 
- Dạ, con biết…, con biết chứ… Má khỏi dặn…
 
Ba cây nhang bắt lửa cháy đỏ, vang lên những tiếng tí tách nho nhỏ như hòa lẫn trong tiếng khấn thì thầm của Tâm. Trong 2 mắt cô bé, 6 ngọn nhang đỏ dụm lại, lung linh như biểu lộ ý nghĩ thành tín nồng nàn. Đôi môi chợt ngừng, thôi mấp máy mà chúm lại thổi phù vào những tro nhang bám nơi ngọn trên những đốm đỏ. Tro bay tản mác, mỗi mẩu tro nầy sẽ đem ý nghĩ, lời nguyện của Tâm cho người khuất mặt được biết. Khói tỏa mùi thơm sực nức làm cánh mi cô bé khẽ chơm chớp vì cay. Các cây nhang được cắm gọn gàng trên một trong những nhánh chuối. Tâm xem xét lại lần chót rồi bỏ ra sau. “Phải để ông Địa ăn tự nhiên chứ” cô bé nhủ như vậy.
 
Má đang vét sạch lớp vảy cứng trên mình cá. Thấy Tâm, Má như chợt nhớ ra:
 
- À, Má quên, con có rửa chuối trước khi cúng không?
 
Tâm nhíu mày:
 
- Con đâu biết… kệ nó vậy, chắc ông Địa cũng chẳng nỡ trách đâu, lần đầu mà…
 
Có một vẻ băn khăn hiện lên mặt trong lúc Má suy nghĩ. Chắc Má cũng biết con bé Tâm láu táu nhứt nhà, lỡ ra cô bé cúng kiến không được đàng hoàng thì làm sao vái ông Địa nữa kia chứ. Giây lâu, Má hỏi nhỏ:
 
- … Mà con để đâu cúng?
 
Tâm cười lên vui vẻ sau một lúc hồi hộp vì nét mặt của Má:
 
- Thì để dưới đất chứ đâu… Má làm con lo ghê, có vậy…
 
Nếu ai nhìn được nụ cười phải phanh thắng gấp của Tâm lúc nầy chắc chả bao giờ quên được, cái miệng hả ra bị tốp bất ngờ nên chẳng ra tròn mà cũng chẳng ra méo, nghĩa là… thay đổi toàn diện… trước phản ứng của Má:
 
- Trời đất ơi… vậy thì cúng kiến làm gì, đã không rửa mà còn để dưới đất… con cái nhà ai mà kỳ cục… có bao giờ thấy Má cúng ai mà để dưới đất không?
 
Chết chưa! Nhắc tới chữ “con cái nhà ai” là Má giận Tâm lắm rồi đấy. Mà tâm có biết được tục lệ của Má đâu nào. Tâm chỉ biết từ lúc Má cúng xong bưng xuống rồi thì… thôi chứ bộ! Khổ Tâm chưa! Cũng chỉ tại cái ví yêu quí đó ví ạ. Tâm bối rối ra mặt:
 
- Có sao đâu… Má, tại con… ờ, Tâm tủm tỉm cười như vừa nghĩ ra được, ờ… con nghĩ Địa là đất đó mà, sao Má lại nói không được, con có biết đâu…
 
Nói xong, Tâm quay mặt đi liền không dám nhìn Má nhưng cô bé cũng đoán được má đang lắc đầu thở dài, chắc Má than thầm “cái con nhỏ nầy!” Ấy, tại Má cả đó chứ, ai bảo Má không nhắc làm chi. Hơn nữa, cúng đàng hoàng hay không là do lòng thành nữa chứ, làm sao Má biết được??
 
- Thì thôi vậy, lần sau nhớ cúng cho ra vẻ, đừng có… vậy mà nói biết… biết.
 
Tâm gật đầu lia lịa khi nghe tiếng Má vang lên sau lưng:
 
- Dạ con nhớ… lần nầy nhớ tới chết…
 
Đó, má hết giận rồi thấy chưa, Tâm biết mà. Cô bé không tránh được vẻ liếng khỉ khi nheo mắt với mình một cái ở trong gương. Nhưng mà lần sau nhất định phải nhớ, nhớ cho kỹ đó ạ… Không được “kệ nó vậy” cũng không “Địa là đất”. Mỗi lần nghĩ lại “Địa là đất”, Tâm cứ cười hoài, cười hoài…
  

LINH HƯƠNG
(Thương Linh)
 
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 144, ra ngày 1-1-1971)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>