Thứ Tư, 20 tháng 11, 2024

Không Nên Buồn Vì Thiểu Số Xấu

 

Thư của em P.T.C.H. Saigon:

... Điện thoại thật tiện lợi, nhưng đối với em lại là điều phiền muộn vô cùng. Mỗi khi có chuông reo, vì em là con gái lớn, nên ba má giao cho nhiệm vụ nhắc máy nghe. Em xin lấy danh dự cam đoan với chị là em trả lời trong điện thoại rất lễ phép, không thể làm mất lòng ai. Tính em nhút nhát lắm chị ạ. Bỗng nhiên dạo gần đây, mỗi khi em nhắc máy lên là nghe một giọng còn trẻ thôi, hỏi tên em rồi nói một câu thật thô tục. Nghe xong em sững sờ, choáng váng cả người. Đã xảy ra mấy lần như vậy, cho nên bây giờ em đâm ra sợ cái điện thoại. Nghe chuông reo em phát hoảng, không muốn nhắc máy lên nữa. Em buồn lắm. Em tự nghĩ chẳng hề làm phiền ai sao họ nỡ như vậy hở chị. Chị giúp em lối thoát đi. Em không muốn nghe điện thoại nữa, nhưng nói sao với ba má bây giờ...

Trả lời: 
 
Chị hoàn toàn cảm thông sự khó chịu của em. Người có giáo dục mà phải nghe những lời thô tục thì khổ tâm ghê lắm. Nhưng có những điều bất đắc dĩ mình vẫn phải can đảm nhận lãnh. Thí dị như ai cũng thích hương thơm, nhưng khi qua bãi dơ thì cũng đành hít phải mùi dơ chứ. Cuộc đời không toàn mầu hồng, nhưng mình rán tìm tòi cho thấy nhiều mầu hồng là đẹp rồi. Tỉ như chuyện nghe điện thoại của em. Trong một tháng, em nhấc máy lên cả trăm lần, phần lớn là nghe những lời thăm hỏi ngọt ngào, lễ độ, chỉ có một người nói năng thô tục, như thế tức là số người có giáo dục đông đảo ghê lắm, còn người vô giáo dục tỉ lệ rất thấp, em đồng ý không. Em đừng thắc mắc rằng tại sao em không làm họ buồn mà họ cũng cư xử như vậy làm chi. Họ bệnh hoạn đó em ạ. Khi em lớn, em sẽ thấy có nhiều bệnh về tâm lý phức tạp ghê lắm. Nhưng bây giờ mình còn nhỏ, khỏi cần phân tích làm chi. Em cứ biết rằng đó là những người không lành mạnh tinh thần. Họ chỉ dám nói trong điện thoại, cũng như người viết thư nặc danh, hèn nhát không dám ra mặt. Đừng buồn bực gì nhiều. Em hãy cám ơn Thượng Đế rằng may thay em lại chỉ bị nghe một câu thô tục, chứ nếu bị chó dại cắn (đầu óc họ cũng có thể ví với chó dại) thì em sẽ phải đi viện Pasteur chích tới 24 ngày lận em ạ.


Chị Đỗ Phương Khanh       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 66, ra ngày 26-11-1972)

Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Buổi Thầy Về

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Buổi thầy về ruộng vừa xanh lúa mới
Bên chân cầu nghe nước chảy miên man
Con chim nhỏ hót lên bài ca mới
Giữa vườn xưa thơm mấy cụm hoa vàng

Buổi thầy về học trò còn dăm đứa
Cờ bên trường lộng gió tung bay
Tuổi thơ chờ tiếng trống trường buông đổ
Vào lớp ngồi - như tránh bóng nắng hanh

Buổi thầy về đạp xe qua chợ nhỏ
Những lời rao ròn mãi không thôi
Cũng ngu ngơ - chạy vòng quanh hay gió
Quang gánh nào còn xanh mãi niềm vui

Buổi thầy về dọc theo bờ quốc lộ
Chim chìa vôi ran ríu ở chùm cây
Gió cuốn lên những vòng tròn bụi đỏ
Có mùa xuân quê nhà hiện đâu đây.

                                            THÔNG XANH
                                        trên ngai vàng quê nhà

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 132, ra ngày 15-11-1974)

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Tuổi Thơ Ấu

 

 Có đôi lúc ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài trời mưa rơi tầm tã, trong tiếng mưa reo hòa lẫn tiếng gió thổi vẳng đến tai tôi, tiếng reo hò của bọn trẻ con đang tắm mưa. Nhìn cảnh đùa nghịch của chúng trong cơn mưa lòng tôi chạnh nghĩ đến quãng đời thơ ấu của tôi đã trôi qua theo năm tháng, lòng tôi rộn lên niềm tiếc rẻ vì tôi biết không bao giờ tìm lại được quãng đời thơ ấu đó.

Tôi còn nhớ rõ lắm, một kỷ niệm tuy không đẹp nhưng không bao giờ phai nhòa trong trí tôi.

Trưa hôm đó, một buổi trưa hè oi bức, nóng nực. Ánh nắng mặt trời như muốn thiêu đốt cả vạn vật. Những khóm cây không buồn lay động và những chú chim nhỏ cũng không buồn ca hát như ngày nào. Cảnh vật buổi trưa hè ở thôn quê đã yên tĩnh lại càng thêm yên tĩnh.

Trong nhà tôi, sau bữa cơm trưa ba tôi uể oải bước vào nhà trên. Má tôi thì bận đi mừng sinh nhật của một người bạn nên đi từ sáng sớm có lẽ chiều tối mới về. Chị tôi thu dọn bát, dĩa ra nhà sau. Trong nhà chỉ còn lại mình tôi. Nhìn trước, nhìn sau cẩn thận tôi dzọt lẹ ra cửa băng qua đường để đến chỗ hẹn. Dưới gốc cây đa lớn tôi trông thấy bọn thằng Tâm, cu Thanh, thằng Dũng và nhóc Tiến đã đợi tôi tự bao giờ. Vừa thấy mặt tôi tụi nó nhao nhao lên:

- Ê, sao tới trễ vậy mày?

- Bộ quên lời hẹn hay sao?

- Mày muốn tụi tao ngồi đây chờ mày suốt ngày à?

Cứ mỗi đứa một vài câu chúng khẩu vấn tôi liên tục làm tôi quýnh lên không biết trả lời ra sao.

Tôi phải hết sức phân trần bọn chúng mới thôi nhưng cũng không quên hạch sách tôi đủ điều...

Tiếng thằng Tâm bỗng vang lên:

- Thôi! Tụi mình còn phải "làm việc" nữa chứ! Bộ cãi nhau hoài sao.

Cả bọn đồng thanh la lên:

- Ừ nhỉ!

Nãy giờ chắc các bồ nóng ruột lắm, vì chưa biết tụi tôi "làm việc" gì mà có vẻ bí mật  quá dzậy, nhưng các bồ hãy bình tĩnh mà nghe tiếp.

Thế là cả bọn kéo nhau đi. Nhưng các bồ biết đi đâu không? Để tôi bật mí cho các bồ nhé! "Đi hái bần í mà" và "nạn nhân" của bọn tôi là cây bần trong vườn nhà ông Đốc.

Tới hàng rào bọn tôi dừng lại. Tôi phân chia:

- Tao, thằng Tâm, cu Thanh leo lên hái thảy xuống còn nhóc Tiến với thằng Dũng đứng dưới lượm cho vào bao.

Cả bọn tán thành. Chúng tôi lẹ làng chui vào vườn ông Đốc.

À, mà quên tôi chưa giới thiệu con chó Berger ở nhà ông Đốc với các bồ. Nó nổi tiếng là hung nhất trong làng chó. Lâu nay tôi vẫn sợ nó và thường gọi nó là "hung thần của lòng tôi". Sau khi chui lọt vào trong tôi liền đưa một vòng mắt đi quan sát "mục tiêu". Tôi giựt mình muốn bỏ chạy vì kìa: "Hung thần của lòng tôi" đang nằm đó. Nhưng có lẽ con Berger cũng không chịu nổi sức nóng oi ả của mùa hè nên nằm gác mõm lên chân, đôi mắt lim dim như ngủ say, làm cho tôi an tâm hơn.

Tôi, thằng Tâm cùng nhóc Thanh cẩn thận leo lên cây bần không gây tiếng động. Sợ quăng bần xuống đất sẽ làm con Berger thức giấc, thằng Tiến thằng Dũng cởi áo ra hứng. Nhìn những trái bàn đang nằm trên cây lòng tôi cũng bỗng thấy thèm lạ: "Trời ơi! Ngon quá! Làm muối ớt chấm với nó thì thật là tuyệt".

Những trái bần chín, ngọt ít, chua nhiều thi nhau bay xuống và ngoan ngoãn rơi vào hai cái áo không gây tiếng động nào. Hai cái áo chẳng mấy chốc mà đầy nhóc bần, bọn tôi định tuột xuống thì: "vo ve, vo ve" những tiếng kêu đó báo cho tôi biết rằng có một tổ ong trên cây bần, nhưng chưa kịp có phản ứng thì từ trên bay xuống một đàn ong vò vẽ, có lẽ chúng tức giận vì tụi tôi làm động ổ. Chúng thi nhau chích vào mặt mũi bọn tôi, nhưng ba đứa không dám kêu la vì sợ con Berger thức giấc. Một lúc sau bị chích nhức quá cu Thanh chịu không nổi la lên và buông tay để xoa mặt nên "bịch" một tiếng thằng nhóc đã té lộn xuống đất. Nhờ ở nhánh thấp nên chẳng hề hấn gì nhưng "bàn tọa" của nó cũng ê ẩm. Nhóc Tiến, thằng Dũng đã bỏ chạy từ lúc nào, những trái bần vung vãi tung tóe trên mặt đất.

Cái té của cu Thanh vô tình báo động cho con Berger thức dậy. Cu Thanh mới chạy đến hàng rào thì con chó sủa ầm lên. Trên này lũ ong chích rát quá và nhìn thấy vẻ hung hăng của con chó, tôi cùng thằng Tâm hoảng hồn buông tay rơi xuống đất, cùng chung cảnh ngộ của nhóc Thanh. Vừa lồm cồm bò dậy con chó Berger đã nhào đến. Tụi tôi, ba đứa không còn sợ gai góc cào xé da thịt vội chui ráo riết. Cùng lúc đó người đầu bếp của ông Đốc cũng vừa xách gậy chạy ra khi nghe tiếng sủa của con Berger, nhưng thấy tụi tôi đã chạy xa lão xách gậy đi vô.

Riêng con Berger thì nó không tha tụi tôi. Nó đuổi theo tôi sát nút, càng lúc càng thu ngắn khoảng cách giữa người và vật. Bởi vì lùn, chân ngắn nên tôi chạy chậm nhất. Con Berger chạy tới vừa lúc tôi quýnh quá vấp phải rễ cây té lăn ra. Trời ơi! Khiếp quá! Nó chồm tới ngoạm lấy tôi, nhưng cái đà của "tốc lực" còn nên khi té thân tôi lăn đi mấy vòng tránh được miệng con Berger trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng cái quần cộc của tôi cũng bị nó ngoạm lấy một miếng rách toang... Hú hồn tôi vùng dậy chạy riết trong khi con Berger ngoạm miếng quần tôi nhai ngon lành, đến khi biết được đó là một miếng quần rách con Berger tức tốc đuổi theo thì khi đó tôi chạy đã quá xa rồi. Nó tức giận trở về cất tiếng kêu "ăng ẳng".

Thế là chiều hôm đó tôi mất toi một buổi học gần cuối niên khóa.

Về đến nhà nhìn mặt mũi tôi sưng vù lên ba tôi hiểu ngay tự sự và một trận đòn nên thân được phủ xuống mình tôi. Và cũng tối hôm đó tôi lên cơn sốt vì những vết ong chích. Nằm trong phòng tôi cảm thấy mình đã làm một việc hết sức xấu, bỉ ổi làm cho cha mẹ phải khổ vì mình và tôi tự nguyện với lòng là không bao giờ dám tái phạm để cha mẹ được vui lòng.

Bây giờ hồi tưởng lại những giây phút ấy lòng tôi lại thấy nuối tiếc cho quãng đời thơ ấu đã qua.


NGUYỄN MẠNH TOÀN        

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 16, ra ngày 28-11-1971)
 

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

Hôm Nay Có Cái Gì Làm Cho Ta Sung Sướng Không?

  

 Tôi cúi xuống để hôn đứa cháu trai sáu tuổi trước khi nó ngủ.

Nó vội vàng bảo tôi:

- Bà quên một việc rồi. Bà quên không hỏi con hôm nay có cái gì làm cho con sung sướng không.

- Ừ nhỉ, bà có lỗi rồi.

Tôi ngồi xuống mép giường. Một lát sau cháu thủ thỉ với tôi :

- Con đã bắt được một con lươn. Con cá đầu tiên của con.

Rồi cháu rút đầu vào gối.

- Con chúc bà ngon giấc…

Cái lệ đó bắt đầu từ hồi nào và do đâu mà có, tôi không nhớ rõ nữa; nhưng đã từ lâu lắm, nó như một lời cầu nguyện và là một nguồn ân huệ thâm trầm cho chúng tôi. Ngày nào chúng ta cũng có được một lúc hoàn toàn tịch liêu: khi đã chúc người thân an giấc rồi, ta đặt đầu lên gối thì ta hoàn toàn lòng lại dối lòng; lúc đó tôi tự nhủ: "Hôm nay có cái gì làm cho mình sung sướng không ?"

Dù những giờ trong ngày có cực nhọc, đè nặng ta nữa, dù màu sắc có ảm đạm thì vẫn có một điểm nào đó lấp lánh.
 
Ít khi là một biến cố lớn, chỉ là một cái đẹp thoảng qua thôi: tiếng kêu của một con ngỗng trời khi ta tỉnh dậy một buổi sáng lạnh lẽo đầu thu, bức thư bất ngờ của một bạn thân, tắm mát trong một dòng sông khi trời nóng như thiêu, ngắm một cảnh huyền ảo dưới ánh trăng, tìm thấy những đọt sơn trà dưới lớp tuyết.

Luôn luôn tôi thấy có một điểm nào đó rực rỡ. Cho nên không bao giờ tôi phải uống thuốc ngủ và tôi chắc rằng cháu không khi nào phải dùng tới thuốc ngủ nếu cũng nhớ rằng hạnh phúc không phải là một đích xa xăm tùy thuộc một biến cố vị lai, mà trái lại, ngày nào cũng có ở sẵn trong lòng ta nếu ta chịu khó nhận ra khi nó thoáng hiện.
 

J. Harvey Howells
 

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

THOÁNG

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Dõi bóng hồng qua bước vội vàng
Áo dài lồng lộng nắng chiều sang
Lá rơi trên tóc buồn vương vấn
Một chút gì qua thật rộn ràng.

Chợt thấy đôi chân bỗng ngại ngần
Đâu đôi mắt lắm kẻ si nhân
Gió bay vấn vít bên tà áo
Ngỡ sợi tơ nào quyện bước chân.

Rồi vẫn là người xa lạ thôi
Em đi tóc gió quyện mây trời
Anh ngồi ngơ ngẩn nghe hương phấn
Thoảng nhẹ qua hồn thơm mắt môi.

                                                      Thái Tuấn
 
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 37, ra ngày 5-11-1972)


Thứ Ba, 12 tháng 11, 2024

Kỷ Niệm Tuổi Học Trò

 

 C.T ngày... tháng... năm...

Hằng, Hồng Hoa. điệp, Dung!

Mẫn về C.T học đã được hai năm. Hai năm: một thời gian không ngắn. Nhưng sao Mẫn vẫn nhớ trường của tụi mình. Cứ đặt chân đến trường mới Mẫn lại thấy buồn. Mẫn muốn gặp lại thầy cô cũ, gặp lại mấy bồ. Mẫn nhớ quá những kỷ niệm đáng yêu của thời gian tụi mình còn học chung. Mái trường trung học C.M đã đem đến cho Mẫn biết bao cảm tình khó quên và có lẽ không thể nào Mẫn tìm được ở một ngôi trường nào khác.

Mẫn nhớ những buổi học sân trường ngập nước. Tụi mình đã đắp những khuôn ao nho nhỏ, đã đứng trong hàng hiên vói tay vớt những con cá nhỏ trong nước. Mẫn nhớ con mương hẹp ở cuối trường đầy hoa lục bình tím. Tụi mình đã từng ngắt những hoa tím đó cắm lên chiếc xe đạp cũ kỹ của thầy M, đã từng gọi đùa là xe hoa của "Hoa hậu". Với dáng điệu thư sinh và tánh tình hòa nhã thầy M thật đúng là một "Hoa hậu"...

Hết mấy chị phá thầy với những chữ viết thật to: "Xe nầy bán" gắn trên yên xe của thầy, đến các anh giấu xe thầy. Mấy bồ còn nhớ một buổi chiều thứ bảy? - Buổi chiều hôm đó lớp mình được về sớm. Thầy đang bận dạy lớp bên cạnh. Anh trưởng lớp Babilac "Trường Xuân" đã cùng các tay lém của lớp mình làm lễ "thượng xe" - thay vì thượng cờ - kéo xe của thầy lên chót cột cờ! Hôm đó thầy đã phải thất vọng, và chán nản đi bộ về nhà. Sáng thứ hai bác Năm lao công tìm thấy xe thầy khi bác đem cờ ra treo. Bác cho xe vào "an tọa" trong văn phòng. Thầy mới biết là bị học trò mình phá. Thầy chỉ cười xòa. Thầy rộng lượng quá phải không mấy bồ? Lúc đó tụi mình đã quá vô tư, quá trẻ con, không biết đó là một hành động có lỗi. Tụi mình chỉ thấy vui vì tính lém được thỏa mãn bởi việc làm của các bạn...

Mẫn thèm sống lại những giờ phút dễ thương của tuổi học trò. Tụi mình đã buộc gọn vạt áo dài để chơi u nơi sân trường. Mỗi lần "ngoại" giám thị xuống lớp bắt gặp, tụi mình ù chạy trốn, dù vào lớp bị "ngoại" điểm mặt: - "Học lớp sáu, lớp bẩy mà còn chơi như con nít tiểu học bẩy, tám tuổi. Phải đứng đắn lại, tập làm thầy, làm cô với người ta...". Nhưng tụi mình ham chơi nên vẫn chứng nào tật nấy...

Mẫn thấy nhớ những buổi sáng chúa nhật. Tụi mình đã xin hoa để trồng vào khu đất nhỏ sau lớp. Vườn của tụi mình có những luống hoa đẹp. Lớp mình đã được các thầy, cô khen với bàn đầy những lọ hoa tươi xinh xắn.

Mẫn nhớ mãi triều đình của tụi mình. Khi Mẫn đi rồi ngôi hoàng hậu đã có ai thay chưa? Hằng quân vương vẫn học "chì"? - Quân sư "quạt nón lá" Hồng Hoa vẫn còn đa mưu túc trí? - Quận chúa "xì dầu" Điệp và ngự đệ Dung vẫn lém như thuở nào chớ gì?...

Triều đình của tụi mình thành lập hẳn hòi, Mẫn tưởng tụi mình sẽ mãi học chung nhau. Ngờ đâu bây giờ Mẫn lạc lõng giữa trường C.T, bỏ cả triều đình vàng son lại ở tỉnh C.M xa xôi...

Mấy bồ ơi!... Mẫn không thể nào quên được buổi chiều cuối niên học ; niên học tụi mình xa nhau. Năm đứa đã dự buổi tiệc  tiễn đưa nơi quán nước cạnh trường. Một buổi tiệc bằng nước ngọt. Uống xong năm đứa tranh nhau kéo tay bạn lại để giành trả tiền. Mấy anh bàn bên cạnh đã trêu: "Trời ơi! Gì nữa đây? - Các cô bé, đừng đánh nhau trong quán nước". Buổi tiễn đưa thật là ngây thơ và dễ thương. Nhưng cũng thật là buồn... Đứa nào cũng nước mắt rưng rưng, nghẹn lời tranh nhau dặn: - "Mẫn! Về học ở C.T mầy nhớ viết thơ cho tụi tao..."

Lời nói của mấy bồ thật là mộc mạc, hàm chứa những tình cảm chân thành. Mẫn chỉ biết gật đầu, rồi quay mặt ngước nhìn hàng phượng trơ xương trong sân trường, giấu không cho mấy bồ biết là Mẫn đang ứa nước mắt...

Ôi! Cả triều đại của tuổi  hồng, với những kỷ niệm ngọc ngà. Giờ đây Mẫn phải xa tất cả... Hằng, Hồng Hoa, Điệp, Dung... mấy bồ có muốn sống lại những giờ phút đầy tràn thương yêu, những kỷ niệm đẹp như nạm ngọc của thời gian xưa không? - Chắc là không được rồi phải không mấy bồ? Mẫn, cô bé tung tăng nô đùa trong khuôn viên trường C.M cũ nay đã bị loại khỏi vòng rào của thiên đường kỷ niệm rồi...

Mẫn ao ước vào một buổi chúa nhật đẹp trời nào đó, chúng ta cùng họp mặt nhau nơi sân trường C.M cũ. Cùng nhắc cho nhau nghe những kỷ niệm xưa. Những kỷ niệm có khung trời xanh lơ, có hàng phượng lung lay trong gió, có sân cỏ xanh thẫm, có những dãy lớp quét vôi vàng hiền dịu... Tụi mình sẽ tràn ngập trong nỗi trìu mến của lòng mình với kỷ niệm chung quanh: những kỷ niệm quí giá của tuổi học trò. Những kỷ niệm mà Mẫn tin rằng khi bước chân ra khỏi cuộc đời học sinh, tụi mình sẽ còn mãi lưu luyến, nhắc nhở và ước ao... Mẫn vẫn mong có ngày chúa nhật đó và muốn được thỏa mãn ước vọng dù chỉ là trong giấc mơ Hằng, Hồng Hoa, Điệp, Dung ơi!...


LỆ MẪN       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 63, ra ngày 5-11-1972)
 

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

Hông-Đa và Xe Đạp

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Trời trưa nắng gió hiu hiu thổi
Chiếc Hông-đa tung bụi mịt mù
Miệng luôn huýt sáo vi vu
Hai chân sãi lẹ cái vù một phen.

Gặp xe đạp "leng keng" đi trước
Hắn mỉm cười bảo: "Ngước mắt xem
Phận anh sao quá nghèo hèn
Ốm o chi lạ, chuông đèn cũng không

"Trông tôi nhé, áo hồng rực rỡ
Mắt sáng ngời xinh "tợ" kim cương
Phận anh ôi thật tầm thường
Đi làm chi thế mặt đường nó khinh."

Xe đạp tủi, làm thinh chẳng nói
Hông-đa cười vẫn thói khoe khoang
Bỗng nhiên xăng hết giữa đàng
Còn đâu đủ sức mà mang thân này.

Hông-đa "tốp" lại ngay tức khắc
Hắn cúi đầu gương mặt buồn xo
Ở đời chớ cậy hay ho
Khinh người ắt sẽ khổ cho phận mình.

                                                  ANH TRINH

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 81, ra ngày 15-11-1967)
 

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2024

Mẻ Cá Thương Yêu

Thanh bế em đứng tựa ngoài cửa, thỉnh thoảng nó quay vào nhìn cha nó, nước mắt nhỏ giọt. Đã hai tuần nay ông Xanh không đi bể được vì cảm nặng, mỗi lần cơn ho nổi lên làm mặt ông tái hẳn đi và mệt lả. Người ông mới hai tuần trước lúc ông chưa bị bệnh thân thể vạm vỡ khỏe mạnh... Thế mà nay chỉ còn như một nắm xương khô, thở thoi thóp.

Bà Xanh lo thuốc thang cho chồng, bà ngồi áng một bên ; mỗi lần cơn bệnh của ông nổi lên bà lại lo lắng, thầm cầu trời cho ông được tai qua nạn khỏi để ông đảm đang công việc gia đình. Bà ái ngại nhìn chồng, lòng bà đau xót vô cùng ; nhà nghèo tiền không gạo hết lấy tiền đâu lo bác sĩ cho ông. Bà quay đi cố ngăn dòng nước mắt chực tuôn trào trên khóe mắt. Nhìn chồng, nhìn con bà cảm thấy lòng thắt quặn: làm sao có gạo lo cho mấy cái miệng nhỏ háu đói đây?

- Thanh à! Con đưa em qua nhà chú Tám chơi, để em ở nhà nó nô đùa làm sao ba ngủ được.

- Vâng!

Thanh dắt bé Lan, tay bồng em Linh đi ra ngõ, qua giậu hàng rào dâm bụt dẫn theo con dường nhỏ qua nhà chú Tám, bên cạnh nhà Thanh.

Anh em thằng Lực đang nô đùa ngoài sân dưới bóng cây mát. Ánh nắng buổi trưa hè chiếu qua kẽ lá xuống trên đầu chúng. Thấy Thanh, Lực gọi lớn:

- Anh Thanh, vào đây chơi với chúng tôi.

Thằng Tính đang cắm cúi đánh bi cũng ngẩng lên: - A! Anh Thanh... Thanh bước vào sân đến bên gốc cây đặt em xuống, lấy bi ra chơi. Cả bọn quây quần dưới gốc cây. Vừa bắn bi Lực vừa nói:

- Tụi mình trông khéo không thằng Tính ăn gian lắm đó.

Thằng Tính cãi lại:

- Em ăn gian hồi nào, có anh ấy! Ai bảo người ta bắn trúng không chịu cho ăn lại còn nói.

Thằng Lực giơ tay làm một động tác như bỏ thằng Tính ra ngoài vòng:

- Lải nhải mãi, cầm bi đi chỗ khác!

Thằng Tính nhìn anh nó chực khóc.

Thanh giơ tay giải hòa:

- Thôi chúng ta chơi chung tất cả càng vui.

Ba cái đầu lại chụm lại. Thỉnh thoảng nổi lên tiếng vỗ tay, hay tiếng cười thích chí xen lẫn với tiếng cãi vã của thằng Tính.

Bây giờ đến lượt thằng Lực. Viên Bi từ tay nó lướt nhanh qua viên bi của Thanh và trúng viên bi của thằng Tính. Lực chưa kịp mừng thì Tính giơ tay hất bi của anh nó lăn trở lại:

- Không chịu đâu, anh ăn gian lắm, anh phải để vừa gang tay của anh thôi chứ anh để mãi ra ngoài này ai chịu được.

Lực trợn mắt:

- Bắn thế vậy còn bảo ăn gian hả, muốn chết không?

Thanh can:

- Thôi Lực, cần gì chấp với nó, đây bắn lại đi.

Thằng Lực hậm hực cầm viên bi bắn lại, viên bi lại vuột khỏi bàn tay nhỏ nhắn của nó lướt nhanh, nhưng lần này không trúng hòn bi nào cả. Tính vỗ tay reo:

- Đó! Đó! Thấy chưa? Ăn gian nó dàn ra đấy!

- Tao ăn gian của mày bao giờ?

Chung quanh câu chuyện đánh bi chỉ có thế. Lắm lúc thằng Tính vỗ tay reo hò ầm ĩ, tỏ vẻ thích chí lắm, làm thím Tám mẹ nó phải la lên: - Tính! Làm gì la hét dữ vậy, có để cho ba ngủ không?


Nhưng tính nào hoàn tật nấy, nó chỉ thiu thiu được một lúc rồi lại reo hò như thường. Lần này thằng Lực dọa:

- Mày không để ba ngủ, ba dậy thì ốm đòn đó nghe không!

Nói đến đòn, thằng Tính tiu nghỉu, có lẽ nó đã được nếm nhiều lần cây roi tre của ba nó.

Chơi bi mãi cũng chán, cả bọn ngồi tìm cách chơi khác. Lực đề nghị:

- Chơi bịt mắt bắt dê.

Thanh lắc đầu:

- Chúng ta chơi nhiều rồi, chán ngấy.

- Không thì cướp cờ, mở cờ nè! - Lực tiếp.

Thanh còn đang phân vân thì thằng Tính la lên:

- Chúng ta xây tháp sướng hơn, rồi cắm hoa đỏ nè! Hoa trắng nè! Sướng biết mấy.

- Lấy gì xây được? - Thanh hỏi.

- Chúng ta lấy gỗ xếp chồng lên nhau. Em biết chỗ lấy gỗ rồi, bên ông Ba nhiều lắm, những mảnh gỗ vụn thiếu gì.

- Vậy thì đi lấy mau đi.

Lực thắc mắc:

- Mà chắc gì còn không?

Tính vênh mặt:

- Còn thiếu gì. Hồi sáng em mới qua thấy ông đóng thuyền, em xin để lại một đống, giờ em qua lấy nhé!

Nói xong nó chạy đi. Một lúc sau hí hửng ôm về một ôm toàn những mẩu gỗ bằng gang tay, to cỡ 2 phân. Vừa đi vừa ca hát coi bộ chưa bao giờ nó vui vẻ bằng lúc này, vì nó được mọi người đồng ý việc nó đề nghị mà lị.

Cả bọn xúm lại. Những mẩu gỗ vuông, dài được xếp lên nhau, cao dần, cao dần... Thỉnh thoảng chúng ngừng tay ngắm nghía. Thằng Tính ngồi xổm trên đất, hai tay chống cằm, miệng xuýt xoa khen lấy khen để.

- Sắp xong rồi, lấy hoa đi, Tính! - Lực bảo em.

Tính chợt nhớ ra, nó chạy biến ra phía sau nhà. Một lát nó ôm lại một đống đủ thứ hoa: hoa dừa, hoa cúc, hoa mào gà...

Những chùm hoa đỏ, trắng được cắm lên những khe gỗ, cả bọn ngừng tay ngắm nghía, hoặc trầm trồ khen ngợi. Thằng Tính nhảy cỡn lên, nó vui vẻ hơn bao giờ hết. Công việc cắm hoa tạm xong...

Ánh nắng hè bớt gay gắt và ngả dần về tây. Chiếc đồng hồ vọng lại thong thả gõ hai tiếng. Chú Tâm thức giấc, quấn vội chiếc khăn quàng vào cổ, chú bước ra hè nhìn bầy trẻ đang nô đùa ngoài sân. Bất giác chú mỉm cười và vui vẻ hỏi Thanh:

- Ba cháu đỡ chưa vậy Thanh?

Thưa chú, ba cháu mới đỡ.

Vừa lúc đó thím Tâm từ ngõ đi vào, đến bên chồng thím bảo nhỏ:

- Mình à, anh Xanh bệnh lại tăng thêm, có lẽ phải mời bác sĩ cho ảnh. Nhưng hiện giờ anh chị hết gạo rồi, tiền cũng không. Hay là...

Chị ngập ngừng như sợ chồng không đồng ý điều mình sắp nói. Đợi chồng hỏi chị mới nói nhỏ bên tai chồng, chú Tâm gật đầu lia lịa.

Đoạn chú ôm tấm lưới ra biển, trước khi đi chú không quên xoa đầu mấy đứa nhỏ:

- Các con ở nhà ngoan nhé, ba đi biển đây!

Thím Tâm mỉm cười nhìn theo bóng dáng vạm vỡ của chồng khuất dần sau giậu dâm bụt.

Một lát có tiếng bà Xanh vọng sang:

- Thanh ơi! Đưa em về ăn cháo.

Thah dạ to, đoạn quay lại bảo:

- Tao về nghen, chiều sang chơi.

- Về đó a anh Thanh?

- Chiều nhớ sang sớm nhé!

Thanh gật đầu đoạn hướng về thím Tâm, lúc đó đang tựa ngoài cửa, cúi đầu chào:

- Thưa thím cháu về ạ!

- Về đó a Thanh, chiều nhớ sang chơi nghe cháu.

- Vâng ạ!

Thanh dắt em ra ngõ, đằng sau còn vọng lại tiếng réo của thằng Tính vẻ tiếc rẻ:

- Anh Thanh về rồi, mấy anh em mình chơi không buồn chết. Thôi để em coi cho đến tối chúng mình lại chơi.

*

Thanh vừa ăn cơm xong, chị Liên kéo Thanh ra sân bảo nhỏ:

- Thanh à! Ba ốm nặng không đi biển được, chị em mình ở nhà mãi lấy gì ăn bây giờ, tiền, gạo hết rồi.

Thanh đứng lặng nhìn ngoài ngõ. Với bộ óc non nớt của nó, nó không biết phải làm thế nào cả. May sao chị Liên tiếp:

- Bây giờ chị tính thế này, em vào lấy lưới đi rồi theo chị ra bể.

- Thế chị đinh đi ngay bây giờ sao?

- Đúng vậy, chỉ còn cách này thôi, ngoài ra không còn cách nào hơn nữa.

- Má có cho đi không?

- Má làm sao cho đi được. Nhưng chị em mình lừa trốn đi chứ.

Thanh gật đầu. Hai chị em cầm tay nhau, bốn mắt nhìn nhau thông cảm. Họ cảm thấy yêu quí nhau hơn lúc nào hết, miệng nở nụ cười tươi như cánh hoa buổi sáng. Thanh bảo chị:

- Chị chờ em một lát nhé!

Một lát sau hai chị em Thanh vui vẻ chạy mau ra bãi bể, tay không quên ôm theo mảnh lưới. Sóng biển dâng lên dạt dào như chào đón họ.

Thuyền từ từ tách bến, hai chị em, chị chèo em lái, con thuyền nhịp nhàng theo sóng biếc tiến dần ra khơi. Mặt nước lăn tăn sóng gợn. Các đợt sóng thi nhau chạy, nối tiếp nhau như không bao giờ hết, vỗ mạnh vào mạn thuyền làm nó chuyển lên phành phạch.

Ngoài kia, các con thuyền đã tách bến đang ra khơi. Nhiều chiếc đã ra quá xa trông chỉ còn bằng những chiếc lá tre nổi lều bều trên mặt nước.

Ra càng xa, sóng càng lớn, con thuyền bị đưa lên dìu xuống, như đe dọa chực dìm cả hai chị em xuống tận đáy bể.

Thanh cảm thấy sợ sợ, một mối lo sợ ở đâu cứ tràn vào lòng Thanh ; mặt nó tái đi nghĩ đến làn sóng kia có thể nuốt mất hai chị em... Tay chân nó run rẩy cơ hồ như không còn vững nữa ; đôi tay nhỏ bé của nó chỉ chực để cho mái chèo vuột đi trôi theo dòng nước. Vì đây là ngày đầu tiên được ra bể, trách nào nó chả sợ.

Nó chợt nhớ đến cha, giờ này chắc hẳn đang quằn quại trên giường bệnh kề bên tử thần với lưỡi hái sáng loáng chỉ chực vung lên cướp lấy mạng cha. Một sự thiêng liêng như thúc đẩy làm Thanh mạnh bạo hẳn lên, khi hiện ra hình ảnh đôi mắt sầu khổ của người cha thân yêu nhất đời nó, đang mỉm nụ cười héo hắt và đôi mắt đẫm lệ, đang chờ mong một sự giúp đỡ của nó.

Phải rồi, Thanh lớn rồi phải giúp đỡ cha mẹ khi người đau yếu chứ! Thanh cảm thấy hãnh diện và can đảm lên. Sóng to gió lớn không làm nó sợ nữa.

Chẳng mấy chốc thuyền đã ra đến khơi. Hai chị em bắt đầu buông lưới.

Mẻ lưới đầu tiên được kéo lên. Hai chị em xúm vào gỡ cá ; mẻ này được khá nhiều, chúng thi nhau vùng vẫy để tìm cách thoát. Đủ mọi thứ cá: to có, nhỏ có, đều được gỡ ra bỏ vào khoang.

Mẻ lưới thứ hai, thứ ba... cũng vậy, mẻ nhiều mẻ ít san sẻ nhau. Khi mặt trời xuống khá sâu gần gác non đoài, hai chị em mới sửa soạn kéo mẻ lưới cuối cùng để về cho kịp trời tối.

Nước biển mênh mông, làn sóng nhấp nhô. Những chiếc lá tre ngoài xa xa di động khi ẩn khi hiện, từ từ tiến về bãi hiện ra những chiếc thuyền con. Trên nền trời xanh ngắt, đàn chim bay lả tả, thỉnh thoảng chúng thi nhau nhào xuống mặt nước tìm bắt mồi rồi lại phóng vút lên.

Mẻ lưới cuối cùng của hai chị em Thanh được kéo lên. Một con chép thiệt lớn, có lẽ chưa bao giờ chị em Thanh thấy con cá lớn như thế. Từ đầu, mình rồi đến đuôi con cá chép được kéo lên với sự hoan hỉ của hai chị em Thanh.

- Con cá này mình đem bán chị nhỉ!

- Ừ, nó lớn thế này chắc bán được khá đấy.

- Có tiền cho ba uống thuốc, ba chóng khỏi em mừng lắm.

- Thanh cũng mong cho ba khỏi cơ à?

- Em mong mê đi ấy chứ. Không có ba mỗi bữa ăn em thấy buồn làm sao ấy. Cầu trời cho ba chóng khỏi, ba đi lưới để má đỡ phải lo nhiều.

- Thế thì Thanh ngoan lắm.

- Ngoan bằng từng nào hả chị? - Thanh hỏi đùa lại chị.

- Ơ! Ơ!... Ngoan bằng bé Phượng trong truyện chị kể cho em nghe tối hôm qua ấy mà.

- Bé Phượng nào sao hôm qua em chẳng thấy chị kể gì hết?

- Em mơ à! Hôm qua chị kể bé Phượng ngoan ngoãn hiếu thảo, biết thương yêu ba má, biết giúp đỡ ba má khi cần đến, biết nhường miếng ngon cho cha mẹ. Đi đâu được cho bánh trái bé không ăn để dành cho ba má cả...

- À, à! Em nhớ ra rồi. Mà tại sao bé Phượng lại không ăn, cái gì cũng để dành cho ba má hết, hay bé không thích ăn bánh trái?

Chị Liên đáp:

- Không phải vậy đâu, bé thích ăn lắm chớ, nhưng bé thấy rằng bé ăn mà để cha mẹ nhịn thèm sao được. Trừ khi cha mẹ không ăn, bé mới dám ăn đấy chớ!

Thằng Thanh gật đầu lia lịa tỏ vẻ hiểu chuyện lắm. Hai chị em kéo lưới xong đem giặt giũ cẩn thận rồi chèo thuyền ra về. Đôi mái chèo nhịp nhàng khoáy sâu xuống làn nước biếc đẩy thuyền tiến về phía trước. Phía đầu mũi Thanh ngồi chèo giúp chị. Hai chị em vừa chèo vừa nói chuyện, nhờ vậy hai chị em quên hết cả nhọc mệt và quãng đường dài như rút ngắn lại.

Thuyền cặp bến đã khá nhiều, mọi người nói chuyện huyên náo, kẻ lên người xuống lo việc khuân cá lên bãi. Trên bãi cát trắng mịn những đứa trẻ con thi nhau đuổi bắt những con dã tràng hay tìm kiếm những con ốc nhỏ xinh xinh.


Hai chị em Thanh vừa cập bến, bà Xanh từ đâu chạy lại, bà xuống xuồng đưa cá lên giúp hai chị em. Bà chỉ phiền mà không nỡ trách mắng chị em Thanh vì bà hiểu được lòng con bà qua ánh mắt chúng. Bà nói:

- Hai con đi biển sao không cho má biết với nhỡ nguy hiểm thì sao? Má tìm mãi không thấy, ra ngoài này má mới biết các con đi biển. Má không trách các con nhưng từ rày mà đi có việc gì phải cho má biết, đừng để má phải tìm kiếm như hôm nay nữa.

Chị Liên hỏi:

- Ba con có mắng không má?

- Ba con chỉ trách các con đi biển không có người lớn theo, lỡ nguy hiểm lấy ai hòng cứu vớt.

Hai chị em cúi đầu nghe má trách, nhưng trong lòng họ, họ cảm thấy vui vui.

Cá được vớt ra rổ, bà Xanh không ngờ được nhiều như thế: hai rổ cá đầy ngập. Những con cá to nhỏ đủ cỡ thi nhau nhảy tánh tách. Bà giúp hai chị em đưa cá về nhà, để lại ít ăn còn bao nhiêu đem bán.

Chị Liên mân mê con cá mú lớn nhất trong rổ, con cá bắt được sau mẻ lưới cuối cùng, hỏi mẹ:

- Con cá nầy bán hay để ăn má?

- Để bán kiếm tiền...

Bé Lan nũng nịu:

- Để ăn đi má, cá lớn ăn ngon lắm.

Bà xanh phân vân nửa muốn bán kiếm tiền thuốc thang cho chồng nửa muốn để ăn. Bà biết rằng hôm nay có cá ngon chắc ông ăn được cơm.

Vừa lúc đó ông Xanh từ nhà trên hỏi vọng xuống:

- Chị em nó về rồi hả? Có được gì không?

- Được có ít thôi mình ạ!

Lan chạy lại bên ba, bé vừa tìm được nguồn che chở:

- Ba ơi! Được con chép to lắm, để nấu ăn chắc ngon lắm, má con cứ bảo bán thôi.

Ông Xanh vuốt tóc con:

- Thôi để lại nấu cho con nó ăn, làm gì một con cá nào.

Bà Xanh chiều ý chồng, bà đem cá ra mổ, nhưng vừa mổ, bà bỗng kinh ngạc thốt lên: "Ô!" Chị em Thanh nghe má kêu lên chạy lại họ cũng phải kinh ngạc. Một chiếc nhẫn vàng nạm ngọc sáng chói nằm trong bụng cá. Bà Xanh sung sướng đến lặng người đi, bà có ngờ đâu trời đã thương giúp gia đình bà. Bà cầm chiếc nhẫn chạy vào khoe chồng. Đến lượt ông kinh ngạc và thích thú. Cả nhà cùng vui mừng, nhất là bà Xanh vì nhờ nó bà sẽ có tiền lo bác sĩ cho ông, có thêm tiền đong gạo.

- Hai bác có nhà không đấy?

Tiếng thím Tâm từ ngoài ngõ vọng vào. Bà Xanh chạy ra, thím Tâm tay mang thúng đi vào vừa thấy bà Xanh, thím vui vẻ:

- A, Bác có nhà. Bác trai đỡ rồi chứ?

- Cám ơn thím nhà tôi vẫn vậy. Ơ! Thím đem gạo đi đâu đấy?

Đặt thúng gạo xuống hè, thím Tâm đáp:

- Chẳng giấu gì bác, thấy bác ốm nặng không đi biển được, nhà em sai mang ít gạo gọi là...

Vừa nói thím vừa rút tiền đưa cho bà Xanh:

- Em mới kiếm được ít tiền, chị cầm lấy để thuốc thang cho bác trai.

Bà Xanh cảm động lắm, bà nhất định không chịu lấy. Bà nói:

- Chúng tôi vay mượn của chú thím nhiều rồi, lấy đâu mà trả đặng?

- Có gì đâu mà bác phải phiền lòng, bà con lối xóm giúp nhau một tí có sao. Khi nào em gặp nạn bác giúp lại, còn tiền gạo khi nào bác có đem trả cũng được.

Bà Xanh cảm động cầm tay thím thuật chuyện nhờ hai đứa nhỏ đi biển đến khi được chiếc nhẫn và đưa cho thím Tâm coi. Thím mừng chảy nước mắt:

- Thật trời ban lộc cho anh chị đó.

Ngừng một lát thím tiếp:

- Bây giờ chị tính rước thầy lang luôn chứ?

- Tôi cũng định vậy nhưng mấy đứa nhỏ chưa cơm biết sao bây giờ.

- Bác khỏi lo, em về bảo nhà em đi cũng được.

*

Sau khi bắt mạch xong xuôi, thầy thuốc bảo:

- Không sao, ông chỉ bị cảm nặng thôi! Ông chịu khó nằm tĩnh dưỡng độ một tuần là khỏi hẳn.

Nói xong ông chào bà chủ và ra về, sau khi ra ông không quên căn dặn người nhà cách cho người bệnh uống thuốc.

Bà Xanh, chị Liên, bé Lan và thằng Lực đang quây quần bên giường ông Xanh thì Thanh xồng xộc từ ngoài chạy vào tay mang một quả cam. Đặt cạnh ông, Thanh nói:

- Chú Tâm cho con, chú bảo lúc nãy đi kêu thầy thuốc chú ghé qua ngoại, ngoại cho mấy quả đó.

- Sao con không ăn đi, để làm gì?

- Con để dành cho ba đó.

Ông Xanh cảm động cầm trái cam đưa cho thằng Lực, bé Lan, chúng nó lắc đầu không lấy. Hai ông bà nhìn nhau cùng cười, đoạn ông bóc ra chia cho mọi người. Cả nhà cùng vui vẻ ăn ngon lành, tiếng cười của họ vang lên trong bầu không khí ấm áp, khi họ hiểu rằng một niềm vui đã đến trong gia đình họ.


PHONG VŨ          
(Kiên Giang)          


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 33, ra ngày 25-10-1965) 

Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2024

Nhật Ký Nội Trú

 


 Thứ ba, ngày... tháng... năm 1970

Đêm đầu tiên sống xa nhà, Nguyên nghe thiếu vắng vô cùng ; chuyến bay ban chiều đã đem Nguyên đi xa. Xa rời thành phố thân yêu với những khuôn mặt dấu yêu quen thuộc.

Nguyên nhớ lại rằng : mình đã khóc khi đưa mắt nhìn qua khung cửa kính nhỏ, bóng dáng ba già yếu đứng dưới sân bay ngước mắt nhìn Nguyên như nhắn nhủ, dặn dò. Máy bay chạy dần vào phi đạo, cuốn bóng dáng ba xa dần trong tầm mắt Nguyên... Núi đồi, biển rộng dưới kia mờ nhạt qua làn nước mắt, Nguyên nghe vị mặn thấm trên đầu môi và muốn trở về ngay trong giây phút đó - Về với ba mẹ, với đàn em bé thơ trong căn nhà quen thuộc...

Đã hơn 11 giờ. Khu nội trú chìm trong im vắng, những hàng cây dưới vườn xanh thẫm màu bóng tối. Nhìn qua đồ đạc ngổn ngang chưa được xếp vào vị trí và những khuôn mặt chung quanh còn xa lạ, Nguyên thấy mình bơ vơ quá, đêm nay chắc Nguyên ngủ một mình và mãi về sau... không còn những đêm mưa lạnh, nằm co rút tìm hơi ấm bên bà nội, được ru ngủ bằng những lời cầu kinh trầm trầm quen thuộc của bà.

Giờ này ở nhà, chắc gia đình Nguyên đã êm đềm trong giấc ngủ, căn phòng của Nguyên có ai nằm không nhỉ? Chắc là không, vì hôm Nguyên đi me có nói "Căn phòng con Nguyên cứ để im đấy cho nó, để Tết hay hè nó về"...

Nguyên thượng me quá, suốt đời me chỉ tận tụy với chồng con, những nỗi chật vật của cuộc sống đã làm me già đi trước tuổi. Lúc chiều, ăn cơm dưới câu lạc bộ nhà trường, những món ăn nhạt nhẽo, không quen miệng, khiến Nguyên nhớ me thật nhiều với những bữa cơm gia đình đầm ấm do chính me nấu! Những khúc cá kho mặn mà vị ớt, tô canh ngọt ngào dư vị thương yêu... khóc rồi đấy hả Nguyên? Ngoài trời mưa đang rơi, hồn Nguyên cũng giăng kín mây buồn. Mây đêm nay đưa Nguyên vào giấc ngủ tràn đầy nhung nhớ.

Thứ tư, ngày... tháng... năm 1970

Một ngày trôi qua trong bận rộn. Sáng, Nguyên đến lớp học mới - Bước chân ngỡ ngàng e ngại tìm đến phòng học mới lạ. Nguyên có cảm giác như ngày đầu tiên đi học trường làng xưa. Bốn giờ học trôi qua bình thản, những môn học mới lạ cho Nguyên một vài sự quyến rũ. Bạn bè mới trong lớp Nguyên vẫn chưa quen ai cả, ngồi chơ vơ một mình Nguyên nhớ lại lớp học cũ với những khuôn mặt bạn bè quen thuộc, đối diện nhau suốt sáu năm dài. Nguyên gọi thầm: "Ân-Vân-Liễu-Trang... cho mình biến thành chim trắng nhỏ cho trọn vẹn ước mơ"...

Buổi chiều nghỉ, nhưng Nguyên phải đi mua một ít đồ dùng. Chuyến xe "lam" đưa Nguyên vào thành phố ; cũng những chuyến xe lam như thế, Nguyên đã đến trường mỗi sáng khi trời còn mù sương trên những con đường quen thuộc, chiếc cầu Trịnh Minh Thế bắc ngang sông Hàn và những người lính gác cầu đứng thu hình, im lặng, giờ trở thành hình ảnh đáng yêu nhất khi Nguyên đã xa rời...

Phố sá Qui Nhơn có vẻ vắng buồn, không có sắc diện ồn ào náo nhiệt, hay là hôm nay không phải là chủ nhật??

Tối nay trời tạnh ráo. Xa xa trên ngọn núi : căn cứ của người Mỹ những ánh đèn xanh đỏ lấp lánh, hòa lẫn với sao đêm thật giống những ngọn đồi cao ở Sơn Trà, mà sao đây không phải là căn phòng quen thuộc của Nguyên?

Tiếng cười đùa vui vẻ ở phòng bên vẳng đến tai Nguyên, hình như có chị nào đó đang hát bản "Mùa thu chết" của Phạm Duy, làm Nguyên nhớ bé Ti thật nhiều, cô bé láu lỉnh nhất nhà, cả ngày luôn miệng "Mùa thu chết... đã chết rồi"... không biết vắng Nguyên, cô bé có nhắc không? Hôm Nguyên đi, bé cứ đòi theo làm Nguyên bịn rịn không rời - Bé Ti ơi - Tết chị về sẽ có quà cho Bé nhé.

Hôn bé một cái thật kêu, chúc Bé của chị ngủ thật ngon nhé.

Thứ năm, ngày... tháng... năm 1970

Hôm nay mưa suốt ngày, trời buồn gì mà "khóc dai" thế không biết? Đà Nẵng chắc cũng đã mưa, những cơn mưa dầm cùng những làn gió lạnh buốt khiến Nguyên liên tưởng đến ba: Buổi sáng ba dậy thật sớm, uống sữa rồi vội vã đi làm, chiếc áo mưa nhà binh to lớn làm ba nhỏ yếu thêm và khuôn mặt ba đầy nước mưa, tái lạnh khi trở về, khi ở nhà Nguyên vẫn chạy đi tìm khăn cho ba lau, giờ ở nhà có ai lấy khăn cho ba không? Bé Ti nhỏ quá mà! Nguyên thương ba quá, đến ngày nào cho Nguyên được báo hiếu ba, để ba yên tâm tĩnh dưỡng tuổi già.

Mới hai ngày, sao Nguyên thấy dài ghê. Chỉ mong cho thời gian chóng qua để Nguyên về thăm ba me và các em. Nhưng còn đến hơn ba tháng cơ, chắc Nguyên "dài cổ hươu" mất thôi.

Thôi bây giờ con gái ba me không kêu buồn nữa cho ba vừa lòng. Ba vẫn bảo "Các con còn nhỏ nên tránh buồn. Phải vui cho thật nhiều kẻo sau này lớn tuổi như ba, khó có dịp nào vui trọn vẹn, cuộc sống phiền muộn làm tâm hồn người ta già đi con ạ". Con sẽ gắng học cho ba vui lòng và mãn nguyện mong ước của ba. Con kể chuyện cho ba nghe. Bạn bè con chưa có ai ở đây để nói cả, con tả trường cho ba nghe nhé: Trường con xinh lắm ba ạ, cảnh trí chung quanh trường thật mát mẻ. Trước mặt trường là biển với những hàng thông xanh chạy dài trên cồn cát trắng. Trong trường con giữa hai dãy lớp có công viên đẹp lắm. Mỗi lần ra chơi con hay đứng trên hành lang nhìn xuống, qua cơn mưa cảnh vật mơ màng đẹp lạ. Con thích những buổi chiều ở đây hay có mưa phùn, mưa chỉ đủ đọng trên những thảm cỏ xanh mướt trong sân trường, con đoán là những cơn mưa phùn ngoài Bắc - quê hương ba, ba đã được sinh ra và lớn lên ở đó, nơi nuôi dưỡng tuổi thơ của ba - chắc cũng chỉ đẹp đến thế thôi.

Khí hậu ở đây mát mẻ dễ chịu. Con chắc là sẽ mập thêm để ba khỏi lo lắng cho sức khỏe con gái.

Con cầu mong ba me mạnh khỏe mãi.

Thứ sáu, ngày... tháng... năm 1970

Sáng nay dậy hơi muộn, Nguyên chả kịp ăn sáng nên đến giờ học cuối, bao tử nó "biểu tình" đả đảo dữ quá, đến tan học Nguyên leo lên thang lầu không nổi nữa, Nguyên vừa mệt và vừa buồn cười cho cái bụng "xấu đói" của mình.

Bữa cơm trưa đầu tiên ở trường Nguyên ăn thật ngon. A hôm nay Nguyên quen được một cô bạn rồi. Cô ta cũng học lớp với Nguyên, trông dễ thương và có vẻ láu lỉnh lắm, Nguyên hy vọng sẽ tìm được nguồn vui bên cô bạn mới này.

Buổi chiều, ăn cơm xong, Thảo, tên cô bạn, rủ Nguyên xuống công viên nhà trường ngồi chơi. Thảo nói chuyện thật vui, những nét hóm hỉnh, cười đùa trên gương mặt Thảo làm Nguyên thấy vui lây. "Cô nàng" hỏi Nguyên:

- Bồ nhớ nhà phải không? Hôm trước tôi thấy bồ buồn hoài.

Nguyên cười đáp:

- Chứ Thảo không nhớ nhà sao?

- Nhớ chứ, nhưng đừng có buồn quá mà xí gái chứ nghe cô. 

Thảo vừa nói, vừa cười và tinh nghhịch véo vào má Nguyên. Hai đứa cười thật vui và sóng vai đi về nội trú.

Tối Thảo ngồi hát và kể chuyện cho Nguyên nghe, nên Nguyên vơi đi phần nào nỗi buồn nhớ nhà như ngày mới vào. Thảo là con gái út trong nhà, ba Thảo chết từ lúc Thảo còn nhỏ, nhưng bù đắp vào sự thiếu sót đó, mẹ Thảo thương Thảo vô cùng nên Nguyên nhận thấy Thảo vô tư lắm, ít khi nào gương mặt Thảo mang nét buồn như hầu hết các cô gái đồng trang lứa.

Tuy mới quen mà Nguyên thấy mến Thảo nhiều. Cuộc sống Nguyên từ nay thêm một người bạn đáng yêu. Ngày mai Nguyên sẽ viết thư về kẻ với ba me, để ba me mừng và hết lo con gái không có bạn bè, buồn rồi khóc hoài. Từ nay con không khóc nữa đâu, kẻo Thảo nó chê con "mít ướt" đấy. Lúc nào nhớ nhà con sẽ viết thư về ba me và các em và kể chuyện học và cuộc sống của con ở đây cho ba me nghe là vui rồi ba me nhỉ?

Con gái yêu của ba me hôn ba me một cái thật dài.

Thứ bảy, ngày... tháng... năm 1970
Chủ Nhật, ngày... tháng... năm 1970

Suốt hai ngày nội trú có vẻ nhộn nhịp hơn ngày thường. Người ra kẻ vào, có chị xuống gặp thân nhân, chị đi phố.

Những nét hớn hở khi gặp người thân thuộc làm Nguyên thèm quá. Ba me chắc chả bao giờ đến được tận trường để thăm Nguyên đâu. Ba già yếu, me thì bận rộn việc gia đình.

Nguyên lỗi lời hứa với ba me mất rồi, lúc chiều có một bà từ xa đến thăm con: nhìn dáng dấp gầy yếu, lam lũ của bà, Nguyên nhớ me quá. Khi hai mẹ con gặp nhau mừng tủi Nguyên vội chạy vào phòng giấu giọt lệ qua mái tóc. Nguyên lại buồn, nhớ ba me và các em... Rồi lại thêm bao muộn phiền, Nguyên bồn chồn, lo lắng từ chiều đến giờ. Báo đăng tin Đà Nẵng bão to lắm, người ta phải dời cả các em cô nhi ở gần biển đi nơi khác. Nguyên lo quá, muốn về ngay trong lúc này với gia đình, cho Nguyên được san sẻ sự hiểm nguy cùng những người thân thuộc.

Khuya rồi mà Nguyên chả muốn ngủ. Cầu mong cho gia đình yên bình.

Ánh đèn xanh đỏ của chiếc máy bay vút vào trong đêm khuya, Nguyên nói thầm qua làn nước mắt "Cho Nguyên về với, cho Nguyên níu cái đuôi để Nguyên về với ba me..." Mà sao máy bay không thèm "trả lời" bỏ mặc Nguyên ngời chơ vơ một mình trong khu nội trú vắng im.

Thứ hai, ngày... tháng... năm 1970

Sáng được nghỉ 2 giờ sau vì vắng giáo sư. Nguyên về phòng định viết thư cho ba me thì Thảo sang, "cô nàng" có vẻ thật vui réo Nguyên ầm cả phòng... Thì ra cô có thư ở nhà. Nguyên bỏ mặc Thảo, chạy vụt đi tìm người đưa thư, hồi hộp, hỏi han để rồi buồn hiu trở lại phòng. Cả một chồng thư cao thật là cao mà Nguyên chả có lấy một cái. Nguyên buồn, tiếc và thấy cái mặt người đưa thư sao mà dễ ghét quá.

Nguyên tủi thân khóc ròng, mặc cho Thảo dỗ dành.

Chưa bao giờ Nguyên nhớ nhà như lúc này, lá thư viết dở dang lem nhem đầy nước mắt...

Bữa cơm trưa Nguyên ăn mà nghe mặn đắng, những miếng cơm nghẹn ngào trong cổ, Nguyên bỏ dở cả bữa cơm về phòng nằm vùi suốt buổi chiều tối, không thấy Thảo sang, chả biết nó nhận được thư của ai? Có gì vui, buồn không?

Sao mà lâu có thư ba quá nhỉ? Hay là ba đau... Nguyên lo quá, hôm Nguyên đi ba đã có vẻ mệt vì lo lắng, sửa soạn đồ dùng mang theo cho Nguyên, Nguyên thương ba quá, Nguyên chưa thấy ai lo lắng cho con đến thế: từ bàn chải đánh răng đến hộp kem, cho đến cái khăn lau mặt ba cũng tự tay mua cho Nguyên ; dưới mắt ba Nguyên vẫn còn bé dại vô cùng.

Nguyên chả viết nữa đâu. Viết rồi lại buồn và nhớ nhà thêm mà thôi.

Thứ ba, ngày... tháng... năm 1970

Trọn một tuần, Nguyên xa nhà. Cũng buổi sáng thế này tuần trước, Nguyên còn hiện diện nơi thành phố thân yêu giữa đám bạn bè đưa tiễn... giờ thì mỗi đứa một nơi, Nguyên nhớ khi xe car Air Việt Nam chạy, những cánh tay quen thuộc vẫy theo ; và những khuôn mặt cúi xuống che giấu những giọt nước mắt trào ra buồn tủi. Nguyên đã gục mặt xuống hàng ghế trước chả dám nhìn lâu hơn... rồi xa dần mất hút để Nguyên thui thủi một mình trong nội trú này...

Buồn quá Nguyên sang rủ Thảo xuống công viên chơi. Nguyên muốn tìm quên bên sự nhí nhảnh của Thảo. Hai đứa ngồi trên băng đá, lặng im đưa mắt nhìn ra xa : trời sắp hoàng hôn trông thật buồn, hương hoa đêm thoang thoảng hương vị ngất ngây. Nguyên như mê man trong vẻ im vắng của buổi chiều và hầu như quên đi thái độ khác thường của Thảo ; nó có vẻ buồn chứ không vui đùa như mọi ngày.

- Thảo ơi. Sao Thảo buồn thế, "vua hề" mà cũng buồn, lạ thật đấy chứ?

Nguyên cố pha trò cho Thảo vui, nhưng nó lại khóc thêm mới khổ chứ. Giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt Thảo đắm chìm trong bóng tối làm Nguyên buồn thảm.

Nguyên không biết nói gì với nó cả khi mà Nguyên cũng chín muồi nỗi buồn trong lòng. Trời tối dần, Nguyên kéo Thảo đứng lên, dìu nó về phòng ; Nguyên cúi đầu bên tóc Thảo thì thầm: "Thảo ơi! Thế là hai đứa mình cùng là "Mít ướt" đấy nhé, từ nay đừng chế tớ nữa nghen"...

Tối Nguyên sang phòng Thảo đọc thư của mẹ Thảo, những nét chữ gầy yếu của bà mẹ già gởi cho con, nhắn nhủ, dặn dò. Nguyên chưa thấy lá thư nào hay hơn những lời lẽ chân thật, mộc mạc của bà mẹ già nua ấy.

Tối trời đầy sao, hành lang không một bóng người, ánh sáng vàng nhạt của đèn điện cắt lên tường bóng dáng hai đứa con gái ngồi thu mình bên nhau âm thầm lặng lẽ.


Nội trú Qui nhơn 20-10-70    
CỎ DẠI                

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 141, ra ngày 15-11-1970)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>