Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

CHƯƠNG NĂM_LINH HỒN TƯỢNG ĐÁ


năm


Quyên đứng nép vào một góc sân nhìn đám đông chen lấn nhau. Vừa hồi hộp, lo sợ, vừa háo hức nhưng Quyên biết mình không thể nào tiến gần tới được tấm bảng treo kết quả. Không gặp một đứa bạn, một người quen nào để nhờ xem giúp, nàng hơi hối hận đã nói dối Huy để tới đây một mình. Thật ra Quyên muốn dành một bất ngờ cho Huy. Nàng tưởng tượng khi báo tin thi đậu Huy sẽ mừng ra mặt. Huy đã chả nói Quyên đi thi mà tôi có cảm tưởng như chính mình, hồi hộp kinh khủng. Bởi vì, với Huy, chưa lần nào dạy những học sinh đi thi trong suốt những ngày tháng kèm trẻ tại tư gia nên với Quyên, chàng đã đem hết sự tận tâm chăm sóc. Chẳng thế mà khi Quyên lãnh phiếu báo danh về, thấy Quyên phải thi ở một trường học thuộc vùng ngoại ô Sàigòn, cách xa nhà cả bảy tám cây số, lại không tiện đường xe đi của ông Giang, Huy đã nhận việc đưa đón Quyên. Nàng còn nhớ ngày đầu đi thi, ngồi trên xe sau Huy, Quyên đã bẽn lẽn đến chín người mặc dù lúc đó tâm trạng nàng đang bồi hồi vì thi cử. Một niềm vừa hãnh diện, vừa sung sướng lâng lâng, vừa thẹn thùng ngột ngạt… xáo trộn trong Quyên khiến nàng không còn nhận ra mình nữa. Mặc dù đã cố giữ một khoảng cách tối thiểu để không đụng vào người Huy nhưng con đường đưa ra khỏi thành phố lỗ chỗ ổ gà nên những lần va chạm đã đương nhiên xảy ra. Trong khi ở phía sau Quyên như người say sóng, đằng trước Huy vẫn thản nhiên, thỉnh thoảng còn hát khẽ một điệu nhạc dân ca. Lần nào cũng vậy, trước khi Quyên vào trường thi, Huy đều lập lại câu nói:

- Đừng sợ gì hết nghe, nhớ viết chữ “bình tĩnh” to tướng trên tờ giấy nháp để trước mặt. Thôi Quyên vào đi. May mắn nhé !

Thi xong, Quyên trở ra đã thấy Huy đứng đón từ hồi nào. Chàng vồn vã :

- Xuôi cả chứ, Quyên ?

Rất may cho Quyên, bài nào cũng trôi chảy, nhưng trội nhất vẫn là hai môn Việt Văn và Sinh ngữ. Điều Quyên băn khoăn không hiểu trong khi nàng thi thì Huy đã đi đâu, chắc không phải trở về nhà, có hỏi Huy chỉ mỉm cười :

- Hãy lo cho “người” ở trong phòng thi, chứ đừng bận tâm đến “kẻ” bên ngoài.

Cho tới buổi chiều chấm hết ba ngày thi mệt mỏi, Huy rủ Quyên đi ăn kem để “khao cô bé trước”, Quyên nhận lời ngay, không đắn đo. Bước vào quán giữa khói thuốc và tiếng nhạc thời trang, Quyên biết nhiều cặp mắt nhìn nàng và Huy. Kệ, hơi đâu mà để ý đến những bộ mặt xa lạ. Sau khi đã ngồi vào bàn, gọi hai ky kem dâu, Quyên lại hỏi nhiều lần về điều thắc mắc của mình, Huy mới ngập ngừng trả lời :

- Tôi… ngồi trong một thư viện.

Quyên ngạc nhiên :

- Gần đấy làm gì có thư viện nào ?

- Của một tu viện, phía sau ngôi trường Quyên thi.

Quyên cười cười :

- Bộ thầy tính… đi tu hả ?

Huy cũng cười theo :

- Cũng có ý định như vậy !

- Thế thầy đã làm được những gì trong ba ngày qua ?

- Đọc kinh !

- Đọc kinh ?

- Ừ, cho Quyên thi đậu !

Câu nói có kèm theo một nụ cười và ánh nhìn là lạ sao đâu làm Quyên thoáng chút xao động. Mạnh dạn Quyên hỏi ngược lại Huy :

- Còn thầy biết trước khi thi Quyên viết chữ gì to tướng để đặt trước mặt không ?

- Chữ “bình tĩnh” !

- Đó là “lệnh” của thầy !

- Ừ, rồi sao ?

- Quyên không làm theo !

Huy mở lớn mắt nhưng chưa kịp nói ra sự ngạc nhiên của mình, Quyên đã tiếp :

- Quyên viết chữ “HUY” !

Trong khi Quyên thoáng hồng đôi má như người say rượu bởi chính câu nói của mình thì Huy cũng không giấu được nét bối rối. Cô bé lại bắt đầu đùa lớn đây. Tiếng Quyên khoả lấp khoảng trống yên lặng :

- Thầy biết lý do không ?

Huy làm ra vẻ tự nhiên :

- Để làm… con ngáo ộp chứ gì ?

Giọng Quyên chùng xuống, nghiêm trang :

- Để an tâm và tin tưởng !

Huy biết không nên kéo dài câu chuyện, ra hiệu cho Quyên cạn ly, gọi người giúp bàn tính tiền, bảo chúng ta đi về kẻo ở nhà mong.

Cơn nắng của chiều đã tàn dần. Gió thổi mát nhẹ. Huy chọn những con đường vắng xe nhưng được che rợp bởi hai hàng cây me đứng chụm đầu vào nhau. Câu chuyện trao đổi giữa hai người vẫn bâng quơ về thi cử học hành. Quyên muốn cho con đường kéo dài đến vô tận và buổi chiều thơ mộng sẽ không bao giờ chấm dứt. Nhưng mỗi khi Huy cho xe vòng đến một con phố khác nàng lại rơi vào tiếc nuối. Về tới gần nhà, Quyên như muốn vớt vát một vật yêu quí sắp vuột ra khỏi tay :

- Niên học tới thầy… kèm Quyên nữa nhé !

Huy hơi ngoái cổ lại :

- Chưa ngán lối học kèm trẻ tại gia à ?

Biết Huy trêu mình, Quyên đỏ mặt, phụng phịu :

- Tại… hồi đó… chưa biết chớ bộ !

- Chưa biết gì ?

Trong đầu thì nghĩ “chưa biết thầy”, nhưng bên ngoài miệng Quyên lại nói :

- Chưa biết sự… ích lợi !

Im lặng. Lát sau Quyên lập lại :

- Sang năm, kèm Quyên nữa, nhé thầy ?

Huy cười nụ :

- Hiện tại còn chưa rõ mình… ra sao, nói gì đến sang năm ! Xa xôi quá!

Giọng Quyên chợt chùng xuống :

- Chắc thầy… ghét Quyên lắm ?

- Ghét nhất trên đời này !

Sau câu nói Huy vặn tay ga. Chiếc xe chợt vụt lên. Quyên hoảng hốt, vô tình chụp lấy người Huy. Nghe một sự xốn xao là lạ.

Và trước khi chia tay :

- Nghỉ hè, thỉnh thoảng thầy tới… thăm Quyên nhé.

- Cái đó là cái chắc !

- Nhưng sao thầy bảo… tháng tới trình luận án Cao học rồi thầy xin học bổng xuất ngoại ?

- Đó là ước mộng, mà mộng và thực mấy khi giống nhau !

Quyên nghe chút ngậm ngùi sau câu nói của Huy.

Những ngày sau kỳ thi dài lê thê, tưởng như dậm chân một chỗ. Quyên bồn chồn trông ngóng kết quả, không bước ra khỏi nhà. Mấy nhỏ bạn, con Thuần, Trâm, Nguyên, con Huyền, Trúc cũng mấy lần tới tìm Quyên tán dóc. Đứa nào cũng có vẻ tin tưởng nhưng vẫn không giấu nổi lo âu và hoài nghi. Mỗi lần gặp nhau, các mái đầu chụm lại, tính toán, rồi cộng các số điểm do tự ý mình cho, xem có đủ điểm để đậu không. Xê đi, xích lại nhiều lần để rồi ai cũng thấy mình… dư điểm để… chiếm bảng vàng. Tuy nhiên các nghi vấn vẫn luôn luôn được đặt ra, nào sợ người ta đánh mất bài, sợ giám khảo đọc không kỹ bài của mình, sợ vị giáo sư nào đó khi chấm bài mình đúng lúc đang có chuyện bực mình, sợ khi dán “phích” người ta lại ráp qua bài người khác, sợ người ta cộng điểm sai… Ôi, các bộ mặt lo âu đến tội nghiệp !

Ba má đã hứa thưởng Quyên đi nghỉ mát trên Đà Lạt hoặc ngoài Nha Trang, tuỳ ý cô bé chọn. Ông bà tin chắc rằng con mình sẽ đậu. Hơn bao giờ hết những ngày này Quyên như trầm luân trong những rối bời tình cảm. Nàng thấy trống vắng lạ lùng. Một thói quen đều đặn mà Quyên vẫn coi như niềm vui đầy, nỗi hạnh phúc lớn của mình, đã bị mất. Sáng sáng không còn được gặp Huy, nghe giọng Huy nói, môi chàng cười, ánh mắt chàng say đắm. Không còn được ngong ngóng mong đợi hay líu lo kể những chuyện trời mây cho Huy nghe. Nàng thẫn thờ dễ nhận ra. Ba má tưởng Quyên hồi hộp về kết quả thi cử, vẫn trêu chọc cho nàng vui hoặc khích lệ để nàng yên tâm. Quyên chỉ biết cười và cười. Ba mẹ ạ, làm sao ba mẹ hiểu được con. Con lớn rồi và con có những nỗi buồn riêng của con. Thường ngày Quyên hay giam mình trong phòng, viễn mơ trong tiếng nhạc dịu êm. Giờ này Huy đang làm gì nhỉ. Chắc Huy đang bận rộn với sách vở đầy bàn, với lo âu đầy mắt, toan tính đầy tay… Và rồi Huy cũng tới thăm Quyên. Chỉ một lần trong hai tuần lễ qua, Quyên trách nhẹ :

- Thầy ác ghê, mãi bây giờ mới đến !

Huy cười nụ :

- Thông cảm đi. Mấy ngày nay bận kinh khủng vì lo thủ tục trình Cao học.

Và Quyên nghe xót xa trong lòng khi nhận ra khuôn mặt hơi gầy, và quầng xanh bao quanh mắt Huy.

Huy nói :

- Nghe chừng nào có kết quả chưa Quyên ?

Nàng nói dối – như đã thầm định từ lâu :

- Có lẽ hơn… một tuần lễ nữa !

- Gì mà lâu dữ vậy ?

- Quyên cũng… nghe đồn vậy thôi !

- Cô bé chờ tôi đến đưa đi. Chịu không ?

- Dạ…

Dạ để rồi bây giờ Quyên đứng chôn chân ở đây, nhìn thiên hạ đã có kẻ khóc, người cười sau khi đọc được kết quả trên tờ giấy. Đám đông vẫn như cái chợ, chồng chất lên nhau, bao quanh tấm bảng. Nhất là mấy chàng con trai, hung hăng như ngựa rừng, xô lấn dữ tợn. Tiếng la hét của đám người cuồng tín. Tội nghiệp cho một chiếc Honda của ai để gần đấy: không kể những tên lực lưỡng đứng trên yên và trên tay lái, có tới ba tên khác nhảy trên chiếc giỏ xe! Chắc chừng ít phút nữa chiếc xe sẽ trở thành… đống sắt vụn. Chủ nhân chiếc xe giá có thi đậu, chắc vẫn cảm thấy mình bị... thua lỗ! Quyên thấy nhớ chiếc xe của nàng để ở nhà, tự khen mình đã… sáng suốt khi dùng Taxi tới đây…

Nhiều cặp mắt nhìn Quyên sỗ sàng làm nàng khó chịu. Quyên đi vòng lại phía văn phòng nhà trường đứng cho khuất. Nàng nghe buồn buồn trong lòng. Trước mắt Quyên vẫn là cảnh hỗn độn khủng khiếp. Tấm bảng dán kết quả kỳ thi đong đưa giữa đám đông tưởng như sắp gãy đổ. Lớp bên ngoài lấn vào, lớp bên trong không ra được, lúc nhúc như bầy kiến giành nhau hạt cơm rơi. Bỗng đám đông cuồn cuộn hẳn lên, như nước vỡ bờ. Nhiều tiếng la hét nổi bật lên giữa tiếng ồn ào:

- Thằng kia, ai cho mày xé ?

- Rớt thì thôi chứ sao xé vậy, cha nội !

- Đánh bể mặt thằng nào xé đi !

- Xem cái con khỉ gì nữa, bị xé hết trơn rồi còn đâu !

- Quân mất dạy, không nghĩ tới người khác !

Đám đông bắt đầu dãn ra. Hầu hết những người tham dự đều nhễ nhại mồ hôi, đầu tóc rối bù, mặt mày đỏ gay, áo quần xốc xếch. Tin những tờ giấy in kết quả bị xé làm bất bình nhiều người. Quyên hoảng hốt. Không gian như chợt tối sầm hẳn lại. Bao nhiêu ý định tiêu tan. Nào báo tin cho cha mẹ, cho Huy, nào cho bạn bè; những niềm vui vỡ bờ dự tính này bây giờ trở thành nỗi tuyệt vọng. Quyên thấy giận ghê những kẻ vô ý thức đã xé đi những tờ giấy mà nhiều người trông đợi. Nước mắt dâng lên, cứ chực ứa ra…

Nhiều người đã bỏ về. Sân trường mang vẻ xác xơ như vừa chịu đựng một cuộc chiến khốc liệt. Rác, giấy la liệt, lại có những chiếc dép, đôi guốc bị vứt lại bừa bãi. Tuy nhiên tang thương nhất vẫn là tấm bảng: màn lưới sắt mắt cáo bị tung ra; trên mặt gỗ nham nhở những vết giấy còn lại; chiếc đèn ống gắn trên nóc bảng trễ xuống như chỉ chờ một cơn gió mạnh là rơi xuống. Quyên nhìn cảnh vật mà ngao ngán, thở dài…

Bây giờ còn lại có Quyên và vài người con gái khác nữa có lẽ cũng trong tâm trạng và hoàn cảnh như nàng. Đã hơn 4 giờ chiều. Nắng còn gắt và oi bức. Dường như Quyên đã quên mình cũng phải về. Hay nói đúng hơn nỗi tuyệt vọng đã giữ chân Quyên lại. Nàng nghĩ không còn cách nào khác để biết kết quả. Hẳn những người thân của nàng đang chờ đợi một tin vui. Quyên muốn chính mình đem về trước nhất niềm vui đó… Nhưng hiện tại lo âu và chán chường đang rối bời trong tâm trí nàng.

Khi biết nếu đứng lại mãi cũng vậy thôi, Quyên vừa định cất bước đi thì nghe tiếng lách cách trong văn phòng nhà trường. Rồi một cánh cửa hé mở, một cái đầu ló ra, sau đó xuất hiện một vị tu sĩ trong chiếc áo thâm chùng. Quyên khẽ cúi đầu chào. Vị tu sĩ đáp lại :

- Thế nào đậu không ?

Câu hỏi của vị tu sĩ như có sức phá đi những chướng ngại vật cho nước trào qua bờ, Quyên bật khóc, cúi đầu. Có lẽ hiểu mình đã vô tình khơi dậy nỗi tủi thân của một cô học trò thi rớt, vị tu sĩ ôn tồn :

- Học tài thi phận ! Đừng khóc nữa con, năm nay không đậu thì sang năm, lo gì !

Quyên lấy khăn chậm mắt, lắc đầu :

- Dạ… không phải… vậy !

- Thế con có chuyện chi ?

- Dạ… dạ… con chưa… được coi… bảng !

Chợt hiểu ra, vị tu sĩ thở dài :

- Ấy kỳ nào cũng vậy, cứ treo ra thì chỉ ít phút sau là bị xé. Có những người thật tệ ! Cứ ngữ này dám sang năm không cho Bộ mượn trường nữa. Không năm nào là không phải làm lại cái bảng thông cáo !

Quyên rụt rè :

- Thưa cha, giờ con… làm sao ?

Những nếp nhăn thoáng cau lại trên trán vị tu sĩ đứng tuổi. Có lẽ cũng nhận ra viền mi cô bé còn long lanh ướt, vị tu sĩ chép miệng :

- Tên gì ? Số báo danh ?

Quyên nhanh nhẹn lấy trong chiếc ví tay xinh xinh tấm “phiếu báo danh” màu vàng :

- Thưa cha tên con đây.

Sau khi lẩm nhẩm đọc vị tu sĩ đảo mắt chung quanh sân trường, sợ có một đám đông nào đó bất chợt xông tới :

- Theo cha !

Chờ cho Quyên bước vào hẳn trong văn phòng, vị tu sĩ đóng cửa cẩn thận lại, lấy trong một chiếc tủ sắt ra một chồng giấy mà Quyên biết đó là danh sách các thí sinh trúng tuyển. Tim nàng đột nhiên nhảy mạnh, hai tay lạnh đi, nhem nhép mồ hôi. Trong khi đó vị tu sĩ vẫn thản nhiên lật từng tờ giấy :

- Lê Thị Hạ Quyên... 1084... phải không ?

- Dạ...

- Đây, tìm đi !

Các dòng chữ như đảo lộn trước mắt Quyên. Nàng bóp mạnh tay vào chiếc khăn mùi soa để trấn tĩnh. Cơn hồi hộp làng nàng muốn nghẹt thở. Mắt Quyên mở thật lớn, dõi theo cẩn trọng từng hàng tên một :

- 1075... 1077... 1079... 1081...

Tiếng vị tu sĩ vang lên trong căn phòng vắng lặng :

- Thấy chưa ?

Quyên dí đầu ngón tay trỏ xuống thấp hơn :

- 1083... 1084 !

Quyên muốn hét lớn. Đây rồi ! Lê Thị Hạ Quyên, số báo danh 1084... Bình ! Nàng nghe thân mình như bay bổng. Các tảng đá như vừa được cất khỏi đôi vai. Quyên quay lại, nở một nụ cười rạng rỡ, nói như reo vui :

- Con đỗ rồi cha ! Hạng Bình !

Vị tu sĩ vui lây :

- Thôi, về mà ăn khao !

Quyên hơi nhún người xuống, cúi đầu chào :

- Con cảm ơn cha nhiều lắm !

- Không có chi !

- Con về, cha !

Vừa bước ra khỏi văn phòng, Quyên gặp năm sáu người nữa rụt rè, cũng có vẻ như muốn tiến vào. Có lẽ họ đã biết chuyện. Một thiếu nữ gọi với theo Quyên :

- Chị ! Chị !

Nàng dừng lại. Cô gái tiến lại gần, nét mặt đầy lo âu :

- Chị đậu không chị ?

- Đậu.

- Ở trỏng họ cho coi kết quả, hả chị ?

- Vâng. Chị chưa coi à ?

- Tôi tới trễ...

- Chị vào văn phòng kia kìa.

- Không biết họ có cho coi nữa không ?

- Năn nỉ thế nào cũng được !

- Tôi lo quá !

- Chúc chị may mắn !

- Cám ơn chị !

- Chào chị !

Nói xong Quyên rảo bước. Niềm vui của Quyên dâng lên cao độ. Những bước chân của nàng nhẹ nhàng, thoăn thoắt. Quyên vẫn có cảm tưởng mình đang sống trong mơ. Hiện tại với nàng, cuộc đời đầy màu hồng, có tràn đầy ánh nắng mặt trời, có mùa xuân. Quá yêu đời, Quyên có cảm nghĩ mình là đứa con gái sung sướng nhất trần gian.

Một chiếc Taxi rề vào lề đường với một cử chỉ mời mọc của ông tài xế. Không cần mặc cả giá như lúc đi, Quyên tự mở cửa leo lên xe ngồi phía sau. Một ý nghĩ chợt hiện ra trong đầu nàng. Báo tin mừng cho ai trước ? Ba mẹ ? Hay Huy ?... Và nàng lý luận nhanh chóng. Giờ này ba đi làm chưa về, ở nhà chỉ có mẹ và nhỏ Thảo, thôi để tối về minh báo tin chung cho cả nhà mừng một lượt. Chắc gia đình sẽ vui lắm. Mẹ đầy mơ ước rồi nhé, con gái của mẹ đậu rồi nè...

- Đi đâu, cô hai ?

Tiếng hỏi của người tài xế đưa Quyên về thực tại. Nàng do dự, nóng ran mặt mày khi chợt nghĩ tới Huy...

Chiếc xe hơi chậm lại khi gần đến một ngã tư. Ông tài xế lặp lại câu hỏi như sợ cô hành khách của mình chưa nghe rõ :

- Cô hai, đi đường nào ?

Quyên nói tên đường – con đường có căn nhà trọ của Huy. Cũng may tình cờ một hôm nàng vô tình đọc thấy địa chỉ của Huy trên một cuốn sổ. Và nàng đã in sâu những con số đó vào ký ức – như để sẽ không bao giờ quên...

Chiếc xe lao nhanh. Gió lùa qua cửa thổi tung suối tóc mà Quyên vẫn cảm thấy mặt mũi mình nóng bừng như đang ngồi cạnh bếp lửa. Quyên đang nghĩ tới Huy. Không hiểu anh chàng đang làm gì ? Có mong đợi kết quả thi cử của cô học trò không nhỉ ? Chắc có chứ, Huy chả từng bảo Quyên mà đậu tôi là một trong những người sung sướng nhất. Nghĩ lại những ngày tháng qua Quyên thấy mình dại ghê. Khởi đầu chả chịu học gì cả, chỉ tìm cách phá Huy để anh chàng thất vọng mà tự động rút lui. Những trò-chơi-trẻ-con-dĩ-vãng làm Quyên đỏ mặt hơn nữa. Cũng may mà Huy kiên nhẫn. Quyên nghĩ kết quả tốt đẹp đang reo vui trong tim nàng phải kể là do phần lớn công lao của Huy. Bởi vì, trong niên học, ngồi ở lớp Quyên để hồn viễn mơ nhiều hơn là chăm chú nghe giảng. Lời thầy dạy như chỉ thoang thoảng bên tai rồi lại bay đi; hơn nữa những cuộc nô đùa bạn bè thường quyến rũ hơn những bài học, bài làm. Khi khởi sự kèm Quyên học, Huy đã phải hốt hoảng về sự học hành lơ mơ của Quyên. Cuộc hành trình phải bắt đầu lại từ đầu. Huy giảng dạy từng ly, từng tí, thật cặn kẽ. Chỉ hơn hai tháng Quyên đã có một căn bản khả quan. Ngoài hai môn trách nhiệm, Việt văn và Sinh ngữ, Huy còn dẫn dắt Quyên thành thạo về những môn khác nữa, Khi học về Toán, Quyên trêu: dân Văn khoa mà cũng giỏi về toán nữa cơ. Huy cười: cô đừng tưởng, tôi đậu tú tài ban B hạng bình thứ. Rồi ngày qua đi, khi Quyên đã trở thành cô học trò ngoan hiền thì bóng dáng Huy cũng trở thành một thứ-cần-thiết của Quyên. Bao giờ, việc gì Quyên cũng đặt Huy ở chỗ ưu tiên. Không dám làm cái này sợ Huy buồn. Thực hiện chuyện kia để Huy vui. Chăm học để thấy nét sung sướng trong mắt Huy. Làm bài đúng để nụ môi Huy nở rạng ngời. Một mẩu chuyện vui, một khúc chuyện buồn Quyên đều giữ cho Huy nghe trước... Cũng vì vậy Quyên muốn dành tin thi đậu cho Huy trước tiên. Chắc Huy mừng lắm lắm. Thế nào cũng thưởng mình một gói ô mai. Con trai mà lúc nào cũng mang ô mai theo người... Hay thôi, mình sẽ trêu Huy một phen, làm bộ báo tin thi rớt cho anh chàng hốt hoảng. Mình phải tạo một bộ mặt thiểu não, nếu cần khóc nữa ( khóc là... nghề của mình mà; Huy chả bảo các tuyến nước mắt của Quyên đều hư cả rồi !). Chắc chắn Huy sẽ buồn khổ, lúc đó mình sẽ phá lên cười cho anh chàng... mắc cỡ vì tẽn tò. Rồi Huy sẽ kí đầu mình cho mà xem. Mà chả sao, mình mong được Huy kí đầu suốt đời...

- Cô hai, tới chưa ?

Quyên giật mình, đưa mắt nhìn qua cửa kính để tìm số nhà trên các bảng hiệu :

- Bác cho lên chút nữa.

- Số mấy ?

- 205.

- Có « siệc » gì không ?

- Dạ có, nhưng bác cho xuống ngoài đường cũng được.

Chiếc xe chạy thêm một khúc dài nữa rồi dừng lại. Quyên hỏi giá tiền, Xin cô cho hai trăm rưỡi. Khi vui người ta thường trở nên rộng rãi; Quyên biếu luôn ông tài xế số tiền lẻ.

Đứng một mình trên hè phố, đầu con ngõ hẻm, Quyên bỗng thấy mình hồi hộp lạ lùng. Một thoáng chút hối hận nhem nhúm. Lần đầu tiên trong đời Quyên tìm đến nhà một người con trai. Trái tim đập dồn dập trong lồng ngực. Quyên bối rối, nửa muốn quay về, nửa như nuối tiếc. Mặt nàng xanh nhợt đến tội nghiệp. Mồ hôi rịn ra trong áo. Hai bàn tay xoắn chặt chiếc khăn mùi soa tưởng như xé đôi ra được. Có lẽ Quyên còn hồi hộp gấp trăm lần lúc đi coi kết quả thi. Dù đã mím chặt bờ môi mà Quyên vẫn có cảm tưởng hơi thở của mình muốn đứt quãng. Con hẻm hút sâu bỗng trở nên chứa đầy đe doạ. Tuy nhiên khuôn mặt của Huy cũng đồng thời hiện ra chờ đợi, mời gọi. Quyên còn do dự...

Một chiếc xe gắn máy từ đường quặt vào ngõ hẻm, bóp còi inh ỏi đòi những người đi đường nhường chỗ. Quyên giật mình tránh sang một bên. Rồi vì sợ những con mắt tò mò dị nghị Quyên từ từ cất bước. Đầu óc nàng lý luận như để bào chữa cho hành động và cũng để trấn tĩnh cơn rối loạn trong nàng. Thì mình cứ coi như đến nhà một người bà con hay nhà một nhỏ bạn nào đó. Hơn nữa mình có lý do chứ. Báo tin thi đậu để Huy mừng. Vậy có gì đâu mà phải sợ. Chắc Huy chả... hiểu lầm hay khinh mình đâu. Anh chàng thể nào cũng ngạc nhiên hết sức khi thấy mình đến bất ngờ. Có vậy mới thú vị. Và khi mình nói thi đậu Huy sẽ reo vui cho xem... Quyên nghe lòng mình dịu xuống phần nào, nhưng chỉ được một lúc những cơn sóng lại trỗi dậy, dữ tợn hơn. Lúc này Quyên lại muốn con đường hẻm kéo dài ra, không cùng để chả bao giờ nàng thấy nhà Huy. Có lúc Quyên đã định quay ra nhưng như có một ma lực điều khiển những bước chân của nàng. Thỉnh thoảng một vài người hàng xóm nhìn Quyên khiến nàng càng bối rối, có cảm tưởng như mình bị bắt gặp đang lúc phạm một trọng tội gì. Trong các ngõ hẻm thường thường người ta quen hết mặt nhau, thuộc lòng những thói quen và giờ giấc đi về của nhau nên khi một người lạ nào xuất hiện thể nào cũng gây sự chú ý cho họ. Quyên cũng đang có ý nghĩ mình là một cái đích cho bao cặp mắt, bao nghi vấn của người dân ở đây. Nàng khổ sở vô cùng, nhưng nghĩ đến Huy, tưởng tượng nét mặt rạng nở của chàng Quyên lại lướt thắng tất cả. Nàng cầu mong cho Huy ra đứng trước cửa và chợt nhận ra nàng, chạy đến đưa nàng vào nhà để nàng khỏi ngơ ngác nhìn từng số nhà. Huy ơi, thầy có biết Quyên đang tới báo cho thầy tin mừng không nè, học trò thầy đỗ rồi. Gớm, nhà thầy gì mà khó tìm ghê, bắt đền thầy đấy. Quyên chả thèm ô mai như mọi khi nữa đâu. Quyên lớn rồi và Quyên thích ở thầy những thứ khác cơ, một bài thơ thật êm nhẹ do thầy sáng tác chẳng hạn, mà phải đề tặng Quyên đàng hoàng. Ghi nhớ ngày đầu tiên Quyên liều lĩnh đến nhà thầy...

- Cô tìm nhà ai ?

Quyên giật bắn mình kho một giọng nói nổi lên sau lưng. Nàng quay lại, hoảng hốt nhìn người đàn bà đang đứng bồng con trên thềm nhà :

- Dạ... dạ... tôi tìm... số 161A !

- Mà nhà ai ? Cô nói tên, tôi biết ngay !

- Thưa... nhà... ông Huy !

Người đàn bà xốc lại đứa con trên tay :

- Phải cái ông đeo mắt kiếng không ?

- Dạ phải ...

- Ổng đi chiếc xe nổ lớn phải không ?

- Dạ ...

- À, ông Sinh viên ! Nhà ổng kìa, trên gác đó. Cô cứ leo chiếc cầu thang mé ngoài mà lên !

- Dạ ... cám ơn bác !

Quyên không ngờ mình đã ở quá gần nhà Huy. Căn gác đã hiện ra rõ rệt – căn gác mà đã có lần Huy tả cho Quyên nghe – giống như một cái chòi canh của lính, ban ngày thì nóng như... lò bánh mì, nhưng tối lại mát kinh khủng, nhờ có hai cửa sổ nên đêm đêm tha hồ ngắm trăng sao... Từ đó Quyên thấy căn gác trở nên thân thuộc, dù chưa lần nào thấy tận mặt, nhưng bây giờ nó đã sừng sững trước mắt thì Quyên lại ngại ngùng, lo âu

Bàn tay Quyên đã đặt trên tay vịn cầu thang. Trái tim bé con của nàng như sắp vỡ ra vì bóp mở quá mạnh và đập quá nhanh. Cổ nàng khô lại như sắp cháy. Dù Quyên đã hết sức đặt chân thật nhẹ trên từng tấm gỗ thế mà Quyên vẫn có cảm tưởng cả cái cầu thang đang đong đưa trong khoảng trống. Nàng đưa tay vuốt lại mái tóc và lau mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt...

Khi bước chân của nàng vừa cất lên khỏi bậc thang cuối cùng, Quyên bỗng hoảng hốt, suýt kêu lên thành tiếng. May mà bàn tay nàng chụp vội được thành vịn cầu thang, nếu không rất có thể Quyên bị rơi xuống đất. Quyên dụi mắt, không tin là mình hoa mắt, nhìn lầm. Rõ ràng qua khung cửa sổ Quyên thấy Huy đang ngồi cạnh một cô gái. Hai người quay lưng ra ngoài nên không nhìn thấy Quyên. Nàng choáng váng, lấy tay đè ngực cho đỡ cơn nghẹn dâng lên cổ. Nắng chiều như vụt tắt. Các mái nhà chuyển động, kéo nhau sụp đổ. Dưới chân cầu thang mở ra một hố sâu. Quyên lắc đầu thật mạnh cho tỉnh hẳn lại. Nước mắt ứa ra ...

Quyên đi như chạy, không còn thấy gì chung quanh. Người đàn bà bế con lúc nãy gọi với theo:

- Cô không thấy nhà ổng à ?

Quyên không biết gì nữa. Tai nàng đã ù đi. Hình ảnh trong căn gác của Huy quay cuồng trong đầu óc nàng. Cơn lốc cuồn cuộn và Quyên bị ném vào trong đó...

Ra khỏi ngõ hẽm, Quyên đi chậm lại. Những bước chân của Quyên nặng nề và rã rời. Nàng tìm những con lộ vắng, không cần biết đi đâu... Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều. Trời cho không được mấy.... Tiếng hát trĩu buồn mà Quyên thường thích nghe hát giờ đây như văng vẳng bên tai nàng. Tâm hồn Quyên rã rời, đớn đau. Nàng muốn khóc thật nhiều cho vơi đi những giọt sầu chất chứa, nhưng dường như nước mắt đã khô cạn... Kỷ niệm xưa đã chết, cơn mê đã chiều, tình yêu đã chết, xót xa đã nhiều. Đời thôi sẽ còn mai sau... Xin một lần vẫy tay chào, dòng đời đó, cuốn người theo...

Quyên lững thững đi – như một người mất thần. Niềm vui thi đậu, nỗi háo hức báo tin vui đã hoàn toàn nhạt nhoà trong nàng. Hai bên đường, hàng me đứng chụm đầu vào nhau, rắc xuống những chiếc là vàng – như những giọt nước mắt của cây cối nhỏ xuống khóc thương một cô bé học trò áo trắng. Thôi, niềm vui ơi, giã từ !
 

HOÀI MỸ         
(Sàigòn , 28 – 9 – 1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>