CHƯƠNG II
Từ
một đứa bé đang sống trong một ngôi nhà bốn từng, một cái vườn rộng,
một khu xưởng thợ to lớn – một nơi đã từng được tôi tưởng tượng là thế
giới riêng rẽ của Tạc Dăng – đến hôm nay lại phải chui rúc ở căn nhà
chật hẹp, ẩm thấp, tối tăm, dơ bẩn nằm trong con hẻm của đường Năng-xy
này, tôi biết không còn gì hy vọng giữ lại những nguồn vui đã qua.
Thằng Cu Nghé đã xa tôi, bây giờ đến lượt con két xa tôi, còn ai nữa mà chơi với tôi chứ ?
Tôi đã xa tất cả và tất cả đã xa tôi.
Cha tôi đưa chúng tôi về căn nhà đó, tất cả đều có cảm tưởng như bị xô đẩy vào ngục tù.
Bộ
mặt tráng lệ của Saigon đã che đậy những ổ chuột và nhà tôi là một
trong những ổ chuột đó. Cái sân sũng nước, cái gác ọp ẹp, vách ván, mái
tôn, không cửa hậu, không cửa sổ, ra vào chỉ độc có cửa chính như chui
qua cửa hang. Người hàng xóm ở đối diện là anh thợ đóng giày, mình mẩy
lúc nào cũng nhầy nhụa mồ hôi ; và bên cạnh là tiệm chạp phô ở đối diện
với cái giếng bơm nước… Thực là kỳ cục, sự sắp đặt nhà cửa trong xóm này
không hề theo một tổ chức, trật tự nào cả, ai muốn làm gì thì làm.
Nhiều cái nhà lấn hết nửa con hẻm, thành thử con hẻm càng ngày càng chật
và quanh co.
Hôm
mới đến, cảm giác đầu tiên của tôi là như lạc vào mê hồn trận. Tôi băn
khoăn không biết làm sao nhớ hết những lối đi ngoằn ngoèo và những số
nhà phức tạp, dài dòng, chồng chất số này trên số kia.
Mấy
đứa trẻ quanh xóm, thấy chúng tôi, mắt đứa nào đứa nấy thao láo, miệng
mồm há hốc, đứng ở cổng nhìn vào như nhìn một đoàn xiếc dạo… Ôi, kể làm
sao cho hết những nỗi bực mình. Đã thế, khi bà già An dọn dẹp dưới bếp,
bỗng hét lên :
- Ối ! Ối ! Gián !
Bà
làm như cháy nhà đến nơi không bằng, nhưng cả nhà chỉ nghe hét chứ
không nghe nói vì tiếng hát ở máy thu thanh khắp nơi đã làm át đi. Tôi
không hiểu họ thưởng thức âm nhạc bằng kiểu gì mà lạ vậy ? Ở đâu cũng mở
máy lớn, léo nhéo suốt ngày, chỗ thì vọng cổ, chỗ thì tân nhạc, chỗ thì
nhạc ngoại quốc,,, Đúng là một cuộc đại hoà tấu “Tả-Pí-Lù”, đinh tai,
nhức óc và điên đầu.
Tuy
nhiên, những thứ ấy, lâu dần rồi cũng quen đi, chứ không như loài gián,
cái loài thực khó chịu, bay đáp vào mặt, vào tay , nhột nhạt bắt rởn
da.
Và
đúng như bà già An đã phát giác, nhà tôi bị nạn gián khủng khiếp ấy.
Chúng nó xuất hiện khắp các ngõ ngách, trên tường, trong hộc tủ, trên
bếp, trên cũi đựng đồ ăn, mặc dù bà An đã cố gắng đập chết rất nhiều và
nhét kín lỗ then cửa là nơi chúng nó trú đóng để làm những cuộc hành
quân phong tỏa qui mô. Nhưng vô ích, chúng nó chỉ chịu thua một hôm. Hôm
sau chúng nó vẫn tái diễn, vẫn kiếm cách bò ra và bay lung tung, không
một ai trị được.
Cứ
thế, chúng tôi bỗng trở thành những tay sát sinh rất cừ, thấy gián là
giết, ấy vậy mà chúng nó vẫn còn, không hiểu chúng nó kéo nhau từ đâu
đến mà nhiều đến thế. Tôi ước gì có một bầy thạch sùng để nghinh chiến
với chúng nó.
Tôi
nghĩ, loài người thường tự hào đóng vai bá chủ nhưng không diệt được
loài gián là nghĩa làm sao ? Tôi bắt đầu có ác cảm với Saigon vì loài
gián ấy và từ đấy tôi có ấn tượng xấu về Saigon vì dân Saigon thường chế
giễu chúng tôi nói con cá rô ra con cá “gô”. Họ bất lịch sự quá. Họ đã
làm chúng tôi thay đổi nếp sống xưa cũ. Buổi sáng mới 5 giờ đã om sòm
tiếng rao quà vặt và tối lại họ thức quá khuya, xe cộ chạy ầm ĩ, guốc
dép khua động ồn ào, chó sủa suốt đêm. Tội nghiệp nhất là bà già An, mỗi
khi đi chợ đều bị trả hớ. Họ nói thách không biết đâu mà mò giá cả.
Tôi
luôn luôn có cảm giác là mọi người đang rình rập để hại nhau. Mỗi người
đều mang một bộ mặt xa lạ, đáng ghét. Có lẽ họ biết chúng tôi ở dưới
quê mới lên và vì thế mà chúng tôi buồn.
Chúng
tôi sống trong sự cô độc đó. Thỉnh thoảng, gia đình chúng tôi rủ nhau
xuống bờ sông Saigon hóng gió, đi dọc theo bờ sông và hướng về phía Châu
Đốc.
Mẹ tôi buồn bã nói :
-
Chỉ có xuống đây mới thấy gần gũi quê hương mình trong chốc lát mà
thôi. Nhưng thực ra, những lần đi chơi như vậy cũng chẳng đem lại thú vị
gì cho ai cả.
Mẹ tôi vẫn giữ nét buồn bã.
Cha tôi thì mang thái độ hằn học.
Anh Giác tôi thì khóc, không biết anh ấy khóc vì nhớ nhà hay vì sợ đám đông đang vây bọc chung quanh, toàn là người lạ.
Còn
tôi thì muôn đời vẫn lủi thủi nối gót theo sau mọi người, không dám
ngước mặt lên – không hiểu sao ở đây, mỗi khi ra đường tôi cảm thấy thèn
thẹn. Tôi mang cái mặc cảm chúng tôi đều dốt nát, quê mùa và nghèo hèn.
Cái gì đối với tôi cũng bí mật, nhưng không dám tò mò hỏi ai cả. Tôi sợ
hỏi ra chẳng những không được giải thích mà còn bị chế riễu kiểu bà già
An hỏi mua chai bia liền bị người chủ quán hỉnh mũi lên cười, ý hẳn
người chủ quán chỉ biết la-ve chứ không biết bia, trừ thứ bia-lây. – Ôi,
thật là nhiêu khê, đến cái tên món đồ cũng không biết gọi thế nào cho
đúng.
Thôi thì đành im lặng vậy.
Nhưng im lặng rồi cũng nguy hiểm như lần tôi vào tiệm hớt tóc, người thợ hỏi : - Cậu muốn hớt kiểu gì ?
Tôi lúng túng và không trả lời.
Cuối cùng người thợ cũng phải chịu khó hớt xong cái tóc của tôi và kết quả là đầu tôi trọc như một anh lính Nhựt.
Tôi ngượng chín cả người.
Thế
rồi, một tháng sau, bà già An bỗng lâm bệnh. Khí hậu ở Sàigòn hình như
không phù hợp với những người già cả và bà già An bệnh mỗi ngày mỗi
nặng, ai cũng sợ bà chết, nhưng không phải sợ bà chết rồi sẽ không kiếm
đâu ra người giúp việc, chúng tôi chỉ sợ là không có đất để chôn.
Ở
Sàigòn này, sống cũng khổ mà chết cũng khổ. Người sống kiếm không ra
nhà ở, có nhiều gia đình phải ở chung một nhà với những gia đình khác.
Mỗi lần nhìn vào một cái nhà được ngăn làm nhiều căn phòng bằng những
tấm vải nhựa, trong ấy lúc nhúc trẻ con, người lớn, đồ vật chồng chất
ngổn ngang, tôi có cảm tưởng loài người vẫn còn sống ở thời kỳ bán khai.
Tuy nhiên, thế vẫn còn sướng hơn người chết. Mỗi lần có người chết là y
như mỗi lần phải chạy áp-phe để tìm một lỗ huyệt, bất kể tốt xấu, nhiều
khi đào huyệt đúng ngay cái mả cũ, ván hòm hãy còn nguyên nên mùi tử
khí hãy còn xông lên hăng hắc.
Trường
hợp này đã làm tôi tủi thân vì nghĩ một ngày nào đó mình cũng phải chịu
rơi vào số phận đó, và chắc mọi người cũng đều nghĩ như tôi vậy nên tức
tốc chở bà già An về quê mặc dù bà ta rất mến mẹ tôi.
Hôm
đưa bà An xuống tàu về Châu Đốc, bà cứ nằng nặc đòi ở lại và hứa sẽ
không chết. Bà An làm như sự chết sống đều do bà quyết định không bằng.
Ấy vậy mà bà An không chết thực, dù bà không được ở lại với chúng tôi và
về đến Châu Đốc được ít lâu thì bà có chồng. Nghe đâu vợ chồng bà An
phải sống chật vật lắm. Nghe vậy, tôi càng thương bà ta nhiều hơn.
Lúc
nào tôi cũng nhớ đến bà An. Sự vắng mặt của bà An trong gia đình chúng
tôi không như tôi phải xa thằng Cu Nghé nên ai cũng luyến tiếc, nhắc
nhở. Vả nữa, bà An đi rồi là mẹ tôi phải lo việc nấu nướng, suốt ngày
quanh quẩn trong bếp, tay chân đen đủi, không còn thì giờ săn sóc tôi
nữa. Còn anh Giác thì phải đảm đang công việc lặt vặt trong nhà. Cha mẹ
tôi sai bảo anh đủ chuyện, giao cho anh cái thúng nho nhỏ, bảo bưng đi
mua thứ này thứ nọ và lẽ dĩ nhiên là anh vừa đi vừa khóc. Tôi trông anh
đần độn thêm ra và bắt đầu từ đó, chắc chắn là anh không có một phút vui
sướng nào.
Cha tôi thấy anh sụt sùi mãi lại đâm bực. Ông gắt gỏng, đánh đập anh y như đối với một đứa con ghẻ trắc nết nên bị hất hủi.
- Giác ! Giác ! Ông hét lên. Ngu ơi là ngu. Sao mày ngu thế ? Đồ vô tích sự…
Do
đó, mỗi khi thấy cha tôi là anh đã khiếp sợ, tìm cách lẩn trốn, cố giữ
nước mắt không trào ra, nhưng càng cố gắng như thế trông anh càng thiểu
não hơn và trở nên lừng khừng, thảm hại.
-
Này Giác ! – Một hôm mẹ tôi gọi. Hôm đó mọi người đang ngồi vào bàn ăn
khi trong bình chưa chế nước – Con chịu khó chạy xuống bếp xách ấm nước
chế vào bình để tí nữa ăn xong có nước uống, đi con !
Anh Giác sốt sắng :
- Dạ !
Nhưng cha tôi vội cản lại :
- Bảo thằng Giác đi xách ấm là nó đập ấm cho mà coi.
- Cái ông này… Ý hẳn mẹ tôi muốn trách cha tôi sao quá nghiêm khắc, rồi quay sang anh Giác, ôn tồn :
- Nhớ cẩn thận, nghe con !
Cha tôi cười chế riễu :
- Vô ích, dù bà có năn nỉ đừng làm bể, nó vẫ làm bể như thường.
- Thế nghĩa là ba muốn con làm bể ? Anh Giác đứng lại và ngớ ngẩn hỏi.
-
Sao mày ngu thế hở ? Cha tôi lại quát. Tao có nói muốn mày làm bể cái
ấm bao giờ đâu ? Tao chỉ sợ mày làm bể cái ấm thôi ! Ông nhấn mạnh và
kéo dài câu này.
-
Dạ, con hiểu ! Anh Giác trả lời. Giọng anh run run. Chắc trong anh đang
mang ý nghĩ : “Ừ, quả mình ngu thực. Cha mình đã sợ tức biết trước sau
gì mình cũng làm bể cái ấm… “. Nhưng vẫn xuống bếp. Anh lững thững như
người mất hồn và hai phút… năm phút… mười phút… anh ở biệt luôn dưới.
- Lạ chưa ! Mày làm gì ở chết dưới ấy hở Giác ? Mẹ tôi cũng bắt đầu đâm bực.
- Thì tôi đã bảo, còn không nghe. Bà xuống dưới xem nào… Mà thôi, để tôi đi cho.
Tôi
biết, tuy nói vậy, nhưng cha tôi cũng nóng ruột. Có lẽ chẳng những ông
sợ anh Giác đập bể ấm mà còn sợ anh ấy bị phỏng nước sôi nữa là đằng
khác.
Trên nét mặt ông, tôi bắt gặp thoáng chút hối hận.
Ông vội vã xô ghế đứng dậy rồi đi thẳng về phía bếp.
- Giác ! Giác ! Cha tôi gọi.
- Dạ… Tiếng “Dạ” ngập ngừng phát ra từ kẹt cửa.
- Thế nào, mày làm bể ấm rồi hả ?
- Dạ ! Anh Giác lại dạ.
- Ra đây tao bảo !
- Dạ ! Anh Giác riu ríu vâng lời.
Tôi tưởng lần này anh Giác sẽ bị trận đòn đau ; ngược lại, cha tôi chỉ nhìn anh như xem xét một đồ vật rồi lắc đầu ngao ngán :
- Bà thấy không, tôi nói không sai… Ông nói với mẹ tôi. May là nó không bị phỏng nước sôi.
Và câu chuyện này bỗng thành một huyền thoại trong nhà.
Cứ
thế, gia đình chúng tôi ở Sàigòn với nhịp điệu buồn tẻ ấy, không ai
biết chúng tôi là ai. Ở đây hình như mọi người chỉ biết có tiền. Cựa đến
cái gì cũng tiền. Đồng tiền trên cửa miệng. Đồng tiền trên tay. Đồng
tiền ở khắp các ngõ ngách. Đến nỗi ai mà nói đến chuyện nhân nghĩa đều
bị coi là kẻ dại dột nhất.
Do
đó, tuy lên Sàigòn đã hai tháng mà cha mẹ tôi vẫn chưa đề cập đến việc
cho tôi và anh Giác đi học. Sàigòn có nhiều chuyện tréo cẳng ngỗng như
vậy đó. Đáng lẽ chỗ đô hội, văn minh có nhiều phương tiện, nhất là
phương tiện học vấn cho con em thì ngược lại, vô trường công phải có đủ
điều kiện tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, nộp đơn sớm v.v… toàn những
phiền phức rắc rối, nên chẳng mấy ai được hưởng quyền lợi đó. Đã thế,
trường công lại ít. Có trường lại không có đủ phòng để chứa học sinh nên
mới có cảnh nhiều lớp phải học chung một phòng bằng cách chia ra nhiều
“suất”, kể cả suất trưa. Ai mà có con em đi học suất trưa là kể như phải
lo
thuốc trước vì mất ăn, mất ngủ, đi dưới nắng trưa từ nhà đến trường làm
sao trẻ nhỏ không bệnh ? Còn vào trường tư thì tương đối được dể dãi
hơn, vệ sinh hơn nhưng phải đóng học phí và phần đông lại nhằm mục đích
thương mại hơn là giáo dục.
Cuối cùng, một giải pháp rất thích hợp được cha mẹ tôi nghĩ đến và thực hiện là gửi tôi cùng anh Giác vào ký nhi viện.
Lẽ
dĩ nhiên, ký nhi viện không phải là trường học. Suốt ngày chúng tôi chỉ
tập hát, được dạy bảo một vài phép tắc xã giao, lễ độ thông thường rồi
chơi. Thực không có gì sướng cho bằng, tôi nghĩ vậy. Trong trí óc non
nớt của tôi, tôi mong rằng được ở đây suốt đời để khỏi bị nhét vào đầu
những chữ nghĩa rắc rối, những con toán khúc mắc, nhưng khổ nỗi ước muốn
ấy lại bị cắt đứt nửa chừng ! Một người bạn của cha tôi làm hiệu trưởng
một trường trung học, không biết đã can thiệp bằng cách nào mà gửi thư
cho biết vừa giành một học bỗng tại trường công lập Sàigòn để giúp đỡ
tôi hoặc anh Giác.
Được tin này, cha mẹ tôi mừng lắm.
Cha tôi quyết định. Ông nói :
- Học bỗng này cho Lênh Đênh hưởng.
- Còn thằng Giác ? Mẹ tôi phân vân.
-
Thằng Giác hả ? Ồ… thằng Giác ngày trước đã có tới trường chút đỉnh rồi
mà. Vả nữa, bây giờ tôi cần nó ở nhà giúp đỡ công việc. Nó vậy chớ xem
ra có khiếu thương mại đấy. Tôi sẽ huấn luyện nó trở thành một nhà doanh
thương…
- Ông nói sao ? Mẹ tôi mở tròn mắt, ngạc nhiên. Thằng Giác mà có khiếu thương mại ?
- Chớ còn gì nữa ? Bà cho tôi nói bậy à ? Tự nhiên giọng cha tôi hơi gắt.
-
Ờ nhỉ ! Mẹ tôi đâm hoảng vì ý nghĩ đã chạm đến tự ái cha tôi. Kỳ thực
bà không hiểu cha tôi xét đoán thế nào mà tuyên bố như vậy.
Còn
tôi, tôi lại nghĩ chắc tại anh Giác nhiều nước mắt và chắc nước mắt có
nghĩa tương tự với hai chữ thương mại nên thay vì nói có khiếu nước mắt,
cha tôi nói có khiếu thương mại. Và chuyện ấy không dính dấp gì đến
tôi. Điều mà tôi đang lo là phải đến trường với cái áo bà ba và quần
đùi. Ở Sàigòn, trẻ con đến trường đều mặc sơ-mi, quần soọc ; chỉ có bọn
đánh giày, bán cà rem hay trẻ con lang thang ngoài đường mới ăn mặc lôi
thôi. Khổ nỗi, ngoài bộ đồ ấy, tôi lại không còn một bộ đồ nào khác lành
lặn hơn. Thế là, dù có lo lắng đến đâu cũng không có cách gì để khỏi mặc cái áo bà ba với cái quần đùi kỳ cục ấy. Khi vào lớp,
học trò đã nhìn tôi như nhìn một hiện tượng quái gở. Tôi biết là tôi đã thành một đề tài ly kỳ, đáng khai thác.
-
Kìa nó mặc áo túi ! Chúng nó khúc khích, thầm thì với nhau. Cả đến ông
thầy, trong ánh mắt ông hình như cũng nói lên câu đó. Tôi chắc ông đã
thấy sự nghèo khó của gia đình tôi qua chiếc áo nên không dấu được cái
nhăn mặt chua xót. Và ông giám thị thì lại luôn luôn tỏ vẻ khó chịu, nếu
không nói là có ác cảm. Lúc nào ông cũng gọi tôi : “Ê ! Chú kia ! Chú
bé Lểnh Đểnh”, Mặc dù tôi đã cố gắng nhiều lần, lễ phép thưa : “Dạ thưa
thầy, con tên là Lênh đênh !”
- Lênh Đênh hả ? Ông nói lại rồi cười hô hố. Lênh Đênh, Lểnh Đểnh cũng rứa, có gì mà cải chính.
Do đó, học trò đều gọi tôi là “Chú bé Lểnh Đểnh”. Tôi nghĩ mà giận cho cái áo túi. Vì cái áo túi nên mới có cái tên xấu xí ấy !
Đã
thế, tôi lại còn có nhiều khác biệt với học trò ở đây nữa. Chúng nó đứa
nào cũng mang cặp da, xách bình mực có quai, sách vở mới tinh. Còn tôi
không có cặp da chỉ có miếng vải dầu bọc sách vở và bình mực là cái chai
nhỏ, thấp, miệng rộng do anh Giác tôi kiếm cho. Thêm vào đấy, sách vở
tôi đều rẻ tiền. Vở thì giấy đã ngả màu, mua ở mấy hàng bán “xôn”. Sách
cũng vậy. Sách mua ở những nơi người ta bày bán dưới hè phố, rách nát,
mốc meo, hôi hám, long gáy, có quyển thiếu cả mấy trang chắc đã bị xé
hoặc rụng mất -- Về nhà anh Giác chịu khó đóng lại bìa cứng nên dùng
được nhưng vì những cái bìa cứng ấy do anh Giác dán mà lại dán quá nhiều
hồ thành
thử trông thô kệch, thảm hại. Về sau anh còn dán cho tôi cả một cái cặp
có nhiều ngăn y như cái các-táp, nhưng lại cũng dán quá nhiều hồ nên
những bìa sách và cái cặp của tôi hóa ra chỗ dự trữ lương thực cho loài
gặm nhấm. Thỉnh thoảng, không biết chuột hay dán cứ móc từng mảnh giấy
lớn làm anh Giác tôi phải đi khuấy hồ dán lại và công việc này biến anh
ấy thành một người thợ mã. Dần dần, anh có cả một bộ đồ nghề gồm kim,
chỉ, kéo, giấy và một số chai đựng hồ đặt trước bếp lửa. Anh đã làm công
việc này ngoài những giờ cha tôi sai đem hàng ra phố hoặc bắt biên chép
việc thu chi, lời lỗ, nợ nần vào sổ tay và mẹ tôi sai đi mua thức ăn
hoặc mua đồ dùng trong nhà. Tội nghiệp cho anh ấy. Suốt ngày, ít khi tôi
thấy anh rảnh tay. Có
lẽ đó cũng là một cách cha tôi huấn luyện để anh Giác trở thành nhà
doanh thương tương lai. Và bây giờ khiếu thương mại của anh được phát
hiện bằng công việc dán bìa. Như một thói quen, lúc nào anh cũng dán bìa
như anh đã thường khóc một cách dễ dàng. Tôi nghĩ vậy.
Còn
tôi không được cái may mắn như các bạn học thì phải làm một cái gì nổi
bật để người ta khỏi chế giễu gọi tên “Chú bé Lểnh Đểnh”. Cuối cùng tôi
quyết định : Phải học thật giỏi ! Phải cố gắng học thực nhiều !
____________________________________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét