CHƯƠNG III
Cha tôi thường bảo rằng “chiếc áo không làm nên ông thầy tu” rồi giảng nghĩa hàng giờ về phương ngôn ấy.
Bây giờ đem trường hợp của tôi gán ghép vào đó, thực không có gì đúng hơn.
Bọn
học trò đã chế diễu chiếc áo túi của tôi, nhưng chắc chắn chúng sẽ khâm
phục khi biết sau lớp áo túi ấy có một con người luôn luôn cố gắng học
hành và học giỏi.
Mà
thật, tôi đã cố gắng học không kể đến giờ giấc, không nghĩ đến chuyện
vẩn vơ. Tôi đã có can đảm thức khuya, chống lại cơn buồn ngủ bằng xác
chè đắp lên mắt và chống lại muỗi Sàigòn nhiều như cát vãi – bằng cách
cuộn chân trong mền dù tiết trời nóng bức.
Mẹ tôi nhìn tôi cười hài lòng, ngồi xuống bên cạnh :
- Nực không con ?
- Dạ không ! Dạ quen rồi !
Và tôi nghe tiếng thở dài của bà.
Tôi
chắc bà đang tiếc nuối những ngày sung sướng đã qua và nghĩ đến quê
hương, nghĩ đến một ngày nào đó tái lập được sự nghiệp sẽ trở về thành
phố Châu Đốc nhỏ bé, thân yêu.
Nói đến mẹ, tôi tin rằng người mẹ nào cũng có nét dịu hiền, đáng kính bất diệt.
Trong
một bài nào đó có đoạn nói về tình yêu mẹ “… Ta yêu mẹ hầu như không
thấy được. Tình yêu ấy rất bao la, chỉ khi mẹ ta mất đi mới thấy nó to
lớn dường nào…” Ai viết bài đó, tôi không nhớ, người ấy quả đã có một
nhận xét sâu sắc cũng như người đã viết nên bài thơ “Cảnh vui nhà nghèo”
có hình ảnh mẹ với vẻ đẹp thần thánh :
Tan buổi học mẹ ngồi tựa cửa
Mẹ trông con đứa đứa về lần
Xa xa con đã tới gần
Các con về đủ quây quần bữa ăn,
Cơm dưa muối khó khăn mới có
Của không ngon nhà khó cũng ngon…
Và mẹ tôi cũng đã thể hiện được hình ảnh ấy bằng hành động. Bà thường đón tôi tận ngoài ngõ vào những giờ tan học.
Nhưng
rồi một hôm, hôm ấy sau khi tan học tôi bị mấy thằng bạn rủ chơi mải mê
nên về trễ. Tôi phải cắm đầu chạy như điên, sách vở dắt trong lưng
quần, bình mực bỏ túi, vành mũ cắn chặt giữa hai hàm răng rồi chạy một
mạch về nhà với hy vọng sớm được chút nào hay chút ấy để nếu có bị quở
mắng thì cũng quở mắng ít thôi. Và khi chạy tọt vào đầu thang gác, tôi
mới sực nhớ hôm nay không có mẹ tôi đón ở ngõ như mọi lần.
Tôi
đâm hoảng. Linh tính cho biết đã có biến cố xảy ra. Cùng một lúc, tôi
lo lắng về việc chưa bịa ra được lý do về trễ để giải thích với cha tôi –
Tình thế bắt buộc phải nói dối mà – Có điều phải nói dối thế nào cho có
lý. Tôi loay hoay mãi với vấn đề đó nhưng vẫn không tìm ra một chuyện
có lý thì cha tôi hiện ra ở khung cửa và thật là lạ lùng, thay vì la
rầy, ông nhìn tôi buồn buồn :
-
Hôm nay sao con về trễ vậy ? Ông trách móc nhẹ nhàng rồi ôm tôi vào
lòng nựng nịu rất lâu. Ông nói : Lênh Đênh ơi ! Anh Cả con bệnh nặng. Mẹ
và anh Giác về dưới thăm rồi…
- Trời ơi ! Anh Cả con bệnh nặng à ? Tôi thảng thốt kêu lên. Bệnh thế nào cha ? Tôi gỡ vòng tay ông và hỏi dồn dập.
-
Cũng không nặng lắm đâu. Ông trấn an tôi. Chắc ông thấy tôi run rẩy,
mặt biến sắc. Tin tức thì vậy nhưng cha đoán có lẽ chỉ cảm xoàng và vì
nhớ mẹ nên nói cho to chuyện để mẹ con về dưới gần anh con ít bữa, thế
thôi.
Tuy
vậy, tôi cũng chưa yên tâm. Hình ảnh anh ấy chập chờn trong trí óc và
tôi thấy nhớ mẹ. Tôi ân hận đã về trễ. Nếu tôi về sớm có thể là được
tiễn bà ra bến xe. Kỳ thực tôi không biết bà đi lúc nào. Tâm trạng của
tôi bây giờ vô cùng hoang mang. Mới vắng mẹ một hôm mà như thấy bị đánh
mất một cái gì quý báu nhất trong đời.
Ngồi
lại bàn ăn nhìn về phía mẹ tôi ngồi, lòng tôi bỗng quặn thắt, thường
ngày bà vẫn ngồi đó và gắp thức này thức kia cho tôi, cho anh Giác.
Có
bà trong nhà, không khí gia đình ấm cúng rất nhiều. Những tiếng nói,
những bước chân, những dáng điệu mềm mại, những cử chỉ săn sóc của bà
như dòng suối mát trưa hè.
Tôi
thường nằm bên cạnh mẹ tôi để nghe bà kể chuyện đời xưa, chuyện bà thuở
còn bé. Giọng bà đều đều, dịu ngọt như lời ru. Sau đó, tôi đã ngủ bình
yên trong lòng bà, ngoan ngoãn, hiền lành hơn bao giờ hết.
Tự nhiên, một so sánh ngộ nghĩnh đến với tôi : lúc này tôi như đứa trẻ vừa bị bỏ bú, ngẩn ngơ và buồn bã.
Ấy
vậy mà, khi có bà ở nhà, tôi lại chẳng bao giờ nghĩ đến điều ấy và bây
giờ nghĩ nếu bà chết chắc tôi có thể chết theo được ! Cuộc đời tôi trong
tay bà. Một lời an ủi, một tiếng khen, một câu trách móc… tất cả tuy
tầm thường, vẫn làm tôi xúc động, cho tôi niềm tin và nghị lực.
Bây giờ, bà đi rồi, tôi hoàn toàn cô đơn và cầu mong anh Cả tôi mau mạnh để bà kết thúc chuyến đi thực sớm…
Cứ
thế, tôi nghĩ lung tung, quanh quẩn, những ý nghĩ không thành vấn đề
cho đến mãi khi ăn cơm xong thì trời cũng vừa tối, đèn được thắp lên.
Trông ánh đèn vàng vọt tỏa trong căn nhà nhỏ càng làm tăng cảm giác nực
nội, khó chịu. Ở Sàigòn, những xóm lao động, như xóm tôi ở, có điện như
thế là may mắn. Có nhiều xóm không có điện, thắp đèn dầu leo lét, thứ
đèn dễ gây hoả hoạn ấy đã bắt nhiều người chịu cảnh màn trời chiếu đất
chỉ vì một phút bất cẩn – rọi bắt một con muỗi hoặc để hớ hênh, chuột
chạy làm ngã đổ – Đã thế, thỉnh thoảng xóm tôi lại bị khổ với cái nạn
cúp điện mặc dù đọc báo có thấy đăng bố cáo của nhà đèn,
nhưng đọc mà vẫn không biết nhà mình sẽ bị cúp điện vì trong bố cáo chỉ
ghi những mã số của từng khu vực mà chỉ nhà có công tơ, có biên lai nhà
đèn mới biết, còn những nhà xin câu điện của những người ấy thì biết
thế nào được. Đó là chưa kể những người ấy nổi hứng cúp không cho điện
từ nhà họ đến mình chỉ vì những nguyên do giản dị nhất : Cái pít-cúp,
cái vô tuyến truyền hình cần điện cao thế, hay có tiệc tùng, có mở
“ban”, mở “bum” cần thắp nhiều đèn trong nhà họ… Thời đại kim tiền mà.
Đúng như cha tôi nói, có tiền muốn gì cũng được và ai cũng phục vụ cho
kẻ có tiền. Tôi ở đây ba trăm năm sau không biết có được cấp công tơ hay
không ? Nếu tôi là Nguyễn Du, chắc câu nói này sẽ có giá trị thực tiễn
hơn câu
“không biết ba trăm năm sau có ai khóc Tố Như hay không ? Nghe đâu nhà
đèn này là của Tây được thầu, ký hợp đồng gần một trăm năm và ai muốn
xin công tơ phải hội đủ những điều kiện mà trong đó điều kiện tiền là
tiên quyết. Vậy thì nghèo là đừng mong có công tơ để được trả giá một ký
điện theo giá chánh thức thay vì giá chợ đen, trường hợp này, có lần
ngồi nhẩm tính, tôi thấy bị kẻ có công tơ bóc lột quá dã man. Một ký
điện giá chính thức 5đ chẳng hạn, nhưng mình phải chịu 10đ, và một công
tơ có thể cho 20 nhà câu, mỗi nhà một tháng thắp 10 ký vị chi người có
công tơ kiếm lời cả ngàn bạc rất ư là khỏe khoắn. Và cứ thế, tháng này
qua tháng nọ, năm này qua năm nọ, số lời ấy là cả một lợi tức đáng kể.
Đó là chưa kể
muốn câu phải thế chưn hai ngàn.
Bây giờ nỗi lo lắng trong tôi cũng bị tăng theo với cảm giác nực nội, khó chịu vì ánh đèn vàng vọt.
Tôi
ngồi bên cạnh bàn nhớ đến anh Cả tôi, nhớ những câu chuyện anh kể mỗi
khi về thăm cơ xưởng, nhớ ngày anh được làm lễ rửa tội đầu tiên… Tôi
hình dung chiếc áo dòng của anh phất phơ khi bước gần cái hồ nước trong
vườn.
Tôi nhìn lên bàn ăn còn mấy cái vỏ chuối, cha tôi để quyển sổ nhỏ gần đó, miệng lầm bầm tính toán.
Tôi
buồn quá, đến tựa cửa nhìn bâng quơ vào bóng đêm, nghe tiếng cười nói ở
những nhà bên cạnh, tiếng súng xa xa vang lại – chắc của một đồn bót
nào đó – và tôi lại nhớ đến anh Cả tôi.
Tôi
nhớ hồi tôi mới 5, 6 tuổi gì đó, anh Cả tôi học lớp Nhất nội trú nên
thỉnh thoảng mới được về thăm nhà. Mỗi lần như vậy, tôi mừng lắm, còn mẹ
tôi thì lo cho anh ăn những bữa ăn đặc biệt hơn thường lệ như muốn để
đền bù những bữa ăn tập thể trong trường. Có một lần, mẹ tôi chiên một
con cá lóc, món mà anh Cả tôi thích nhất, nhưng vì nhà đông người, và vì
mẹ tôi tiết kiệm nên chiên xong bà lại đem dằm mắm để ăn được đủ bữa,
thế là anh Cả tôi không nuốt nổi và mẹ tôi ân hận. Về sau, bà thường đem
chuyện này nói với chúng tôi như một huyền thoại thú vị nhất. Anh Cả
tôi lại có cái biệt tài vẽ chân dung, nhưng không phải truyền thần mà
chỉ vẻ rập theo mẫu có sẵn. Anh vẽ các danh nhân và vẽ thật nhiều để
cho bà con hàng xóm dán lên vách như những bức tranh trang trí. Đôi khi,
anh nổi hứng đòi vẽ cả tôi và anh Giác, nhưng vẽ xong tôi lại thấy
giống mấy thằng bé in ngoài những tập vở 50 trang, 100 trang. Thì ra anh
ấy bắt chước những hình vẽ ấy. Ấy vậy mà tôi phục anh vô cùng. Tôi cất
cái hình ấy như người lớn cất chiếc ảnh kỷ niệm. Đứng trước anh, lúc nào
tôi cũng thấy như đứng trước một kẻ học rộng, tài cao. Tôi không biết
anh bắt chước ai mà mỗi lần nghỉ hè anh thường cặm cụi làm những bản in
bằng nước cơm. Anh viết chữ ngược trên miếng giấy dày để thoa nước cơm,
đoạn dùng một miếng giấy mỏng dán với miếng giấy dày ấy rồi gỡ ra, thế
là anh có một bản
in bằng nước cơm. Ngoài ra, anh còn sáng tác nhạc và sáng tác một cách
rất kỳ cục, bằng cách trở ngược bản của các nhạc sĩ để chép, thành thử
bản nhạc ở các nhạc sĩ ghi nốt đồ thì ở bản nhạc anh thành nốt lá, nốt
rề thành nốt sốn, nốt mi thành nốt phá, nốt pha thành nốt mí, nốt sôn
thành nốt rế, nốt la thành nốt đố v.v… Và anh tự soạn lời nghe cũng du
dương lắm…
Do đó, nhiều lúc tôi nghĩ, anh đi tu có lẽ không hợp với năng khiếu của anh.
Và
chuyện mà mỗi lần nhớ lại, không thể nào nhịn cười được là hồi đó cha
tôi có nuôi một con bò để lấy sữa, chưa kiếm được người chăn nên bắt
chúng tôi chăn. Anh Cả, anh Giác và tôi đuổi bò ra cánh đồng gần nhà và
mỗi lần như thế anh Cả thường bảo tụi mình như cái cảnh tam chiến Lữ Bố.
Lẽ dĩ nhiên, anh Giác và tôi chẳng hiểu anh ấy nói gì, đòi giải nghĩa,
nhưng anh lại kể chuyện Tam Quốc, chúng tôi nghe khoái quá, quên cả chăn
bò, để bò ăn lúa, bị chủ ruộng lấy nón, năn nỉ đến muốn lạy họ cũng
không tha, sau phải nhờ đến cha tôi đứng ra can thiệp bằng cách bồi
thường thiệt hại. Thế là về nhà bị cha tôi rầy. Khổ nỗi, giống bò lại
thích ăn
lúa, chúng tôi sợ bị rầy, càng chăn giữ nó bao nhiêu thì nó tỏ ra cứng
đầu bấy nhiêu. Hễ lơ đễnh một tí là nó chạy chỗ khác như tên tù lúc nào
cũng sẵn sàng kiếm cách vượt ngục. Và để đối phó với tình trạng này, anh
Cả tôi ra lệnh cho chúng tôi triệt để im lặng theo dõi hành động của
bò, nếu thấy bò ăn lúa thì bảo với anh bằng mật hiệu “Ăn” hoặc thấy nó
sắp chạy thì bảo là “Chờ”. Anh Cả tôi làm như bò có thể nghe tiếng người
nên cẩn thận không tiết lộ sự theo dõi mà chúng tôi đã thực hiện đó.
Ngược lại, con bò cũng không vừa, nó luôn luôn nhìn chúng tôi bằng cặp
mắt thách thức và luôn luôn có hành động chờ chực phút sơ hở của chúng
tôi. Lẽ dĩ nhiên, đã là người ai lại chẳng có những sơ hở đáng tiếc, do
đó,
đối thủ của chúng tôi đã gây sóng gió không phải là ít y như một tên
gián điệp đại tài, mỗi lần nó co giò chạy, chúng tôi đuổi theo đến hụt
hơi và anh Cả tôi trở thành lực sĩ điền kinh nước rút Ma-ra-tông. Anh
vừa chạy vừa la “dò, dò”, tiếng bảo bò đứng lại, và nước mắt chảy trên
má, mồ hôi chảy trên trán. Trong anh, chắc đang hậm hực một sự trả thù
ghê gớm nếu bắt được nó, nhưng khi bắt được nó anh lại không còn sức nào
để đánh đập, hành hạ ; tay chân anh rã rời như vừa qua một cơn bệnh
nặng và trái tim như muốn nhảy tung ra ngoài.
-
Này, tao nói cho mày biết… Anh Cả tôi hào hển vừa thở, vừa nói với con
bò… Hà, hà ! Tao đã có cách trị mày rồi. Tao sẽ đeo tróng vào cổ mày.
- Tróng là cái gì anh ? Tôi hỏi.
- Mày hỏi làm gì ? Anh quát chúng tôi. Chúng mày chẳng được cái tích sự gì cả.
Tôi quay sang anh Giác thầm thì :
- Đúng là giận cá chém thớt.
- Mày hỗn đấy hả Lênh Đênh ?
Tôi chối, tôi hy vọng anh chạy đến bùng tai nên chưa nghe gì hết.
- Dạ, đâu có ! Tụi em bàn về cái tróng mà !
-
Có cái tróng mà cũng không biết. Anh Cả tôi vẫn lớn tiếng như cố giữ
cái phong độ giận dữ chưa nguôi dù có thể là anh đã thấy sự lố bịch khi
đối phó với hành động một con bò. Anh tiếp : cái tróng là cái cây buộc
tòn teng dưới cổ để nó vướng chân.
Định
nghĩa ấy làm tôi bật cười thành tiếng. Có thế mà cũng la lối um sùm,
tôi nghĩ, rõ ràng là chúng tôi thua một thằng chăn bò ở nhà quê, có
nhiều đứa coi sóc cả một đàn bò năm sáu con vừa bò đực, bò cái, bò con…
Nhưng anh Cả tôi nghe cười lại đâm tức, sẵn cầm roi trong tay anh quất
tôi rồi quất luôn cả anh Giác, và hôm đó về nhà tất cả chúng tôi đều bị
mắng là đồ ngu.
Về
sau, kỷ niệm ấy được nhắc lại, anh Cả tôi cười hì hì để che dấu sự
ngượng ngập và điều mà anh ngượng nhất có lẽ khi nhớ đến mỗi lần bò
phóng qua một con mương nhỏ, anh phải cổi quần lội qua vì anh bấy giờ
không đủ sức phóng như bò. Lúc ấy trông anh vừa thảm hại vừa buồn cười
như thằng hề đánh rơi xiêm y.
Tự
nhiên, tôi thấy tiếc đời anh phải đi tu quá sớm. Giá anh còn chung sống
với chúng tôi chắc sẽ còn nhiều kỷ niệm vui vẻ, êm đềm. Tôi không hiểu
cha mẹ tôi có nghĩ như thế không, hay chỉ biết đó cũng là một cách chọn
tương lai cho con và anh Cả tôi đã chấp nhận như số phận một món đồ chịu
sự đặt để của cha mẹ. Trường hợp này, nếu là tôi, tôi sẽ phản đối vì
tôi thích tự do, nhất là tự do tư tưởng. Tôi nhớ trong một quyển sách
nào đó có nói : Trong các quyền tự do mà con người được hưởng thì quyền
tự do tư tưởng lại không có mấy ai sử dụng đến ! Thực vậy, người ta đã
chạy theo những đòi hỏi phù phiếm và bỏ quên giá trị thực tiễn về bản
chất con người ; cũng như những quan niệm và định thức cho nếp sống
được đặt ra mỗi ngày mỗi đi xa cái tính vốn thiện. Do đó, tôi muốn làm
một đứa trẻ muôn đời.
Bây
giờ, tôi tưởng tượng anh cả tôi ở dưới Châu Đốc, nằm trên giường với
đôi mắt lờ đờ, mệt mỏi vì bệnh mỗi lúc mỗi thêm trầm trọng – Linh tính
cho tôi biết như thế -- Cùng một lúc, trong đáy lòng tôi hình như vừa có
một thứ tiếng khiển trách từ đâu đó, mơ hồ dấy lên : Này, nếu mày là
thằng bé khôn ngoan thì hãy cầu nguyện cho anh mày và bề trên sẽ chấp
nhận. Nhưng phải thành tâm, mày đừng có nói láo như đã nói láo với cha
mày. Nếu không ham chơi, mày đã được theo mẹ về thăm anh mày rồi, lỡ một
giây là ân hận suốt đời, Lênh Đênh ạ !
-
Tôi xin chừa mà ! Trời ơi ! Không, không đời nào tôi dám dại dột như
thế nữa ! Tôi đau đớn, lẩm bẩm, nước mắt ràn rụa và giữa lúc ấy, người
phát thư đạp chiếc xe đạp cọc cạch từ đầu hẻm tiến về phía nhà tôi.
- Điện tín ! Điện tín ! Có ai đấy không ?
- Hả ? Điện tín của ai ? Nghe hai tiếng điện tín, tôi đâm bối rối. Ngược lại, người phát thư vẫn giữ thái độ bình thường.
- Nhà này là nhà ông Xếp phải không ?
- Dạ.
- Cậu là con ổng hả ?
- Dạ.
-
Ra đây mà nhận điện tín. Trời, sao đứng đấy ? Mau lên chứ ! Cậu biết
bây giờ là mấy giờ rồi không ? Tại có cái điện tín này nên tôi phải đi
cả trong giờ nghỉ… Ông ta lải nhải kể công khó, nhưng
tôi không còn bình tĩnh để nghe gì hết. Tôi run run đặt bút ký vào sổ
và cầm cái điện tín như cầm cái đuôi con thạch sùng, những ngón tay tê
lạnh, mất hết cảm giác.
- Lênh Đênh, gì vậy con ? Cha tôi từ trong nhà hỏi vọng ra.
- Dạ đâu có gì ! Tôi trả lời.
- Cha nghe con nói chuyện với ai mà.
-
Dạ… Dạ… Tôi ấp úng, đợi người phát thư quay xe đi. Có người ăn xin !
Rồi giấu tờ điện tín trong áo, tôi dọn bộ mặt thản nhiên, trở vào để cha
tôi khỏi nghi.
- Một người ăn xin hả ?
-
Dạ ! Tôi dạ như một cái máy vì tâm trí đang bận với cái điện tín : Có
thể đây là một tin chẳng lành, tuy chắc không có gì mới mẻ hơn linh tính
của tôi, nhưng tôi lại không muốn nghĩ đến điều đó, và từ đó không dám
cử động mạnh, tôi ôm cứng tờ giấy màu xanh vào ngực, cố tìm một lý lẽ
khác để trấn tĩnh : Tại sao không có thể là một tin vui ? Tin anh Cả tôi
lành bệnh chẳng hạn.
Cuối cùng, tôi lên gác, bật vội ngọn đèn, hai tay rút nhanh cái điện tín hấp tấp mở ra xem.
“Nó
đã chết !” Hàng chữ ấy trên điện tín nhoè nhoẹt vì nước mắt của tôi,
nhưng tôi vẫn đọc đi đọc lại cả hàng chục lần, xoay qua xoay lại đủ
chiều, tôi hy vọng đã đọc lầm, cái điện tín ấy biết đâu không phải của
mẹ tôi gửi cho cha tôi, đến nỗi đứng mãi ở trên gác và khóc sướt mướt mà
vẫn chưa tìm được một chi tiết nào phù hợp với hy vọng ấy.
Sau
đó, tôi trở xuống nhà dưới, lau mặt thật kỹ, tay vo chặt tờ giấy đáng
nguyền rủa ấy và đến bên cha tôi khi ông đã gấp quyển sổ lại, kêu con
chó đến vuốt ve. Dưới ánh đèn trông ông hiền từ, tươi tắn, thỉnh thoảng
mỉm miệng cười với con chó đang lăng xăng, quấn quít mừng rỡ mà lòng tôi
đau nhói. Tôi buồn bã nhìn cha tôi mãi, muốn nói với ông đừng cười. Cha
đừng cười như thế. Nhưng chưa nói thì bỗng ông ngửng đầu lên bắt gặp
đôi mắt của tôi và giựt mình, mặt biến sắc :
-
Anh con chết rồi phải không ? Ông thảng thốt kêu lên, chụp lấy vai tôi.
Tôi ngã lăn vào cánh tay ông, thả rơi bức điện tín, rồi cả hai ôm nhau
cùng khóc.
Cha tôi kể lể, não ruột :
-
Trời ơi ! Con ! Con ! Cha không ngờ. Cha không xứng đáng là cha. Chỉ
tại cha bất lực. Đáng lẽ thì cha phải nuôi con, phải để con sống trong
gia đình. Cha biết là cha đã lầm khi đưa con ra ở riêng, nhưng biết thì
đã muộn. Như thế chẳng khác nào cha đã chạy trốn một trách nhiệm…
Và
bây giờ tôi mới lờ mờ hiểu ra rằng việc gửi anh Cả vào nhà tu không do
lòng tín ngưỡng mà do vấn đề sinh kế thúc bách, do quyền lợi, cha tôi
chắc đã nghĩ đó cũng là một cách giải quyết sự túng quẩn – Anh Cả tôi có
nơi ăn, chốn ở và được giáo dục là đỡ một mối lo – Nhưng nếu vậy thì
tội không phải ở cha tôi mà tại ở hoàn cảnh vì lẽ dĩ nhiên, cha mẹ nào
cũng không muốn con mình bị khổ sở với cuộc đời nghèo nàn.
Tôi
nghĩ mà thương cha tôi, ông đã chịu đựng sự đau khổ phải xa rời một đứa
con những mười lăm năm nay và bây giờ là vĩnh biệt. Anh Cả tôi đã về
bên kia thế giới, đã đi trước cha mẹ tôi khi đáng lẽ những người già như
cha mẹ tôi phải làm cái việc ấy ; thực là bất công, thượng đế đã để
người già cúi xuống khóc cho người trẻ. Nhìn cha tôi khóc, tôi có cái
xót xa rồi một mai ông nằm xuống, anh cả tôi sẽ không được khóc cho ông
và đó là một cái tội : tội bất hiếu ! Tội lớn nhứt trong các tội của
người con, nhưng lại được mọi người tha thứ bằng tình thương bao la và
sự đau khổ tuyệt đỉnh. Và nữa, đứng trước cái chết, kẻ còn lại đã hoàn
toàn
chịu nhận sự bất lực trong cuộc giành giựt với tử thần về hơi thở và
mạch máu một cách thảm hại. Ngược lại, tôi không muốn thế. Tôi muốn anh
Cả tôi phải sống. Tôi liên tưởng đến những chuyện thần tiên và tự hỏi
phải chăng phép mầu là những biểu tượng cho một mớ ước vọng quá sức con
người hay phép mầu là sự thật chưa được khám phá ?
____________________________________________________