Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Có Một Nụ Cười



Bạn có tin không, nếu có một nụ cười ảnh hưởng bạn suốt đời?

Tôi tin, bởi là nụ cười của một người có thật. Một người có niềm tin chân chính.

Khi tôi bước vào đời, không phải là lúc tôi đã tốt nghiệp đại học, mà là lúc tôi đi làm, một công việc nhẹ nhàng, “nghề tay trái”. Tôi thật may mắn khi nếm mùi “đi làm”, trong lúc đang học lớp Mười Một – ngày xưa gọi là lớp Đệ Nhị – Nụ cười đó như sự chào đón đầu đời cho một kẻ chập chững làm quen với những gì không thuộc về gia đình và trường lớp. Một cái xã hội nho nhỏ với nhiều thành phần, nhưng cùng tụ lại ở một điểm đáng yêu, là văn nghệ.



Người là Chủ nhiệm Bán nguyệt san Tuổi Hoa: Linh mục Chân Tín.

Tôi không phải là con chiên của Người. Tôi chỉ là đứa học trò nhỏ làm quen với công việc văn phòng. Những buổi trưa yên vắng, nhẹ nhàng bước vào tòa báo, phải nhẹ nhàng như mình tự dặn, bởi vì cái không khí bình an cũng nói với tôi như vậy. Nhẹ nhàng bước, và rón rén khi đến gần cửa phòng của Người, thấy cửa phòng mở, tôi thò đầu vào chào Người:

- Thưa Cha!

- Ờ, Mỹ Thanh hả con?

- Dạ.

Vậy đó, rồi tôi về phòng làm việc của mình. Công việc khiến tôi tiếp xúc với Bác Nguyễn Trường Sơn là Chủ bút nhiều hơn với Cha. Mỗi khi tòa soạn họp với bạn đọc và anh chị em cộng tác viên chiều thứ bảy, Cha hay ghé vào phòng họp để thăm và khích lệ đôi câu. Phòng phát hành của tòa báo Đức Mẹ – tờ báo cũng do Cha làm Chủ nhiệm – nằm cạnh bên phòng họp, là nơi phát ra những bản nhạc vào đời do các Cha, các Thầy soạn thu vào băng và mở cho mọi người nghe. Tôi thường lắng nghe trong khi làm công việc của mình, cái công việc cũng nhẹ nhàng và thú vị lắm: soạn thư từ của độc giả, nhận bài đã chọn từ bác Trường Sơn rồi giao cho nhà in, khi sắp chữ xong thì tôi sửa lỗi chính tả trên bản in thử, sửa cho đến khi nào hết lỗi thì thôi. Suốt những năm tháng làm việc, sinh hoạt, viết lách cho Tuổi Hoa, tôi đã thân quen với một nụ cười, mà suốt đời không thể quên: nụ cười của Cha Chân Tín.

Vậy mà tôi đã không gặp Cha trong một khoảng đời dài, và sẽ không bao giờ còn gặp lại Cha nữa. Cho đến một ngày khi biết Người đã kiệt quệ và đang nằm hấp hối, tôi tìm mọi cách để được nói với Người một lời. Tôi muốn nghe lại giọng nói thân mến của Người. Ôi tôi đã xa giọng nói ấy bao nhiêu năm rồi! Nhưng Linh mục L.Q.U. qua điện thoại bảo rằng Người rất yếu, phải tránh cho Người mọi sự xúc động. Tôi chỉ còn một cách là nhờ Linh mục nhắn với Cha là có tôi ở cách Cha thật xa xin chúc Cha được bình an. Một người bạn ở xa về, cùng một người em ở gần Cha, đã đến thăm Người và cũng nói giùm tôi những lời ấy.

Cha đã ra đi. Sau những dằn vặt đau đớn về thể xác, Cha đã yên bình với nụ cười trên môi.

Mọi người đã viết rất nhiều và rất đầy đủ về Người. Riêng tôi muốn nói một ngàn lần với Người rằng niềm tin chân chính của Người sẽ không bao giờ tắt. Tôi có trong cuộc đời nụ cười nhân ái của một người sáng lập và dìu dắt một tờ báo dành cho tuổi học trò rất có giá trị. Bên cạnh cuộc đời tu hành của Cha, Cha đã giúp những con người thế tục tìm thấy một niềm tin: tin vào lẽ phải, vào sự công bằng và nhân ái.

“Cha ơi! Con thương Cha.” Hình ảnh của Cha đã đi vào những dòng chữ trong văn của con.
 


Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Tháng 12,2012              

Nguồn: camlinguyenthimythanh.com
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>